Các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới không chỉ thay đổi diện mạo khu vực vùng biên, mà còn tạo thế trận lòng dân vững chắc, tô thắm tình quân - dân, góp phần giữ vững biên cương Tổ quốc.
Phủ sóng 115 căn nhà tại 21 điểm dân cư
Tây Ninh tiếp giáp với Campuchia, đóng vai trò chiến lược trong việc bảo vệ biên giới Tây Nam. Đây cũng là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN.
Do đó, việc bảo vệ vững chắc biên giới không chỉ giúp ngăn chặn hoạt động xâm phạm lãnh thổ, tội phạm mà còn làm cầu nối cho hoạt động xuất nhập khẩu, giao lưu kinh tế, văn hóa, đồng thời vun đắp tình hữu nghị, hợp tác quốc tế.
Biên giới là phên giậu của quốc gia, biên giới có ổn định thì đất nước mới phát triển. Nhiều năm qua, bên cạnh việc xây dựng các chốt dân quân thường trực vững chắc, việc hình thành các điểm dân cư liền kề với chốt dân quân đã được Quân khu 7 phối hợp với chính quyền Tây Ninh thí điểm trên địa bàn.
Bắt đầu từ điểm dân cư liền kề chốt dân quân Bến Cừ (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) được xây dựng vào tháng 4/2019. Sau đó 1 tháng, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh phối hợp với UBND huyện Tân Châu tổ chức xây dựng điểm dân cư biên giới Mít Mọi, xã Tân Đông, huyện Tân Châu.
Đây là 2 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới đầu tiên được khởi công xây dựng trong 21 điểm dự kiến xây dựng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019 - 2025.
Mỗi điểm xây dựng 5 căn nhà cấp 4 cho 5 hộ, diện tích 66m2, bảo đảm điện, nước sinh hoạt, đồng thời giao mỗi hộ 10.500m2 đất (gồm đất xây dựng nhà và đất vườn 500m2, đất sản xuất 10.000m2).
Tổng kinh phí xây dựng 2 điểm dân cư hơn 3,8 tỷ đồng, từ các nguồn Bộ Tư lệnh Quân khu cấp, ngân sách tỉnh, huyện và doanh nghiệp hỗ trợ. Đối tượng thụ hưởng là những chiến sĩ dân quân thường trực, quân nhân dự bị và sĩ quan thường trực có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở và đất sản xuất.
Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, Tây Ninh hoàn thành và bàn giao 21 điểm dân cư với 115 căn nhà.
Hồi tháng 9 vừa qua, Bộ tư lệnh Quân khu 7 phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ khởi công xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 3 (2024-2025).
Đợt này, Quân khu 7 và UBND tỉnh Tây Ninh hỗ trợ kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng xây dựng 30 căn nhà trên tuyến biên giới tại các huyện: Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành (mỗi địa phương 10 căn).
Cạnh đó, Bộ tư lệnh TP.HCM còn hỗ trợ mỗi hộ dân 80 triệu đồng kinh phí xây dựng nhà và 1 con bò sinh sản giá trị 20 triệu đồng.
Thay đổi diện mạo vùng biên
Những ngày đầu, khi mới đến sinh sống, bà con còn bỡ ngỡ, chưa quen với nếp sống mới, nhưng với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị, đặc biệt các lực lượng tại chỗ, người dân bắt đầu thích nghi và quen dần với cuộc sống bên đường biên.
Nhiều hộ dân còn trở thành điển hình làm kinh tế giỏi với các mô hình nuôi bò, canh tác nông nghiệp... đời sống của bà con không chỉ được nâng lên mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đặc biệt, các hộ dân sống ở khu vực biên giới còn làm “tai mắt” cho lực lượng chức năng. Quá trình sinh sống, nếu phát hiện tình trạng người lạ sang gần cột mốc quốc gia, hay qua lại biên giới, người dân sẽ báo cho địa phương để các lực lượng biên phòng, dân quân kịp thời xử lý những trường hợp vượt biên trái phép.
Hiện nay, các vấn đề an sinh xã hội, từ sinh hoạt, y tế, đường sá, điện nước… ở các điểm dân cư liền kề cũng được đảm bảo đầy đủ, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống.
Như vậy, các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới không chỉ thay đổi diện mạo khu vực vùng biên mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo nên thế trận lòng dân vững chắc trên tuyến biên giới.
Đặc biệt, tăng cường sức mạnh khu vực phòng thủ, góp phần bảo vệ vững chắc vành đai biên giới từ sớm, từ xa.
Ở đây, quân dựa vào dân để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, dân dựa vào quân để yên tâm phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Tình quân - dân trở nên thắm thiết hơn bao giờ hết.