Chiều 10/12, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức họp báo thông tin chuỗi hoạt động tại Diễn đàn Mekong Connect năm 2024. Đây là lần đầu tiên tỉnh An Giang đăng cai tổ chức Diễn đàn này.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)– TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.
Diễn đàn sẽ diễn ra trong ngày 17 và 18/12 tại Trường Đại học An Giang, TP. Long Xuyên.
Mekong Connect 2024 với sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, do UBND tỉnh An Giang và UBND TP. HCM đồng tổ chức và chủ trì. Cùng với đó là sự đồng hành của các tỉnh, thành phố: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long.
Sự kiện này còn được phối hợp thực hiện bởi: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, An Giang là một vùng đất có vị trí địa lý rất đặc thù, vừa có đồng bằng trù phú, đất đai màu mỡ được bồi đắp bởi hai con sông Tiền và sông Hậu, rất thích hợp để phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản và trái cây;
Đồng thời, vừa là tỉnh duy nhất trong vùng có đồi núi trải dài từ Đông sang Tây, hình thành nên dãy Thất Sơn hùng vĩ với nhiều cảnh quan tươi đẹp, hữu tình, sinh động, kết hợp những nét văn hóa độc đáo của bốn dân tộc anh em tiêu biểu Kinh, Hoa, Chăm, Khmer đã tạo ra những tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí đặc sắc nhất vùng.
Ngoài ra, tỉnh An Giang còn có tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài gần 100km với 2 Cửa khẩu quốc tế: Vĩnh Xương thuộc thị xã Tân Châu, Tịnh Biên thuộc thị xã Tịnh Biên và 1 Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình thuộc huyện An Phú đang chuẩn bị nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế trong thời gian sớm nhất.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh An Giang xác định và khẳng định 3 lĩnh vực trọng tâm: Kinh tế nông nghiệp, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu và sẽ quyết tâm biến các tiềm năng, thế mạnh này thành động lực tăng trưởng mới cho kinh tế An Giang trong thời gian tới.
Tỉnh An Giang có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, sản lượng lúa đứng thứ hai trong khu vực ĐBSCL. An Giang cũng được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch.
Năm 2024, địa phương tiếp tục dẫn đàu khu vực ĐBSCL về lượt khách du lịch đến với địa phương. Mới đây, UNESCO vừa công nhận lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đây là điều kiện tốt để địa phương phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.
"Diễn đàn Mekong Connect 2024 được tổ chức tại địa phương là một dịp rất tốt để tỉnh An Giang quảng bá hình ảnh, đẩy mạnh kết nối giao thương, thu hút đầu tư, kết nối tour tuyến du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu Việt Nam – Campuchia trong thời gian tới", Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi họp báo, đại diện cơ quan điều phối, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc BSA cho biết, các từ khóa “Hợp tác”, “Liên kết”, “Hội nhập” và “Phát triển” đã trở thành tinh thần xuyên suốt qua các kỳ Mekong Connect. Đây cũng chính là định hướng chiến lược nhằm nâng cao chất lượng chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của vùng ĐBSCL.
Năm nay, Mekong Connect 2024 tập trung vào ba lĩnh vực trọng yếu: kinh tế, thương mại và công nghệ. Các hoạt động tại Diễn đàn sẽ thúc đẩy liên kết giữa TP. HCM và các tỉnh thành ĐBSCL, hướng tới phát triển xanh, bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới.
"Với 3 từ khóa chính “liên kết”, “phát triển bền vững” và “cạnh tranh mới”, Mekong Connect 2024 hứa hẹn mang đến nhiều nội dung phong phú, tạo sức bật cho các sáng kiến đổi mới, thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL", bà Vũ Kim Hạnh kỳ vọng.
Ngoài các hoạt động chính, tại Mekong Connect 2024 còn diễn ra nhiều cuộc hội thảo với các chủ đề "Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới”; tọa đàm về nguồn lực đầu tư, nguồn nhân lực phục vụ cho liên kết phát triển vùng; chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp tại một số quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Philippines..., đề xuất giải pháp thắt chặt quan hệ liên kết hợp tác giữa các tỉnh trong vùng ĐBSCL và TP. HCM.
Đáng chú ý, Diễn đàn còn là nơi tập hợp các doanh nghiệp tiêu biểu khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp của cả nước với tên gọi: "Câu lạc bộ Doanh nông xanh 3 miền".
Mekong Connect ra đời vào năm 2015, là một diễn đàn có mạng lưới liên kết vùng dành cho doanh nhân, nông dân, nhà quản lý, nhà làm chính sách, nhà đầu tư, giới truyền thông, chuyên gia và các đối tượng có mối quan tâm đặc biệt đến ĐBSCL, TP.HCM.
Tính đến nay, Mekong Connect đã thực hiện được 8 lần và năm nay Diễn đàn Mekong Connect được tổ chức tại tỉnh An Giang năm nay là lần thứ 9 Diễn đàn này được tổ chức tại khu vực ĐBSCL và TP.HCM.