Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nguy cơ nợ nần vì trái phiếu

Trang Nhi| 19/01/2021 15:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu đẩy lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lên cao để huy động trái phiếu với khối lượng lớn, khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc thị trường bất động sản bấp bênh thì rủi ro với doanh nghiệp và nhà đầu tư là rất lớn.

Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong năm 2020, đã có 2.408 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, trong đó có 2.228 đợt phát hành thành công, tăng 2,46 lần so với năm 2019.

Trong đó, giá trị phát hành của các công ty bất động sản chiếm 5,88% tổng giá trị phát hành; các doanh nghiệp xây dựng chiếm 4,38%; các doanh nghiệp sản xuất chiếm 3,78%; các doanh nghiệp dịch vụ chiếm 1,61%; các doanh nghiệp chứng khoán chiếm 0,87%; còn lại là các doanh nghiệp khác chiếm 28,35% tổng giá trị phát hành.

traiphieu.jpg
Trái phiếu doanh nghiệp đang hấp dẫn đầu tư

Theo nhận định của các chuyên gia, trong quý I/2021, TPDN tiếp tục hút vốn mạnh trên thị trường. Nguyên do là bởi hiện nhiều kênh đầu tư đang gặp khó khăn như vàng giảm mạnh, đồng USD dù tăng giá nhưng không ổn định… trong khi đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngày càng xuống thấp.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều chuyên gia lo lắng là hiện nay sức hút của TPDN không đến từ chất lượng kinh doanh, mà đến từ lãi suất được doanh nghiệp đưa ra rất hấp dẫn, dù phần lớn trong số đó không có tài sản bảo đảm, hoặc tài sản bảo đảm là chính trái phiếu.

Đáng chú ý, bất động sản vẫn đứng đầu về lượng TPDN phát hành, trong tổng số 88 doanh nghiệp phát hành, chỉ có 16 doanh nghiệp niêm yết, còn lại là trái phiếu 72 doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành.

tap-doan.jpg
Doanh nghiệp bất động sản nên cẩn trọng

Phân tích những rủi ro đến từ nhóm trái phiếu BĐS của các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành trong thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu tình hình sản xuất kinh doanh tốt, thị trường BĐS diễn biến thuận lợi thì doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà đầu tư khi sở hữu trái phiếu.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn do quy mô năng lực tài chính hạn chế sẽ không thể trang trải được khoản nợ lớn đã phát hành.

Đối với doanh nghiệp BĐS, bên cạnh vay nợ trái phiếu thì các doanh nghiệp này còn vay ngân hàng. Nếu cứ đẩy lãi suất lên cao để huy động trái phiếu với khối lượng lớn, khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc thị trường bất động sản gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn cho bản thân doanh nghiệp, cũng như tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nguy cơ nợ nần vì trái phiếu