Kết quả cuộc khảo sát của Barclays cho thấy nhà đầu tư không sợ Chủ tịch Fed Janet Yellen. Thay vào đó, lý lo lớn nhất khiến họ “mất ăn mất ngủ” chính là nỗi lo sợ về đà tăng trưởng ngày càng suy yếu của Trung Quốc và các thị trường mới nổi.
Rủi ro lớn nhất đối với các thị trường tài chính trong vòng 12 tháng tới chính là đà tăng trưởng yếu kém của Trung Quốc và các thị trường mới nổi |
Cuộc khảo sát mang tên “Global Macro Survey” được Barclays thực hiện trên 970 thành viên cho thấy 36% nhà đầu tư cho rằng đà tăng trưởng của Trung Quốc và các thị trường mới nổi là rủi ro lớn nhất đối với các thị trường tài chính trong vòng 12 tháng tới, tiếp đó là các rủi ro địa chính trị với 23%.
Được biết, cuộc khảo sát trong quý trước của Barclays cho thấy 40% số người tham gia cho rằng mối lo ngại hàng đầu chính là động thái thu hồi chính sách kích thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Còn tại thời điểm này, số người suy nghĩ như vậy chưa tới 10%. Dù vậy, Barclays lưu ý rằng các nhà đầu tư ngoại hối vẫn nhận thấy kỳ vọng chính sách của Fed là chủ đề quan trọng nhất trong quý sắp tới.
Không có gì ngạc nhiên khi mối lo lắng về các rủi ro địa chính trị và Trung Quốc chính là nguyên nhân khiến các thị trường biến động trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Crimea cũng như một loạt vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc và số liệu kinh tế ảm đạm từ Bắc Kinh. Barclays nhận thấy nhà đầu tư khá bi quan về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.
Chuyên viên phân tích Guillermo Felices của Barclays cho biết trong báo cáo: “Có tới 84% nhà đầu tư tin tưởng rằng tăng trưởng năm 2014 của Trung Quốc sẽ thấp hơn mục tiêu chính thức 7.5% trong khi chỉ 1% cho rằng tăng trưởng sẽ vượt 8%”. Triển vọng ngày càng khó khăn của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng đến triển vọng của các loại hàng hóa, nhất là các kim loại cơ bản.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Mỹ vẫn còn khá tươi sáng với 40% nhà đầu tư kỳ vọng đà tăng trưởng nước này sẽ gây bất ngờ theo chiều hướng tích cực, cao hơn so mức 35% trong quý trước. Khoảng 65% đổ thừa nguyên nhân khiến nền kinh tế giảm tốc trong quý 1 là do thời tiết. Ngoài ra, chỉ 15% cho rằng lạm phát cơ bản sẽ đạt ít nhất 1.75% vào cuối năm nay, thấp hơn so dự báo 1.8% của Barclays. Bất chấp dự báo lạm phát vẫn còn khá ôn hòa này, Barclays cho rằng hơn một nửa nhà đầu tư đang chờ đợi động thái nâng lãi suất trong quý 2 hoặc quý 3/2015.
Liên quan đến thị trường chứng khoán, cổ phiếu vẫn là tài sản ưa thích của các nhà đầu tư nhưng tỷ lệ ủng hộ đã giảm xuống còn 46%, thấp hơn so mức 60% trong quý trước. Biên độ tăng cũng thu hẹp khi đa số đều cho rằng thị trường sẽ dịch chuyển từ -5% đến 5%, trái với mức tăng từ 5-10% trong cuộc khảo sát quý trước.
Cuộc khảo sát lần này cũng cho thấy, châu Âu và Mỹ là hai thị trường chứng khoán có triển vọng tốt nhất. Đối với thị trường Mỹ, 50% cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp khả quan chính là động lực lâu dài cho S&P 500 hơn là chính sách của Fed và các số liệu vĩ mô khả quan.
Phước Phạm (Theo MarketWatch)