Tài chính - Ngân hàng

“Điểm tựa” an sinh

Trung Dũng - Sông Hương 08/12/2023 - 19:38

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Bình Dương trở thành “điểm tựa” an sinh, khi tích cực thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, với các đối tượng chính sách khác, nhất là trong giai đoạn kinh tế xã hội khó khăn như hiện nay…

NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Dương được thành lập năm 2002 để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với nguồn vốn của Trung ương phân bổ, tỉnh ưu tiên cân đối bố trí nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH với phương thức đối ứng. Đến nay, tổng nguồn vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt trên 4.252 tỷ đồng, tăng trên 4.200 tỷ đồng (hơn 50 lần) so với năm 2002; Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt trên 1.840 tỷ đồng, xếp thứ 3 toàn quốc, sau Hà Nội và TP.HCM

binh-duong-nhcsxh-.jpg
Tỉnh Bình Dương xem NHCSXH như điểm tựa an sinh cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Ảnh Phương Linh)

Trong 21 năm qua, toàn tỉnh Bình Dương đã có hơn 446 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách với số tiền hơn 10.774 tỷ đồng. Từ đó, giúp hơn 43,6 nghìn hộ thoát nghèo; Tạo việc làm cho hơn 181,3 nghìn lao động; Hơn 43,5 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập;

Xây dựng, sửa chữa hơn 282 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh; Cho vay xây mới 707 căn nhà ở cho hộ nghèo. Đặc biệt, hỗ trợ cho 223 lượt doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho hơn 124 nghìn người lao động với tổng số tiền trên 542 triệu đồng góp phần giảm thiểu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Những kết quả đạt được trong 21 năm triển khai thực hiện Nghị định 78 đã khẳng định hiệu quả thiết thực của các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Năm 2023, việc thực hiện các nhóm chính sách tín dụng tại NHCSXH tỉnh đạt kết quả khá tích cực. Tính đến cuối tháng 10, tổng dự nợ 4.288 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch; Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 160 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; Cho vay nhà ở xã hội 59 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch; Cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiều học ngoài công lập 2,7 tỷ đồng, đạt 100%...

Hiện tại, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Dương cũng đang trình NHCSXH Việt Nam giao bổ sung nguồn vốn 100 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội để kịp giải ngân trong tháng cuối năm 2023.

binh-duong-nhcsxh.jpg
NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Dương tích cực giải ngân các chương trình an sinh và phục hồi kinh tế xã hội

Như vậy, tỉnh Bình Dương đã thực hiện rất tốt chủ trương của Đảng, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, động viên được sự tham gia tích cực của toàn xã hội, góp phần đáng kể giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thật ra, đại dịch Covid-19 và những bất ổn kinh tế toàn cầu đã làm cho nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn tại hầu hết các tỉnh thành, chứ không riêng gì tỉnh Bình Dương. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và người lao động cũng vì thế mà phải mất đi việc làm.

Thống kê kết quả công tác lao động trong quý II/2023, cả nước có số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,07 triệu người. Trong quý III/2023, số lao động phải nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp khoảng 54.200 người, giảm 187.300 người so với quý trước. Số lao động bị mất việc là 118.400 người, giảm 99.400 người so với quý trước, nhưng vẫn ở mức cao; Trong đó, ở tỉnh Bình Dương là 33.600 người do địa phương này có nhiều lao động thuộc ngành nghề bị khủng hoảng mạnh là dệt may và da giày.

binh-duong-nhcsxh-2.jpg
Người dân Bình Dương nhận giải ngân vay tại địa phương

Để ứng phó với những khó khăn nói trên, tỉnh Bình Dương đã quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ; Sao cho Nghị quyết này đi vào cuộc sống một cách sâu rộng, hiệu quả, giúp cho người nghèo, người khó khăn về sinh kế vượt qua nghịch cảnh.

Nghị quyết 11 cũng xác định: Lấy NHCSXH là nhân tố trọng tâm để thực hiện chương trình bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: Tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ở mức dưới 4%; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn; Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh…

Đến nay, tỉnh Bình Dương vẫn tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; Trong đó có nguồn vốn tín dụng ưu đãi do NHCSXH quản lý, đầu tư đúng đối tượng, đúng mục tiêu. Vì vậy, tỉnh này đã trở thành 1 trong 6 địa phương của cả nước đạt mức chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn 1,7 lần so với mức chuẩn nghèo quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Điểm tựa” an sinh