Dịch viêm phổi lạ ở Trung Quốc: WHO chưa công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Trâm Anh (theo AFP/Reuters)| 24/01/2020 08:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

WHO nói dịch viêm phổi do virus corona là "tình trạng khẩn cấp của Trung Quốc" nhưng chưa phải là "tình trạng khẩn cấp toàn cầu".

Mặc dù Trung Quốc đã phong tỏa nhiều thành phố để ngăn chặn virus conona, nhưng WHO cho biết hiện chưa đến lúc phải công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Trung Quốc đã khóa khoảng 20 triệu người tại trung tâm của đợt bùng phát virus chết người hôm thứ Năm, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho biết dịch bệnh này chưa phải là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Dịch viêm phổi lạ ở Trung Quốc: WHO chưa công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban khẩn cấp về Quy định y tế quốc tế (IHR) về viêm phổi do Novel Coronavirus 2019-nCoV ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 23 tháng 1 , 2020. 

Virus đường hô hấp mới đã cướp đi 18 mạng sống kể từ khi xuất hiện từ một chợ hải sản và động vật ở trung tâm thành phố Vũ Hán, đã lây nhiễm cho hàng trăm người khác và được phát hiện ở tận Hoa Kỳ.

Loại virus mới này đã gây ra báo động vì nó cùng họ với virus SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), đã giết chết gần 650 người trên khắp Trung Quốc đại lục và Hongkong trong năm 2002-2003.

Nhưng sau hai ngày họp khẩn để xác định mức độ quan tâm toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới hôm thứ Năm đã dừng việc tuyên bố cái gọi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây lo ngại quốc tế - một tuyên bố được sử dụng cho những dịch bệnh nghiêm trọng.

"Đây là một trường hợp khẩn cấp ở Trung Quốc, nhưng nó chưa trở thành một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu", người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên ở Geneva.

WHO đã hoãn quyết định của mình trước một ngày, sau khi chính quyền Trung Quốc công bố các biện pháp chưa từng có để kiềm chế sự lây lan của virus.

Dịch viêm phổi lạ ở Trung Quốc: WHO chưa công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Cuộc họp báo sau cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban khẩn cấp về Quy định y tế quốc tế (IHR) về viêm phổi do Novel Coronavirus 2019-nCoV ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 23 tháng 1 , 2020. 

Trung Quốc đã cách ly hiệu quả gần 20 triệu người trên khắp Vũ Hán và các thành phố khác, đồng thời công bố các biện pháp nhằm ngăn chặn căn bệnh này trên toàn quốc khi hàng trăm triệu người bắt đầu đi du lịch khắp đất nước trong tuần này để nghỉ Tết Nguyên đán.

Bắc Kinh đã hủy bỏ các cuộc lễ hội thường thu hút nhiều người tại các đền thờ trong kỳ nghỉ năm mới, trong khi Tử Cấm Thành lịch sử sẽ đóng cửa từ thứ Bảy.

Đường phố và trung tâm mua sắm ở Vũ Hán yên tĩnh đến lạ thường sau khi chính quyền nói với người dân không được rời khỏi thành phố lớn 11 triệu dân này, nơi hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh được xác định.

Xe lửa và máy bay ra khỏi Vũ Hán đã bị "đình chỉ vô thời hạn" và các tuyến đường trên đường ra khỏi thành phố đã bị đóng cửa, khiến những người bị mắc kẹ trong thành phố sợ hãi và hoảng loạn. "Chúng tôi cảm thấy như thể đó là ngày tận thế", một cư dân Vũ Hán viết trên mạng Weibo của Trung Quốc khi bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu thực phẩm và chất khử trùng.

Nhà chức trách ở thành phố Hoàng Cường lân cận cũng tuyên bố các dịch vụ giao thông công cộng và xe lửa sẽ bị đình chỉ vào nửa đêm, trong khi người dân được thông báo không rời khỏi thành phố 7,5 triệu dân này.

Ngạc Châu, một thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc với dân số 1,1 triệu người, tuyên bố ga tàu đã bị đóng cửa trước đó trong ngày, trong khi ba thành phố khác trong tỉnh tuyên bố hạn chế giao thông công cộng hoặc đường bộ.

Dịch viêm phổi lạ ở Trung Quốc: WHO chưa công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Người dân Trung Quốc đeo mặt nạ đi bộ qua một lối đi ngầm đến tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 21 tháng 1 năm 2020. 

Ông Tedros ca ngợi Trung Quốc vì đã thực hiện "các biện pháp mà họ tin là phù hợp để ngăn chặn sự lây lan của virus corona ở Vũ Hán và các thành phố khác."

Ông nhấn mạnh rằng "chúng tôi hy vọng rằng chúng sẽ vừa hiệu quả vừa nhanh chóng."

Trong khi đó, Chủ tịch ủy ban khẩn cấp của WHO, Didier Houssin nói với các phóng viên rằng sau khi nhận được "thông tin chính xác" từ chính quyền Trung Quốc, các chuyên gia y tế đã xác định rằng việc hạn chế đi lại "không liên quan trực tiếp đến phát triển của dịch bệnh trong thành phố."

Hơn 580 người đã bị nhiễm virus trên khắp Trung Quốc - với hầu hết các trường hợp được tìm thấy ở Vũ Hán, nơi một chợ hải sản bán động vật hoang dã bất hợp pháp đã được xác định là trung tâm của vụ dịch.

Trong khi đó, Trung Quốc vừa xác nhận cái chết đầu tiên do virus bên ngoài trung tâm của vụ dịch, đưa tổng số người chết lên 18. Ủy ban Y tế ở phía Bắc tỉnh Hà Bắc - giáp Bắc Kinh - cho biết một người đàn ông 80 tuổi được chẩn đoán nhiễm virus mới đã chết.

17 trường hợp tử vong khác đều là những người ở độ tuổi 48 đến 89 và có tình trạng sức khỏe không tốt từ trước, cơ quan y tế Trung Quốc cho biết hôm thứ Năm.

Trường hợp đầu tiên nhiễm virus conona được xác nhận vào ngày 31 tháng 12 và nó đã được phát hiện tại Nhật Bản, Hongkong, Ma Cao, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Hoa Kỳ. Singapore và Việt Nam đã xác hai những trường hợp đầu tiên vào thứ Năm.

Động vật bị nghi ngờ là nguồn chính của sự bùng phát, với các nghiên cứu được công bố trong tuần này cho thấy virus có thể có nguồn gốc từ dơi hoặc rắn.

WHO đã xác nhận rằng virus mới có thể được truyền qua lại giữa người với người, ít nhất là những người tiếp xúc gần gũi với nhau. Các quan chức y tế Trung Quốc cảnh báo nó có thể đột biến và lan rộng hơn nữa.

Nhưng ông Tedros hôm thứ Năm đã cho biết cho đến nay "không có bằng chứng lây truyền từ người sang người ở bên ngoài Trung Quốc".

Nếu WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, nó sẽ thúc đẩy các quốc gia tăng cường hợp tác đối với việc kiểm soát virus, bao gồm cả khả năng hạn chế thương mại và du lịch - điều mà tổ chức này hiện không khuyến nghị.

Các quốc gia đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh - được biết đến với tên khoa học là 2019 Novel Coronavirus (2019-nCoV) – bằng biện pháp sàng lọc thân nhiệt của tất cả hành khách đến từ Trung Quốc tại các sân bay ở một số quốc gia.

Một số công ty cũng đã bắt đầu nghiên cứu phát triển một loại vacxin cho virus conona với hy vọng rằng các thử nghiệm lâm sàng ban đầu có thể được thực hiện trong vòng vài tháng.

Ông Tedros đã ca ngợi Trung Quốc vì đã nhanh chóng phát hiện ra loại virus mới và vì sự "hợp tác và minh bạch" của họ trong việc chia sẻ thông tin quan trọng về dịch bệnh với cộng đồng quốc tế. Nhưng một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Washington "vẫn quan ngại" về tính minh bạch trong chính phủ Trung Quốc.

Trong trận dịch SARS, chính phủ Trung Quốc đã mất nhiều tháng để báo cáo về căn bệnh này và ban đầu không cho phép các chuyên gia của WHO tham gia kiểm tra mức độ nghiêm trọng của vụ dịch.

Ủy ban khẩn cấp của WHO nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác và chia sẻ thông tin quốc tế, đồng thời khuyến nghị tổ chức một cuộc họp mới về vấn đề này trong vài ngày nữa để đánh giá sự phát triển của dịch bệnh.

Bộ Y tế Việt Nam sáng 24/1 công bố hai số điện thoại "nóng" thông tin bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV 0989671115, 0963851919. Bộ khuyến cáo người dân liên hệ đến Cục Y tế dự phòng hoặc cơ quan y tế gần nhất, nếu nghi ngờ viêm phổi hoặc bị viêm phổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch viêm phổi lạ ở Trung Quốc: WHO chưa công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu