Doanh nghiệp bất động sản giữa “bão Covid-19”: Nắm bắt cơ hội trong khủng hoảng

Thái Bình| 29/06/2021 06:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đang tạo ra những “cơn sóng” như muốn “nhấn chìm” các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, Chính phủ với những chỉ đạo hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch và điều hành kinh tế vĩ mô đã tạo động lực để nhiều doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội nhằm vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp bất động sản “thấm đòn” vì Covid-19

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, từ cuối năm 2019, thị trường bất động sản đã chững lại, sau đó dịch Covid-19 bùng phát càng khiến thị trường bị đình trệ nghiêm trọng. Việt Nam cơ bản kiểm soát được đợt dịch đầu và thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Song, dịch Covid-19 liên tiếp tái bùng phát trở lại trong năm 2020 và nửa đầu 2021 càng trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh bất động sản.

Số liệu thống kê từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019). Bao gồm: 32.722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 41,5%); 21.802 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 12,2%); 8.937 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,5%).

1(1).jpg
Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm dừng hoạt động khá lớn, với 927 doanh nghiệp, tăng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS - Bộ Xây dựng cũng cho biết ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động. Đồng thời, có khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch.

Không chỉ có vậy, “siêu bão Covid-19” còn tạo ra những điểm nghẽn khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có tâm lý “hoang mang” khi đổ tiền vào bất động sản. Điều này không khó lý giải khi hàng loạt dự án đang triển khai hay sự kiện mở bán, ra mắt dự án…của nhiều doanh nghiệp phải dừng, tạm hoãn hoặc thậm chí phải đóng cửa.

Theo nhiều đánh giá, trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản thì phân khúc bất động sản bán lẻ và nghỉ dưỡng, khách sạn chứng kiến thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, bắt đầu từ tháng 3 cho tới thời điểm hiện tại, trong khi bất động sản văn phòng, đất nền, chung cư chịu ảnh hưởng nhẹ hơn. Trong năm 2020, công suất thuê phòng khách sạn chỉ đạt khoảng 30 – 40%, giá cho thuê phòng khách sạn bình quân trên toàn thị trường cũng giảm nhiều, chỉ đạt khoảng 40% so với năm 2019. Ghi nhận của Công ty Savills Hà Nội, giá khách sạn giảm xuống thấp hơn 40-50% so với trước Covid-19, tỉ lệ lấp đầy của khách sạn cũng chỉ đạt 30-40%.

Một ví dụ điển hình cho thấy doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch gặp phải nhiều khó khăn phải kể tới Tập đoàn Sun Group. Trong năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận tình hình kinh doanh với doanh thu sụt giảm 70% so với kế hoạch và 80% so với năm 2019.

Biến khó khăn thành động lực

Tuy còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhưng thị trường bất động sản vẫn được các chuyên gia đầu ngành đánh giá là mảnh đất màu mỡ để phát triển và đầu tư sinh lời lâu dài. Có được nhận định này là bởi trong bối cảnh chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19 nhưng với những nỗ lực rất lớn trong công tác chỉ đạo điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, năm 2020 kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương đạt 2,91% góp phần làm cho GDP trong 5 năm vẫn tăng trung bình 5,9%/ năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Điều này đã tạo ra những “cú hích” quan trọng tác động tích cực đến đà phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện, cải cách các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nhà nước cũng tiếp tục bám sát thị trường để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, bất cập của chính sách, pháp luật và những tác động của dịch Covid-19 nhằm giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

2(1).jpg

Nhiều dự án đang phải đình trệ vì gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để không “chết chìm” trong khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm cho mình giải pháp tối ưu và phù hợp nhất để có thể tồn tại qua “bão Covid-19”. Cụ thể song song với việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa dịch mà Chính phủ quy định, Sun Group đã tranh thủ thời gian cách ly xã hội để rà soát lại hệ thống, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ tại tất cả các resort, khách sạn, khu du lịch do Sun Group đầu tư trên toàn quốc.

Ngoài ra, Sun Group còn tranh thủ quãng thời gian này để “thay đổi diện mạo” cho các khu du lịch Sun World, khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Đặc biệt, Sun Group cũng đã lên kế hoạch để khôi phục kinh doanh sau dịch, trong đó ưu tiên các chiến dịch kích cầu khuyến mãi tại các khu du lịch, khách sạn để đón đầu giai đoạn bùng nổ hậu Covid-19.

Là một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với 30 năm hoạt động, bão” Covid-19 “đổ bộ” vào Việt Nam khiến Tập đoàn Bim Group cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” thiệt hại. Hàng loạt các dự án trong lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng của tập đoàn phải chậm tiến độ. Song chia sẻ về những khó khăn cũng như giải pháp để vượt qua “siêu bão Covid-19”, đại diện Tập đoàn Bim Group cho rằng: Nhận thức được trong “nguy có cơ”, thách thức và khó khăn đi qua cũng mang tới cho các cá thể, doanh nghiệp nhiều bài học đắt giá. Trước hết, đó là bài học “Đoàn kết là sức mạnh”. Theo đó, Bim Group đã tận dụng thời gian để thắt chặt tinh thần đoàn kết, thúc đẩy sự thay đổi từ chính nội tại mỗi cán bộ, nhân viên trong tập đoàn. Ngoài ứng dụng làm việc, họp hành online, Bim Group đã triển khai nhiều chiến dịch nội bộ trực tuyến để kêu gọi tất cả cán bộ, nhân thi đua thay đổi bản thân theo hướng tích cực trong mọi lĩnh vực: sức khỏe, kiến thức…

“Bài học thứ hai Bim Group tìm thấy đó là ‘luôn tìm thấy cơ hội trong thách thức”. Chúng tôi đã tận dụng quãng thời gian chững lại do dịch bệnh để hoàn thiện chất lượng nhân sự cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho sự trở lại tốt hơn, nhanh hơn trong giai đoạn tới đây”- đại diện lãnh đạo Bim Group chia sẻ.

Với tinh thần không lùi bước trước khó khăn, luôn chủ động các kế hoạch, cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời của Chính phủ và các Bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản tin rằng tăng trưởng sẽ được phục hồi, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam “hồi sinh”, mở ra những cơ hội mới cho giới đầu tư và kinh doanh bất động sản trong thời kì hậu Covid-19.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp bất động sản giữa “bão Covid-19”: Nắm bắt cơ hội trong khủng hoảng