Dịch sốt xuất huyết hoành hành, bệnh viện gồng mình "gánh" bệnh nhân

Thảo Nguyên| 28/07/2017 14:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hà Nội, trong những ngày gần đây, nhiều bệnh viện đang trong tình trạng quá tải do lượng người nhập viện khám và điều trị sốt xuất huyết (SXH) tăng cao.

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc SXH, 18 trường hợp tử vong. Số mắc tăng 9,7% so với cùng kỳ của năm 2016. Riêng tại Hà Nội, tính đến thời điểm này có tới 7.600 bệnh nhân mắc SXH, tính theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước, sau TP.HCM và Đà Nẵng.

Bệnh viện "quá tải"

Hiện 28 bệnh viện đa khoa của Hà Nội đều có bệnh nhân SXH vào điều trị. Trong đó, các BV Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa có lượng bệnh nhân đông nhất. Nhiều nơi, 3 - 4 người bệnh nằm chung một giường.

Ghi nhận tại BVĐK Đống Đa (BV chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm của Hà Nội) đang trong tình trạng quá tải, với gần 200 bệnh nhân SXH điều trị nội trú. BV phải kê thêm giường ngoài hành lang tại các khoa Điều trị tích cực, khoa Nhi và khoa Truyền nhiễm. Không chỉ nằm ghép, phương án giường bạt cũng đã được huy động để phục vụ bệnh nhân nằm điều trị.

Theo BS Hà Huy Tình - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BVĐK Đống Đa), Khoa Truyền nhiễm thực sự quá tải bệnh nhân và tình hình này diễn ra khoảng 1 tháng nay. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Dịch sốt xuất huyết hoành hành, bệnh viện gồng mình

Số lượng người nhập viện vì SXH tăng từng ngày.

TS Nguyễn Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, những ngày gần đây khoa luôn trong tình trạng quá tải. Hiện cả khoa có 85 bệnh nhân đang điều trị SXH, chiếm 50% tổng số bệnh nhân của khoa. Nhiều bệnh nhân diễn biến nặng.

Ngoài ra, số lượng người đến khám bị SXH cũng tăng lên rõ rệt. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, phòng khám và tư vấn các bệnh truyền nhiễm của khoa có 20-25 trường hợp đến khám vì SXH. Tại phòng khám chuyên khoa truyền nhiễm ở Khoa khám bệnh mỗi ngày cũng tiếp nhận 25-30 ca khám vì SXH. Bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các vùng lân cận, đối tượng từ trẻ em, học sinh sinh viên đến cụ già 85 tuổi đều mắc SXH.

Trước thực trạng đó, BV Bạch Mai đã tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, bổ sung thuốc men, dịch truyền, hạ sốt sẵn sàng, đồng thời giải quyết ra viện sớm cho các trường hợp bệnh nhẹ khác để ứng phó với bệnh SXH.

Tại BV Nhiệt đới Trung ương, PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV cho biết, dịch SXH tại Hà Nội đang rất căng thẳng, trung bình một tuần ghi nhận thêm gần 1.200 ca bệnh. BV phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về SXH. Tuy nhiên BV vẫn quá tải, phải luân chuyển bệnh nhân liên tục. Bệnh nhân đã ổn định sức khỏe sẽ được chuyển về tuyến dưới; người nào thoát sốc thì chuyển sang cơ sở 2 của BV tại Đông Anh để điều trị tiếp. 3 xe cấp cứu của viện đều làm việc hết công suất, luân chuyển 30-40 bệnh nhân mỗi ngày.

Khẩn cấp “phân luồng” bệnh nhân cấp cứu

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, qua kiểm tra hồ sơ bệnh án và thực tế cho thấy, trong số những bệnh nhân vào điều trị nội trú tại BV Nhiệt đới Trung ương kể trên, có một tỷ lệ không nhỏ mà theo phân tuyến điều trị chỉ cần vào BV tuyến quận/huyện hoặc BV tuyến tỉnh/thành phố. Điều đó cho thấy tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, cứ nghi mắc SXH là vào BV tuyến Trung ương điều trị khá phổ biến.

Dịch sốt xuất huyết hoành hành, bệnh viện gồng mình

Điều trị cho bệnh nhân bị SXH tại BV Nhiệt đới TW

Để giảm tối đa số ca tử vong, lây chéo SXH, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê yêu cầu các BV cần tăng cường công tác tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải, cố gắng không để nằm ghép. Tùy tình hình thực tế xây dựng quy trình tiếp nhận, phân loại điều trị bệnh nhân.

Người bệnh nghi mắc SXH phải được khám bởi các bác sĩ chuyên khoa khám chữa bệnh truyền nhiễm. Trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo hoặc SXH nặng phải được chuyển đến khám, điều trị tại chuyên khoa truyền nhiễm. Các trường hợp chuyển viện, viện tuyến dưới phải thảo luận với tuyến trên để có xử trí thích hợp trước khi chuyển viện, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Ngoài ra, Cục Quán lý Khám chữa bệnh cũng khuyến cáo, người dân trong vùng có dịch SXH không được tự ý điều trị bệnh tại nhà, khi có dấu hiệu bị bệnh cần đến các cơ sở y tế để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Biến chứng thường gặp là tràn dịch màng phổi, xuất huyết bất thường do rối loạn đông máu, thậm chí là tử vong.

Theo nhận định của ngành y tế, tình hình dịch SXH trên cả nước chưa diễn biến trầm trọng. Tuy nhiên, dịch xảy ra cao điểm tại một số tỉnh thành như Hà Nội số mắc tăng gấp 6-7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo chu trình dịch tễ, hiện là giai đoạn đầu bùng phát, chưa phải đỉnh dịch. Vì thế, thời gian tới số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng. Mùa mưa là mùa của bệnh SXH. Tại miền Bắc, bệnh gặp ở người lớn nhiều hơn trong khi ở phía nam trẻ nhỏ mắc bệnh nhiều hơn.

Bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng bệnh là quan trọng nhất. SXH là bệnh do muỗi vằn Aedes aegypti truyền bệnh. Đặc điểm của loại muỗi này là thích đẻ trứng ở nước sạch - nước mưa, nước đọng, phát triển rất nhanh. Phòng bệnh bằng cách diệt loăng quăng, bọ gậy; lật úp tất cả dụng cụ chứa nước không cần thiết, thả cá vào bể tiểu cảnh… 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch sốt xuất huyết hoành hành, bệnh viện gồng mình "gánh" bệnh nhân