Trong không khí hào hùng cả nước hướng về kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, phóng viên báo Công lý đã có cuộc trao đổi với ông Mùa A Sơn - Phó Bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ
PV: Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, Điện Biên đã và đang làm gì để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội? Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020 là gì, thưa ông.
Ông Mùa A Sơn: Để thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm qua Điện Biên đã và đang tập trung xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển sản xuất hàng hoá, giải quyết cơ bản tình trạng sản xuất thuần nông, tự cấp tự túc. Đầu tư tập trung, có trọng điểm để phát triển các ngành có lợi thế, hình thành một số sản phẩm chủ lực và các vùng kinh tế động lực có quy mô sản phẩm lớn, làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đổi mới và phát triển mạnh giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đưa nhanh các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội, nâng cao dân trí. Gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết công bằng xã hội, xoá đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu, khắc phục chênh lệch giữa các vùng. Lấy phát triển kinh tế một cách bền vững để thúc đẩy tiến bộ xã hội, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội và làm nền tảng để đảm bảo sự đoàn kết nhất trí giữa các cộng đồng dân cư trong tỉnh.
Với hướng đi đó, những năm qua, Điện Biên đã phấn đầu và đạt được một số kết quả nhất định: Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức khá; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1996-2000 là 6,55%, giai đoạn 2001-2005 là 9,3%, giai đoạn 2006-2011 là 11,62%; năm 2013 tăng trưởng là 8,55%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định là giảm dần tỷ trọng khu vực nông lâm nghiệp, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Cà phê, chè, cao su. GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 20,41 triệu đồng/ người/ năm; sản lượng lương thực đạt trên 23 vạn tấn, tăng 1,7 lần so với năm 2000, bình quân lương thực đạt trên 420 kg/người/năm. Từ chỗ thiếu lương thực triền miên, đến nay tỉnh đã tự túc được lương thực và có một phần trở thành hàng hóa bán ra bên ngoài. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được tăng cường; công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo... được triển khai thực hiện đồng bộ, các chương trình, dự án trọng điểm tiếp tục được chỉ đạo triển khai tích cực. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Giai đoạn tới, đến năm 2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên sẽ tập trung vào phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Mục tiêu chính là tập trung xóa đói giảm nghèo; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống của nhân dân so với các vùng khác trong cả nước, đưa Điện Biên thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tiến tới trở thành tỉnh miền núi biên giới vững mạnh, an ninh chính trị ổn định, kinh tế phát triển, xã hội văn minh và có khối đại đoàn kết các dân tộc vững chắc.
Ông Mùa A Sơn
PV: Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa - lịch sử. Xin ông cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh này như thế nào, kết quả cụ thể ra sao?
Ông Mùa A Sơn: Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi Tây Bắc của Tổ quốc có tổng diện tích tự nhiên 9.562,9km2; dân số trên 53 vạn người, với 19 dân tộc anh em sinh sống; mỗi dân tộc gắn với bản sắc văn hóa độc đáo và phong tục tập quán riêng của vùng Tây Bắc. 60 năm qua, tỉnh Điện Biên rất vinh dự và tự hào được thay mặt nhân dân cả nước gìn giữ và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, đây là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước được công nhận lần đầu tiên năm 2009.
Để bảo tồn, bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành mà trực tiếp là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật Di sản, cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, qua đó hàng năm có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh mới được phát hiện và bảo vệ; các phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống được khôi phục và giữ gìn. Đến nay, tỉnh Điện Biên có 7 di tích cấp quốc gia trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt được công nhận lần đầu tiên trong cả nước; 2 di tích cấp tỉnh và đang tiến hành các thủ tục công nhận và xếp hạng 2 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh. Trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên hiện có 8 bản văn hóa đang lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Qua công tác chỉ đạo, điều hành trên cùng với các chủ trương, chính sách đúng đắn trong công tác bảo tồn, bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tỉnh Điện Biên đã thu được những kết quả nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Khách du lịch trong và ngoài nước đến Điện Biên ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước, doanh thu từ các hoạt động du lịch qua đó cũng ngày một tăng lên. Năm 2013, tỉnh đã đón tiếp trên 380,5 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 66,7 nghìn lượt khách quốc tế; với doanh thu trên 400 tỷ đồng, đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên xác định, từng bước sẽ đưa Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
PV: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2014. Xin ông cho biết, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức triển khai thực hiện Đề án Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ như thế nào? Công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước trước trong và sau dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được thực hiện ra sao?
Ông Mùa A Sơn: Năm 2014 là năm kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đây là hoạt động quy mô cấp quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt với cả nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Về phía tỉnh Điện Biên, ngay từ năm 2012, lãnh đạo tỉnh đã chủ động làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để thống nhất các nội dung liên quan trong việc xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ thông qua, tỉnh Điện Biên đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các Tiểu Ban giúp việc Ban Tổ chức để chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chào mừng. Tới thời điểm hiện tại, các hoạt động phối hợp từ phía tỉnh với các Bộ, ngành Trung ương cũng như các hoạt động do tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức thực hiện đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.
Thành phố Điện Biên Phủ
Điểm nhấn quan trọng nhất trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là: Chương trình nghệ thuật đặc biệt tối ngày 6/5/2014; Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành quy mô cấp quốc gia vào sáng ngày 7/5/2014 tại Sân vận động tỉnh Điện Biên, cùng màn bắn pháo hoa đặc sắc tổ chức tại Quảng trường Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Điện Biên. Dự kiến, các hoạt động này được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Từ ngày 13/3 - 15/3/2014, tỉnh Điện Biên đã tổ chức thành công Tuần văn hóa du lịch Điện Biên năm 2014 với Lễ khai mạc với Chủ đề “Hoa Ban khoe sắc” đã được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam, Lễ Bế mạc với chủ đề “Qua miền Tây Bắc xem hội Hoa Ban”, là những hoạt động đã thu hút đông đảo khách du lịch và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Điện Biên tham gia.
Đối với các công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh đã chỉ đạo sát sao và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, cũng như đảm bảo chất lượng công trình để kịp thời hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ các hoạt động kỷ niệm. Trong các công trình, dự án chào mừng kỷ niệm, công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là công trình trọng điểm, điểm nhấn quan trọng nhân dịp kỷ niệm; công trình thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ con cháu đối với các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Với ý nghĩa đó, chúng tôi đang phấn đấu hoàn thành công trình đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ để phục vụ du khách tham quan trong và ngoài nước.
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng góp phần vào sự thành công của các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do đó tỉnh Điện Biên đã có văn bản gửi tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong công tác tuyên truyền và tỉnh Điện Biên đã nhận được sự hưởng ứng và hỗ trợ tích cực của các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, để phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, báo chí tới Điện Biên tác nghiệp kịp kỷ niệm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Báo chí tỉnh Điện Biên. Với sự ra đời và hoạt động của Trung tâm báo chí tỉnh Điện Biên, hy vọng công tác tuyên truyền dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được đẩy lên một bước.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!