Năm 2022, hệ thống TAND đạt nhiều kết quả khả quan, cả về nhiệm vụ chính trị và cải cách tư pháp. Những kết quả này cũng đã được Quốc hội ghi nhận tại kỳ họp thứ 4 vừa qua.
Xét xử nghiêm minh, không có án oan
Theo báo cáo của TANDTC, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022, các Tòa án đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%).
Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra. Trong đó, các vụ án hình sự, các Tòa án đã giải quyết là 91.312 vụ với 171.924 bị cáo; đạt tỷ lệ 97,71% về số vụ và 96,14% về số bị cáo, vượt 9,71% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Để chủ động triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2022, ngay từ đầu năm, Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC đã kịp thời ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các TAND.
Trên cơ sở đó, các Tòa án đã khẩn trương xây dựng, đề ra chương trình, kế hoạch công tác với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và tổ chức thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội và của Tòa án nhân dân đề ra.
Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; các vụ án dư luận xã hội quan tâm, TANDTC đã tập trung chỉ đạo các Tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được bảo đảm theo hướng thực chất, hiệu quả. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo công tác Tòa án năm 2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Thông qua việc đề ra và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ, hiệu quả nên chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc đáp ứng yêu cầu Nghị quyết mà Quốc hội đã đề ra. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan là 0,9%, thấp hơn 0,6% so với chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp kết án oan hoặc bỏ lọt tội phạm; các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh; đã đề ra các giải pháp để công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt hiệu quả cao; trong năm qua, các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.027 tỷ và các tài sản khác; có 521 vụ với 1.348 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt là hơn 776 tỷ đồng.
Tiết kiệm chi hàng chục 10 tỷ đồng cho ngân sách
Bên cạnh công tác chuyên môn, hoạt động khác của Tòa án được thực hiện với kết quả khả quan. Chánh án TANDTC nhấn mạnh đến một số nội dung khác mà Tòa án thực hiện trong năm qua.
Theo đó, thực hiện quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật này.
Đến nay, đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên. Các Tòa án đã hòa giải, đối thoại thành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 72.955 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,11%.
Trong xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự, các Tòa án đã quan tâm khắc phục có hiệu quả một số thiếu sót, tồn tại từ những năm trước; cơ bản đã khắc phục tình trạng việc hủy án nhiều lần không có căn cứ pháp luật dẫn tới kéo dài việc giải quyết. Tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự đạt 49,23% trên tổng số các vụ việc dân sự sơ thẩm đã giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Các Tòa án đã có nhiều cố gắng trong giải quyết các vụ án hành chính, bảo đảm các vụ án được giải quyết trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
Tỷ lệ xét xử các vụ án hành chính, tỷ lệ đối thoại thành các khiếu kiện hành chính không ngừng tăng lên qua các năm. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp để tăng cường năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán trong xét xử các vụ án hành chính.
Công tác rà soát, xem xét, giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại kêu oan, nhất là các vụ án hình sự có đơn kêu oan kéo dài nhằm phát hiện án oan sai theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Công tác xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ, hướng dẫn và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật có nhiều chuyển biến rõ nét; Việc đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được đổi mới, trong đó tập trung chủ yếu vào việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán và các chức danh tư pháp; tổ chức đối thoại trực tuyến định kỳ giữa Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán Tòa án các cấp để trao đổi, giải đáp những vướng mắc trong thực tiễn xét xử.
Công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND được các Tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc, thực chất, có hiệu quả và đến nay đã dần đi vào nề nếp.
Đã công bố được hơn 1 triệu bản án, quyết định với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là hơn 136 triệu lượt và hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định. Qua đó đề cao trách nhiệm của Thẩm phán, nâng cao chất lượng xét xử, tạo cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.
Hoàn thành việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án. Đã xây dựng đưa vào sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến tới gần 800 điểm cầu đến Tòa án cấp huyện và Tòa án Quân sự cấp quân khu. Nhiều phần mềm hữu dụng được đưa vào sử dụng trong hệ thống Tòa án được người dân quan tâm và đánh giá cao.
Nhiều phần mềm khác có tính thực tiễn cao, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, tạo môi trường làm việc hiện đại, thuận tiện, mỗi năm đã tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng cho ngân sách do không phải đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức tập trung.
TANDTC triển khai nhiệm vụ công tác 2022
Điểm nhấn cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án
Có thể nói, năm 2022, mặc dù diễn biến dịch bệnh phức tạp, vượt lên khó khăn chung của toàn xã hội, hệ thống Tòa án đã đạt được kết quả khả quan.Cùng với công tác chuyên môn, công tác xây dựng ngành, thì cải cách tư pháp đã tạo được dấu ấn.
Để thực hiện công tác CCTP năm 2022, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 02/2022/CT-CA về việc tăng cường công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án kèm theo hướng dẫn quy trình, biểu mẫu hòa giải, đối thoại; xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
TANDTC đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại đối với 515 học viên là các Hòa giải viên tại 03 miền Bắc, Trung, Nam nhằm nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại. Đến nay, các Tòa án đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên.Kết quả trong năm, việc hòa giải thành đã đạt tỷ lệ 62,11%, tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách nhà nước và chi phí của nhân dân.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, đã giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên tòa.
Tính đến nay, có tổng cộng 622 Tòa án (03 TAND cấp cao; 62 TAND cấp tỉnh và 557 TAND cấp huyện) đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 3.614 vụ án (hình sự 2.988 vụ, dân sự 234 vụ, hành chính 245 vụ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án 147 vụ).
Việc xét xử trực tuyến các vụ án tạo điều kiện cho người bị hại, người làm chứng, luật sư,đương sự… tham gia phiên tòa tại địa điểm khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử đã góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn…
Về thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội, các Tòa án đã tổ chức xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp với việc thực hiện ngày càng đầy đủ nguyên tắc tranh tụng theo hướng thực chất. Các phiên tòa đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chánh án TANDTC về việc không hạn chế thời gian tranh tụng, căn cứ vào kết quả tranh tụng để đưa ra phán quyết.
Chú trọng đưa ra kiến nghị nhằm khắc phục những thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng; kiến nghị liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, những kẽ hở của cơ chế, chính sách, lỗ hổng trong quản lý vĩ mô để các cơ quan liên quan có biện pháp phòng ngừa, khắc phục hiệu quả.
Điểm nhấn quan trọng nữa về công tác cải cách tư pháp là TANTC đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chuyên đề số 21 về “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo sự phân công của Ban chỉ đạo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền; tham gia xây dựng Chiến lược hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
TANDTC cũng là đơn vị đầu tiên đã triển khai xây dựng Kế hoạch số 08-KH/BCSĐ ngày 08/10/2021 để thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính, nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp trong TAND góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử, bảo đảm việc nhân dân tham gia giám sát và thực hiện quyền làm chủ đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Kết quả nghiên cứu của Đề án là cơ sở hết sức quan trọng cho việc đề xuất xây dựng Dự án Luật Hội thẩm trong thời gian tới.