Chiều 25/02, tại Hà Nội, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 với chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động” đã chính thức khai mạc. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ngành trong nước.
Biến AFF thành “vườn ươm” những ý tưởng đổi mới
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) được khởi xướng vào năm 2024 là một diễn đàn mở, bao trùm, kênh 1.5, là Diễn đàn “của ASEAN, do ASEAN và vì ASEAN”, nhằm bổ sung cho các khuôn khổ sẵn có của ASEAN bằng việc thúc đẩy các cuộc thảo luận với những góc nhìn mới mẻ, sáng tạo và mang tính chiến lược.
Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận các chủ đề liên quan trực tiếp đến tương lai của ASEAN như: Các xu hướng lớn tác động tới ASEAN và thế giới; Các nguyên tắc nền tảng của ASEAN, hợp tác tiểu vùng; Quản trị công nghệ mới nổi; Vai trò gắn kết và thúc đẩy hòa bình của ASEAN…
Lần thứ hai được tổ chức, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng với các nước thành viên duy trì và củng cố vai trò trung tâm và phát huy trách nhiệm tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển.
“Mục tiêu của chúng tôi là biến Diễn đàn thành một nền tảng có giá trị, góp phần định hình tương lai ASEAN, mang lại lợi ích chung cho khu vực”, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn hy vọng rằng, với sự quan tâm ngày càng lớn, Diễn đàn sẽ tiếp tục phát triển, trở thành một nền tảng thường niên và một “vườn ươm” cho những ý tưởng đổi mới, vì sự phát triển của ASEAN trong tương lai.
Xây dựng một ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, năm 2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với ASEAN, khi ASEAN hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và chuẩn bị thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Trong 6 thập kỷ qua, ASEAN đã có những chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một Cộng đồng năng động với 10 quốc gia thành viên, hơn 650 triệu dân và nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. ASEAN cũng đã khẳng định vị trí trung tâm trong cấu trúc kinh tế và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng bày tỏ lo ngại trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình địa chính trị toàn cầu trong vài tuần qua. Theo ông, “Những sự kiện mang tính bước ngoặt này cho thấy thế giới đang ở một ngã rẽ quan trọng, đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải về tương lai quan hệ giữa các cường quốc và trật tự quốc tế hậu Thế chiến thứ hai, cụ thể là vai trò và chức năng của Hiến chương Liên hợp quốc và Luật quốc tế”.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng là các tổ chức khu vực như ASEAN phải khẳng định vai trò và năng lực của mình trong việc đảm bảo tính bền vững của các quy tắc và chuẩn mực đã được thiết lập. Đồng thời, ASEAN cần duy trì sự đoàn kết, bao trùm và tự cường trước những biến động mới đang diễn ra.
Phó Thủ tướng khẳng định đó cũng chính là lý do tại sao Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề: “Xây dựng một ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động”.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phân tích nếu như đoàn kết là điểm mạnh lớn nhất của ASEAN, thì tự cường là lời kêu gọi hành động, phản ánh khả năng của ASEAN trong việc ứng phó với những bất ổn toàn cầu và các cú sốc từ bên ngoài.
Trong khi đó, tính bao trùm đảm bảo rằng sự phát triển của ASEAN là công bằng, không có quốc gia hay nhóm nào bị bỏ lại phía sau. Điều này cũng có nghĩa là ASEAN sẽ không đứng về bên nào, mà sẽ làm bạn và đối tác với tất cả, đóng vai trò là cầu nối cho đối thoại và hợp tác giữa các bên.
"Tôi tin rằng đoàn kết, bao trùm và tự cường chính là những yếu tố then chốt giúp ASEAN vững vàng vượt qua bối cảnh toàn cầu đầy biến động hiện nay", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn hy vọng trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 sẽ có các cuộc thảo luận chuyên sâu về các vấn đề quan trọng, bao gồm:
Những xu hướng lớn nào đang định hình ASEAN? ASEAN cần hiểu rõ cách mà xu hướng đa cực hóa và sự thay đổi trong động thái khu vực cũng như toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến ASEAN, cũng như cách các xu hướng mới như phi toàn cầu hóa hoặc tái toàn cầu hóa, cùng những thách thức phi truyền thống khác sẽ định hình tương lai của khu vực và thế giới.
Những cơ hội và thách thức lớn nhất đối với ASEAN là gì? Trong bối cảnh chuyển biến địa chính trị và kinh tế toàn cầu và trong nội tại ASEAN.
Làm thế nào để ASEAN duy trì đoàn kết, bao trùm và tự cường? Đây có phải là những giá trị mà ASEAN cần tiếp tục bảo vệ khi xem xét lại các nền tảng của ASEAN để đảm bảo tổ ASEAN đủ linh hoạt trước những thay đổi địa - kinh tế chiến lược.
Các công nghệ tiên tiến sẽ tác động đến ASEAN như thế nào? Các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và các đột phá công nghệ khác đang thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn về đạo đức, an toàn và an ninh mạng.
3 ưu tiên chiến lược, 3 đột phá hành động
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là một sự kiện có ý nghĩa, diễn ra trong thời điểm kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN, 30 năm Việt Nam gia nhập “mái nhà chung” ASEAN và cũng là năm chúng ta thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 để đưa ASEAN bước vào kỷ nguyên mới, hướng tới một cộng đồng đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, tự cường, đổi mới sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thế giới đang chứng kiến các biến động sâu sắc với các thách thức và cơ hội đan xen, với thách thức, khó khăn nhiều hơn cơ hội và thời cơ. Các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn, khó lường hơn.
Thế giới ngày nay đang đứng trước các xu thế phân cực hóa về chính trị, già hóa về dân số, cạn kiệt về tài nguyên, đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, xanh hóa về sản xuất, kinh doanh, số hóa về mọi vận động của con người. Bối cảnh đó đặt ra nhiều bài toán khó nhưng cũng mở ra những cơ hội hiếm có để ASEAN khẳng định vị thế và bứt phá vươn lên.
Để dự báo trên thành hiện thực, Thủ tướng cho rằng, ASEAN không chỉ cần sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng mà còn cần có tư duy đột phá, chiến lược sắc bén, lộ trình khả thi, nguồn lực tập trung và hành động quyết liệt. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 3 ưu tiên chiến lược và 3 đột phá hành động.
Theo đó, 3 ưu tiên chiến lược bao gồm: Thứ nhất, củng cố ASEAN tự chủ về chiến lược, thông qua tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Thứ hai, xây dựng một ASEAN tự cường về kinh tế thông qua đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thứ ba, giữ giá trị và bản sắc của ASEAN.
Về 3 đột phá hành động bao gồm: Thứ nhất, xây dựng cơ chế ra quyết định linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm hơn, vừa giữ đồng thuận, vừa có cơ chế đặc thù trong các sáng kiến chiến lược, tạo đột phá. Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển khu vực. Thứ ba, tăng cường hơn nữa kết nối ASEAN, nhất là kết nối hạ tầng, giao lưu nhân dân và hài hòa thể chế.
Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) là sáng kiến được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 (năm 2024) và đã được sự hưởng ứng, ủng hộ rộng khắp của các nước thành viên ASEAN và đối tác, bạn bè quốc tế thể hiện qua thành công của AFF lần thứ nhất tổ chức vào tháng 4/2024.
Tiếp nối thành công của AFF 2024, Diễn đàn năm nay được tổ chức vào ngày 25-26/02 với chủ đề Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động. Diễn đàn có trên 12 hoạt động, bao gồm: 01 phiên Cấp cao, 5 phiên toàn thể, 01 Gala Dinner, 01 phiên ăn trưa làm việc cùng một số hoạt động trước Diễn đàn.
Trước đó, trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn, sáng 25/02, tại Học viện Ngoại giao đã diễn ra Triển lãm ảnh “Hành trình 30 năm Việt Nam tham gia ASEAN” và 3 Tọa đàm bàn tròn diễn ra song song về các chủ đề: Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Chuyển đổi số vì hòa bình bền vững, Thúc đẩy nông nghiệp thông minh vì An ninh lương thực khu vực và Thúc đẩy đối thoại vì hòa bình, ổn định trong khu vực.