Diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng không lớn nhất từ trước đến nay

Văn Nhật| 10/11/2015 19:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 10/11, tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, Bộ Giao thông vận tải tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng không năm 2015.

Tham dự diễn tập có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND các tỉnh ven biển trong cả nước. 

Đây là cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng không lớn nhất từ trước đến nay. Mục tiêu của cuộc diễn tập là rèn luyện, nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy, điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn trong các vùng thông báo bay và vùng trời được ủy quyền và các vùng không phận được ủy quyền do Việt Nam đảm nhận; kiểm tra năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng và điều hành công tác cứu nạn hàng không; thực hành kỹ thuật tìm kiếm vị trí tàu bay hoạt động ở tầm thấp lâm nạn theo thông tin tín hiệu khẩn nguy thu được từ hệ thống ELT. Thông qua diễn tập tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho các tổ chức, đơn vị, người dân biết được thực tế của hoạt động tìm kiếm cứu nạn và trách nhiệm, nghĩa vụ của các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng không.

Ngoài ra, cuộc diễn tập cũng giới thiệu và chứng minh với Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), các tổ chức hàng không dân dụng và các nhà khai thác tàu bay trong khu vực và trên thế giới về khả năng bảo đảm dịch vụ tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam. 

Diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng không lớn nhất từ trước đến nay

Phun nước chữa cháy chiếc máy bay gặp nạn 

Phát biểu tại buổi diễn tập, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là cửa ngõ giao thương giữa Đông Nam Á đến Đông Bắc Á và Tây Á, vì vậy hầu hết các hãng hàng không trên thế giới đều phải bay qua vùng thông báo bay của Việt Nam. Việc bảo đảm cho ngành hàng không dân dụng phát triển, đáp ứng được nhu cầu trong nước và trên thế giới nhưng đồng thời phải bảo đảm được tính an toàn của ngành hàng không là nhiệm vụ hết sức cấp bách, quan trọng; trong đó, công tác diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng không được coi là nhiệm vụ thường xuyên phải làm.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, không bao giờ lường hết được những tình huống của hoạt động hàng không. Vì vậy, từ tình huống đưa ra trong buổi diễn tập là cơ sở để Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và các Bộ ngành, địa phương liên quan có thể kiểm nghiệm lại toàn bộ hệ thống ứng phó sự cố. Trên cơ sở kết quả của cuộc diễn tập, cũng có thể đánh giá và tìm ra được những điểm yếu, những hạn chế để khắc phục và hoàn thiện các phương án ứng phó với sự cố. Hàng không là ngành có sự tăng trưởng rất nhanh và cũng bảo đảm được các yêu cầu; tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc can thiệp vào các hoạt động hàng không, trong đó có những sự cố hàng không dân dụng lớn đã xảy ra là những hồi chuông cảnh báo cho ngành hàng không dân dụng Việt Nam cần làm tốt hơn nữa việc bảo đảm về an ninh và an toàn hàng không. 

Cuộc diễn tập được thực hiện với tình huống giả định: Trên đường hàng không quốc nội W2, chuyến bay DT2015, loại tàu bay Super King Air 200 cát cánh từ sân bay Nội Bài đi sân bay Đồng Hới. Sau khi qua đài dẫn đường DVOR/DME Nam Hà 12 phút, Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội (ACC HAN) nhận được báo cáo từ tổ lái "Tàu bay trục trặc động cơ, xin hạ cánh xuống sân bay Vinh". 5 phút sau, tàu bay bật mật mã Code khẩn nguy 7700, đồng thời báo cáo bổ sung "Công suất động cơ giảm và có khói ở buồng lái, xin hạ cánh khẩn cấp". Ngay sau đó, tín hiệu trên màn hình ra đa mất và không thể liên lạc được với tàu bay. 

Trước tình hình trên hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng không đã kích hoạt xây dựng phương án, kế hoạch tìm kiếm cứu nạn. Các lực lượng triển khai kế hoạch tìm kiếm và cứu nạn tàu bay lâm nạn. Thành phần chỉ huy tìm kiếm và cứu nạn gồm có đại diện lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Quân chủng Phòng không Không quân, Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An và đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan.

Lực lượng tham gia diễn tập gồm trên 400 người của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ Quốc phòng, các lực lượng và nhân dân tỉnh Nghệ An. Trang thiết bị, phương tiện huy động gồm 2 tàu bay tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng, thủy phi cơ; 7 tàu thuyền tìm kiếm cứu nạn hàng hải; tàu của cảnh sát biển, bộ đội biên phòng; 11 phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành hàng không; các xe chỉ huy, xe tìm kiếm cứu nạn, xe vận tải...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng không lớn nhất từ trước đến nay