Dịch Covid-19: Hậu quả của sự thiếu tôn trọng tự nhiên

Trâm Anh| 28/04/2020 14:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính những hoạt động của con người đã cho phép loại virus vốn chỉ sống trong cơ thể động vật đã nhảy sang người và các chuyên gia cảnh báo rằng nếu không có gì thay đổi thì sẽ còn nhiều đại dịch khác có tính chất tương tự như thế này xảy ra.

Cho dù không chắc nó đến từ một con dơi hay một con tê tê, nhưng có một điều chắc chắn là virus corona chủng mới giết chết hàng chục ngàn người và khiến thế giới đảo lộn này đã đến từ một loài động vật. Chính những hoạt động của con người đã cho phép loại virus vốn chỉ sống trong cơ thể động vật đã nhảy sang người và các chuyên gia cảnh báo rằng nếu không có gì thay đổi thì sẽ còn nhiều đại dịch khác có tính chất tương tự như thế này xảy ra trong tương lai.

Dịch Covid-19: Hậu quả của sự thiếu tôn trọng tự nhiên

Đại dịch Covid-19 do một loại virus được cho là lây từ một loài động vật hoang dã sang người đã cướp đi sinh mạng hàng nghìn người trên thế giới

Các nhà khoa học đã đặt tên cho các loại bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người là "zoonoses", dựa trên các từ Hy Lạp có nghĩa là "động vật" và "bệnh". Những bệnh này không phải là mới - bệnh lao, bệnh dại, bệnh toxoplasmosis, bệnh sốt rét..., tất cả đều là zoonoses và đó chỉ là số ít các bệnh được kể tên. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), 60% các bệnh truyền nhiễm ở người bắt nguồn từ động vật. Con số này đến nay đã tăng lên 75% sau khi có sự xuất hiện của các bệnh "mới nổi" như Ebola, HIV, cúm gia cầm, Zika hoặc SARS, một loại coronavirus khác. Danh sách cứ thế sẽ kéo dài mãi.

Theo báo cáo năm 2016 của UNEP cho biết: "Sự xuất hiện của một bệnh zoonoses thường liên quan đến sự thay đổi môi trường hoặc xáo trộn sinh thái, như thay đổi cách thâm canh nông nghiệp và định cư của con người, hoặc xâm lấn vào rừng hay vào môi trường sống khác... Những thay đổi trong môi trường thường là kết quả các hoạt động của con người, từ những thay đổi trên mặt đất đến biến đổi khí hậu."

Bác sĩ Gwenael Vourc'h của Viện INRAE, một viện nghiên cứu công cộng của Pháp, cũng đổ lỗi cho hoạt động của con người về sự “giao thoa” giữa các loài. “Với sự tăng trưởng của dân số loài người và việc sử dụng tài nguyên trái đất ngày càng mạnh mẽ hơn, việc phá hủy ngày càng nhiều hệ sinh thái gây ra nhiều hậu quả”, cô nói.

Một hành động phá hủy quan trọng chính là phá rừng để lấy đất cho trồng trọt và chăn nuôi. Động vật thuần hóa thường là "cầu nối" giữa mầm bệnh từ tự nhiên và con người. Việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong ngành chăn nuôi cũng đã dẫn đến các mầm bệnh vi khuẩn đã được xây dựng khả năng miễn dịch với các loại thuốc kháng sinh mạnh nhất. Đô thị hóa và sự phân mảnh môi trường sống cũng phá vỡ sự cân bằng giữa các loài một cách mạnh mẽ, trong khi sự nóng lên toàn cầu có thể đẩy động vật mang mầm bệnh sang những môi trường sống mới.

Virus SARS-CoV-2 được cho là đã xuất hiện tại một khu chợ ẩm ướt ở thành phố Vũ Hán miền Trung Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Các nhà khoa học nghĩ rằng nó có nguồn gốc từ loài dơi và có thể được truyền qua một loài động vật có vú khác như tê tê - một loài động vật có thịt và vảy rất được đánh giá cao ở các vùng của châu Á và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được kết luận chính thức về cách virus này “nhảy” sang người. Nhưng điều chắc chắn duy nhất là chính các hoạt động của con người đã tạo điều kiện cho “bước nhảy thế kỷ” này

“Quá trình một loại vi khuẩn hay virus chuyển từ động vật có xương sống như dơi sang người rất phức tạp, nhưng rõ ràng là có sự tác động của con người”, Anne Larigauderie, Thư ký điều hành của IPBES, hội đồng chuyên gia của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học nói. “Con người, thông qua các hoạt động của mình, đã tạo cơ hội cho các vi khuẩn đến gần hơn với quần thể người... Tốc độ thay đổi tự nhiên trên toàn cầu trong 50 năm qua nhanh chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Động lực trực tiếp và quan trọng nhất của sự thay đổi tự nhiên là thay đổi việc sử dụng đất”.

Ngoài sự bùng phát của đại dịch Covid-19 hiện nay, IPBES ước tính rằng các “zoonoses” đang giết chết khoảng 700.000 người mỗi năm.

Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Mỹ hoàn thành trước khi dịch Covid-19 bùng phát nhưng mới được công bố vào tuần trước đã xác định các loài gặm nhấm, linh trưởng và dơi là vật chủ của 3/4 số virus đã truyền sang người. Nhưng động vật nuôi cũng mang khoảng 50% số “zoonoses” đã được xác định. Về động vật hoang dã đang bị đe dọa, nghiên cứu cho thấy những động vật chia sẻ nhiều virus nhất với con người chính xác là “những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng khai thác bừa bãi và mất môi trường sống”.

Dịch Covid-19: Hậu quả của sự thiếu tôn trọng tự nhiên

Thay đổi các hoạt động ảnh hưởng tới môi trường là cần thiết để tìm ra giải pháp cho thảm kịch toàn cầu này

Giáo sư Christine Johnson của Đại học California, người đứng đầu nghiên cứu về việc virus nhảy từ động vật sang người đã đổ lỗi cho con người trong việc “thay đổi môi trường sống”. “Điều này cũng làm tăng tần suất và cường độ tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã - tạo điều kiện hoàn hảo cho sự lan truyền virus”, bà nói.

Theo nhà sinh thái học Anne Larigauderie, đợt bùng phát dịch Covid-19 này có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. “Xu hướng gia tăng trong thay đổi sử dụng đất, kết hợp với xu hướng gia tăng trong thương mại và du lịch toàn cầu, dự kiến sẽ làm tăng tần suất dịch bệnh trong tương lai”, bà nói. “Thay đổi các hoạt động ảnh hưởng tới môi trường là cần thiết để tìm ra giải pháp cho thảm kịch toàn cầu này.”

Bác sĩ Gwenael Vourc'h  thuộc INRAE, cũng đang kêu gọi một phản ứng có hệ thống. “Ngoài các phản ứng cần thiết cụ thể đối với từng dịch bệnh, chúng ta phải suy nghĩ về mô hình hiện nay của chúng ta, suy nghĩ lại về mối quan hệ của chúng ta với các hệ sinh thái tự nhiên và các hoạt động của mình”, cô nói.

Báo cáo UNEP năm 2016, lưu ý rằng “tính toàn vẹn của hệ sinh thái liên quan chặt chẽ đến sức khỏe và sự phát triển của con người”. Báo cáo cũng cho biết các chiến lược hiệu quả đã tồn tại để kiểm soát hầu hết các zoonoses đã bị bỏ quên. Tuy nhiên, hạn chế chính là sự “thiếu đầu tư”.

Ở tuổi 86, Jane Goodall - nhà linh trưởng học, tập tính học và nhân chủng học người Anh và là sứ giả hòa bình của Liên hiệp quốc - đã dành phần lớn cuộc đời để nghiên cứu và bảo vệ động vật, đặc biệt là loài tinh tinh ở châu Phi. Bà đã dự đoán trước được sự xuất hiện của dịch bệnh này và cảnh báo rằng “nó sẽ xảy ra một lần nữa cho đến khi chúng ta học được bài học”. “Đại dịch này chính là hậu quả từ sự coi thường của chúng ta đối với thiên nhiên và sự thiếu tôn trọng của chúng ta đối với các loài động vật mà chúng ta đang cùng chia sẻ hành tinh này.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch Covid-19: Hậu quả của sự thiếu tôn trọng tự nhiên