Danh dự là điều quan trọng nhất cũng chính là điều đầu tiên tối thiểu nhất nên có ở mỗi người. Đối với mỗi đảng viên, danh dự còn cần phải được xem là điều thiêng liêng hơn cả.
Mới đây hàng loạt tướng Cảnh sát biển của Bộ Quốc phòng đã bị kỷ luật và đề nghị kỷ luật thu hút đặc biệt sự quan tâm của dư luận. Trong những ngày qua UBKT Trung ương tiếp tục chỉ rõ nhiều sai phạm của nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trong ngành Y tế, khiến chúng ta càng thấy rõ sự nghiêm minh không có vùng cấm của Đảng đối với các sai phạm của bất kỳ cá nhân tổ chức nào.
Không thể nói không có đau xót, không có tâm tư khi trong số những cán bộ, đảng viên vi phạm không ít người có chuyên môn cao, là giáo sư đầu ngành. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước còn đang vật lộn với đại dịch COVID-19, có khả năng còn nhiều dịch bệnh khác trong tương lai thì bồi dưỡng được một nhân sự giỏi chuyên môn trong ngành Y tế là điều vô cùng quý giá, đáng trân trọng. Nhưng công-tội cũng đã được Đảng vạch rõ, pháp luật thực thi và dư luận nhìn thấu. Cho dù chuyên môn có giỏi thế nào, tài cán đến đâu thì cũng không thể là Kim bài miễn tội.
Không phải đến bây giờ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới được chú trọng, đặc biệt là công tác cán bộ. Tại nhiệm kỳ XI, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng thừa nhận “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái”.
Để khắc phục tình trạng đó, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đi cùng với pháp luật của Nhà nước được tăng cường. Ai sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, đúng người đúng tội. Và “một bộ phận không nhỏ” đó đã được đưa ra ánh sáng. Hơn 87.000 đảng viên bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ khóa XII. Trong đó, chỉ riêng cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật có 113 đảng viên là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, cả đương nhiệm và đã nghỉ, hơn 30 sỹ quan cấp Tướng trong lực lượng vũ trang.
Bước sang nhiệm kỳ Đại hội XIII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặc biệt được coi trọng, Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng thì nhóm thứ nhất là tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, thứ 2 là coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, thứ 3 là tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Đáng lưu ý nhóm thứ 7 là tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Nói đi đôi với làm, sau Đại hội XIII, nhiều bộ, ngành, địa phương đã được rà soát, thanh lọc như: UBND Thành phố Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam. Nhiều đảng viên là cán bộ cấp cao sai phạm như Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Thị Kim Tiến, Trần Văn Nam, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến, Lê Bạch Hồng, Lê Tấn Hùng, Tề Trí Dũng, Trương Quốc Cường… đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật, đề nghị kỷ luật.
Cụ thể hóa hơn đối với đảng viên, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương và đến ngày 28/10/2021 vừa qua đã ban hành quy định mới- Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm nhằm phù hợp với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Ban hành quy định mới về 19 điều đảng viên không được làm được xem là một đợt chấn chỉnh toàn diện của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh đời sống chính trị - xã hội có nhiều thay đổi. Việc sửa đổi, bổ sung quy định cũng cho thấy Đảng ngày càng nghiêm khắc hơn với chính mình, gia tăng phòng ngừa, cảnh tỉnh để đảng viên có ý thức “không dám vi phạm”, làm tiền đề cho việc “không muốn vi phạm”.
Song, quy định chỉ là quy định, là những công cụ con người tạo ra để hỗ trợ xã hội vận động theo trật tự. Điều quan trọng nhất vẫn là chủ thể của mọi hành vi sự việc. Mỗi thành viên trong Đảng cần nhận thức rõ sứ mệnh và đề cao tính tự nguyện, tự giác gương mẫu đi đầu. Nói cách khác, mỗi người cần luôn giữ gìn danh dự của người đảng viên.
Danh dự vốn là sự coi trọng, đánh giá cao của dư luận xã hội đối với một người dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức của người đó. Danh dự, uy tín con người không thể đo đếm hay mua bằng vật chất được; không bỗng dưng hoặc trong một chốc một lát có được, mà phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện dày công vun đắp mới có.
Danh dự cũng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính. Danh dự là điều quan trọng nhất cũng chính là điều đầu tiên tối thiểu nhất nên có ở mỗi người. Đối với mỗi đảng viên, danh dự còn phải được xem là điều thiêng liêng hơn cả.
Nói đến đảng viên là nói đến thái độ chuẩn mực, tinh thần tiên phong, gương mẫu, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; nói đến sự dấn thân cống hiến, hy sinh vì những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng và cách mạng. Điều đó là những phẩm chất, giá trị nổi bật của đảng viên vốn đã được lan tỏa trong nhân dân. Vì vậy, hai chữ “đảng viên” hàm chứa danh dự thiêng liêng, cao quý.
Hơn nữa, danh dự của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam được kết tinh của sự cống hiến, hy sinh vô bờ bến của nhiều thế hệ đảng viên cha anh đã dâng hiến trọn đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Vì những điều đúng đắn cho một xã hội phồn vinh, hạnh phúc trong tương lai.
Tạo dựng được danh dự của một cán bộ, đảng viên liêm chính đã khó, giữ được danh dự còn khó hơn bội phần. Thực tế cuộc sống hiện nay, cơ chế của kinh tế thị trường mang theo những mặt trái cám dỗ của tiền tài, danh vọng, chỉ một chút chủ quan, dễ dãi, không kiểm soát được sự ham muốn mỗi người rất dễ sa ngã, tiếp tay cho sai phạm và tội ác. Những quyết định sai lầm ràng buộc bởi lợi ích nhóm, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... đã làm cho không ít cán bộ tự diễn biến, tự chuyển hóa, dẫn đến vi phạm pháp luật.
Một số cán bộ nhầm tưởng có tiền, chức quyền, học hàm, học vị cao, có người vây quanh xu nịnh là tất có danh dự. Thực chất phần nhiều điều đó chỉ tạo nên chút diện mạo mà thôi. Tiếc thay, có người vì chút hào nhoáng đó mà lao vào vòng xoáy tiền- tài, đánh mất phẩm chất đạo đức của người đảng viên, cuối cùng phải thân bại, danh liệt.
Thế mới nói, điều quan trong hơn cả ở người đảng viên chính là danh dự. Một đảng viên có danh dự và lòng tự trọng luôn ngay thẳng, cương trực, thấy sai thì đấu tranh, thấy đúng luôn bảo vệ, không né tránh để giữ mình; không bao giờ tự kiêu, tự mãn với những gì đã làm được. Đặc biệt trước những cám dỗ trực chờ, danh dự giống như tấm khiên giúp người đảng viên luôn kiên định, vững vàng vượt qua để làm những điều đúng đắn, hoàn thành tốt sứ mệnh mà Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Ông đã nhiều lần nhắc nhở đảng viên, cán bộ trong các kỳ đại hội: “Chặng đường trước mắt còn dài, khó khăn còn nhiều và có cả những cạm bẫy, cám dỗ. Vậy hãy làm sao để xứng đáng với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, giữ bằng được cho mình điều thiêng liêng nhất đó là danh dự”.