Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, tốc độ già hóa của dân số Việt Nam rất nhanh nên để ứng phó với dự thiếu hụt lao động trong tương lai thì cần phải điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu ngay từ bây giờ trước khi quá chậm.
Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021. Trước đề xuất này, có ý kiến cho rằng thực tế các quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu là quốc gia thiếu lao động trong khi chúng ta mỗi năm có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, lại đang trong thời kỳ giảm biên chế.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021. Ảnh minh họa
Trước ý kiến này, trên cổng thông tin của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đã đăng tải ý kiến của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, 1 triệu người thất nghiệp mà so với tổng số 4,4 triệu lao động của Singapore thì quả là kinh khủng vì cứ 4 người thì có một người thất nghiệp; nhưng nếu so với 220 triệu lao động của Mỹ thì chỉ như muối bỏ biển. Như vậy nhiều hay ít phải so với tổng số người trong lực lượng lao động, tức là phải xem mẫu số lớn hay nhỏ. So với 55 triệu lao động của Việt Nam thì hơn một triệu người chỉ chiếm 2,2%.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp dẫn bảng số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 2016-2018. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về Syria- 50% vì đang chiến tranh, thấp nhất thuộc về Campuchia với 0,5%. Trong số 160 nước thì khoảng 20 nước có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 20%; 25 nước nằm trong khoảng 10-20%, 60 nước nằm trong khoảng 5-10%. Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất- 2,2%, tức là lọt vào top 5% của các nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ thấp nhất.
“Vậy thì hơn 1 triệu người thất nghiệp và tỷ lệ 2,2% là con số không nhiều so với lực lượng lao động nước ta” Thứ trưởng nhận định.
Trả lời cho câu hỏi có nên nâng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh vẫn còn người thất nghiệp, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong thị trường lao động, cho dù số việc làm tạo ra lớn hơn số lao động hiện có thì vẫn có người thất nghiệp, tức là cho dù thiếu hụt lao động nhưng vẫn có thất nghiệp. Thậm chí ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp cao hơn tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam, nhiều nước vẫn thiếu hụt lao động, đã nâng tuổi nghỉ hưu và vẫn phải hợp tác, tuyển dụng lao động nước ngoài. Ví dụ, tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc là 4,9%; Nhật Bản là 2,4%; %; Đài Loan là 3,7%; Đức là 3,3%; Rumania là 4%; Nga là 6%; Slovakia là 6.6%, v.v…đều cao hơn Việt Nam, có tuổi nghỉ hưu cao hơn Việt Nam và vẫn đang nhận rất nhiều lao động các nước, trong đó có lao động Việt Nam.
Lý do là trong thị trường lao động, bao giờ cũng có người mới bước vào thị trường cần thời gian tìm việc; có người đang làm việc muốn chấm dứt hợp đồng để tìm việc tốt hơn, có doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể, phá sản, ngừng kinh doanh và sa thải lao động. Trong pháp luật lao động cũng có các quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chính sách đối với người lao động mất việc làm và hỗ trợ tìm việc làm mới.
Tổ chức Lao động quốc tế khuyến cáo rằng các quốc gia - để ứng phó với già hóa dân số thì phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh ngay từ khi dân số vàng chứ đừng đợi khi dân số đã già, vì đây là công việc lâu dài, cần một lộ trình dài hạn chứ không phải là công việc của 3-5 năm; và sẽ phải trả giá đắt nếu quá chậm điều chỉnh.
“15 năm trước, mỗi năm lực lượng lao động Việt Nam tăng thêm 1, 2 triệu người, tức là số vào tuổi lao động nhiều hơn số ra khỏi tuổi lao động 1,2 triệu người. 5 năm gần đây, mỗi năm chỉ tăng thêm 400 nghìn người, tức là chỉ bằng 1/3 so với 15 năm trước. Tốc độ già hóa của dân số Việt Nam rất nhanh nên để ứng phó với dự thiếu hụt lao động trong tương lai thì cần phải điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu ngay từ bây giờ trước khi quá chậm”, Thứ trưởng nói.