Câu chuyện “Bí ẩn đình thiêng” mà chúng tôi đã viết năm trước, kể về ngôi đình Hạ, làng Văn La, xã Văn Võ (Chương Mỹ, Hà Nội) thờ vị Thành hoàng công lao hiển hách, đi sứ Tàu, dẹp quân Chiêm, chức tước đứng đầu vương hầu…

Nhưng người dân địa phương hiện nay không còn  biết Thành hoàng làng mình là ai. Sự đứt quãng với nguồn cội thiêng liêng đó của làng Văn La trở thành nỗi ám ảnh và thôi thúc chúng tôi đi tìm lại cho họ vị Thành hoàng làng... 

 

Bia đá giữa sân đình

 

Trong hành trình đi tìm Thành hoàng đình Hạ, việc trước tiên là chúng tôi dịch tấm bia đá “Phổ thí huệ điền bi” đặt ở sân đình, đối diện với chính điện qua khoảng sân rộng lát gạch bát. Bia đặt trên một bi đình tám mái đẹp mắt, phía trước có bát hương. Thông thường, bia hậu, bia công đức của các ngôi đình Đoài - Hà Tây đặt ở phía sau (đình Hữu Bằng) hay nhà tả hữu (đình Mông Phụ - Đường Lâm) trong khi bia đình Hạ có vị trí trang trọng khác thường, chắc hẳn mang một thông điệp quan trọng.

 

Mặc dù đã lược dịch nhưng để bảo đảm độ chính xác cao nhất, chúng tôi đã chuyển bản chụp nhờ chuyên gia ở Viện nghiên cứu Hán Nôm (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) dịch lại. 

 

Nội dung tấm bia cho biết: “Tiền Tán trị công thần Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ti, Đô chỉ huy sứ, Cai tri các giám kiêm tri Thủy sư thự vệ sự, Thọ Dương hầu Nguyễn Sĩ Chiêu cùng vợ là Đặng Thị Thắng ở xã Văn La, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên cúng ruộng vào chùa để cầu phúc, được ghi vào bia để lưu truyền mãi mãi.

 

Người có đức là được nhờ trời. Người có phúc là được trời phù hộ. Con người biết lấy điều nhân đức để sửa mình thì trời sẽ ban cho phúc lớn. Như trước đây chuyện nón lá nước Tấn, chuyện tiền thuế họ Hàn, chuyện cứu kiến của Tống Giao, chuyện cứu ếch đời Tống, chuyện nước cháo của họ Phạm, chuyện gặp vàng của họ Bùi. Các vị ấy, có người đời sau dấy lên được vương nghiệp, có người được đăng ngôi tể tướng, có người được đỗ đạt cao khoa. Đều do có âm đức sâu dày mà được báo đền, đó chẳng lẽ là việc nhỏ sao? Nay với công đức to lớn của ông bà, muốn đem tài sản của mình giúp dân xây dựng lại cầu cống, quán xá nhưng e sợ lâu ngày những thứ đó cũng sẽ bị hư hỏng, bất tiện, không được bền lâu bằng việc hiến ruộng làm phúc. Ông bà bèn cúng 10 mẫu 7 thước 8 tấc ruộng của nhà và 5 sào ruộng hương hỏa, 5 sào ao làm ruộng huệ điền để thờ Phật, làm ruộng Tam bảo. Vậy nên dựng tấm bia đá này để ghi rõ, giao cho bản xã trông coi gìn giữ thờ phụng tôn nghiêm thanh tịnh. Công đức to lớn ấy của ông bà để lại cho muôn đời sau. Nhân viết một bài minh ca ngợi công đức to lớn đó vậy.

 

Nay có lời minh rằng: 

 

Thánh hiền kế tiếp nhau /Trăng sao chiếu sáng lòa/ Hổ báo im tiếng động/ Kình ngao sóng gió ngừng/ Vũ trụ thêm xán lạn/ Người vật được yên bình/ Đường, Ngu vui xứ xứ/ Tắc, Tiết mát nhà nhà/ Sự nghiệp được yên lành/ Khắp nơi nơi niềm vui/ Của cải tăng vô hạn/ Phúc phát vạn lời ca. 

 

Đi tìm Thành hoàng

Bản sao sắc phong về Thọ Dương Hầu (hương chức làng Văn La cung cấp

cho Viện Viễn đông bác cổ năm 1936)

 

Dành riêng khen họ Nguyễn/ Hiền tài nhất ấp La/ Bồi cao nền đức tổ/ Gieo giống tốt lâu dài/ Tích lũy từ xưa sẵn/ Giềng mối phát vô biên/ Người tài sau hơn trước / Nghiệp nhà con hơn cha.

 

Hội ngộ duyên cá nước/ Kết thành muôn đóa hoa/ Một lòng đều đỏ thắm/ Ngũ sắc tiếp hồng hà/ Mưu cao cùng trí lược/ Luôn có lòng cứu giúp/ Tạo nguyên khí vững bền/ Vinh hiển ngựa xe đón.

 

Sống thời đáng sĩ phu/ Mệnh trời định sẵn rồi/ Khiến phu nhân rơi lệ/ Trở thành người quả phụ/ Giữ trinh tiết không quên/ Ân nghĩa báo cho chồng/ Trăm phúc tích góp lại/ Ân đức chia dân chúng.

 

Ruộng đất nhà đủ dùng/ Phụng thờ Di Đà Phật/ Trâu bò ban khắp ấp/ Kính cẩn dâng lên cúng/ Gốc thiện noi Phật pháp/ Nền đạo rõ Tổ thiền/ Tiếng thơm gửi lâu dài / Bia dựng lên sừng sững/ Nghìn năm vẫn nhìn thấy/ Trải muôn đời không mòn/ Cầu được như ý muốn/ Phúc giáng thật bao la/ Phúc lành lưu hậu duệ/ Ân đức vạn lời ca”.

 

Bia dựng ngày 25 tháng 7 năm Khánh Đức thứ 3 (1561) đời vua Lê Thần Tông.

 

Tấm bia dẫn nhiều điển cố như “Nón lá nước Tấn” nói chuyện nhà họ Tư Mã làm được nhiều điều phúc đức từ thuở trẻ còn đội nón lá nên đời sau được nhiều phúc lớn, con cháu dựng được vương nghiệp, lập lên nhà Tấn thời Tư Mã Viêm; “Tiền thuế của họ Hàn” là nói về Hàn Kỳ, làm quan liêm chính nhẹ tiền sưu thuế, nên con cháu đời sau đều hiển đạt, làm đến khanh tướng; “Tống Giao cứu kiến” trong “Âm chất văn” có chép chuyện Tống Giao thấy đàn kiến bị nước cuốn thương xót mà vớt lên, sau được đỗ Trạng nguyên; “Nước cháo họ Phạm” là nói Phạm Trọng Yêm, đời Tống, nhà nghèo thường phải húp cháo mà học, vẫn còn chia sẻ cho người khác, về sau làm đến chức Tể tướng; “Họ Bùi gặp vàng” là nói Bùi Độ khi còn hàn vi cày ruộng vớ được vàng của người khác, ông không tham mà cất đi chờ người tìm đến để trả lại, không nhận báo ơn. Công đức như thế trời báo cho được làm Tể tướng. Những điển cố này đều là những câu chuyện khuyến khích làm việc thiện...

 

Tấm bia cũng cho biết một thông tin quý giá, đó là Thọ Dương Hầu Nguyễn Sĩ Chiêu, người cung tiến số ruộng đất là người “hiền tài nhất ấp La”, tức ấp Văn La, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên. Dòng họ Nguyễn Sĩ nhiều hiền tài, nối đời vinh hiển. Vậy là  một nghi vấn đã được giải đáp.

 

Văn bia cũng cho biết sau khi Thọ Dương Hầu từ trần, phu nhân Đặng Thị Thắng trở thành góa phụ. Bà đã lấy ruộng đất dâng cúng vào chùa để ông được hưởng hương hỏa được lâu dài. Tài sản bà cũng chỉ giữ cho đủ chi dùng, còn lại thì phân phát cho dân làng. 

 

Tuy nhiên, tấm bia quý giá này chưa cho biết thông tin Thọ Dương Hầu có phải là Thành hoàng thờ ở đình Hạ hay không? Vì vậy, chúng tôi phải đi tìm những nguồn tư liệu khác.

 

Tư liệu Viện Viễn đông bác cổ

 

Viện Viễn Đông bác cổ được Pháp thành lập năm 1900. Đây là một cơ quan nghiên cứu để tìm hiểu và bảo tồn các di sản văn hóa Đông Dương. Sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, Viện lưu giữ được rất những tư liệu quý giá về nhiều lĩnh vực, trong đó có hương ước, thần phả, sắc phong... liên quan đến làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ. Kho tư liệu quý giá này ngày nay thuộc Viện thông tin khoa học xã hội - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Chúng tôi tìm đến địa chỉ này với hy vọng mong manh là tìm thấy tư liệu về Thành hoàng làng Văn La...

 

Một may mắn đến với chúng tôi là thư viện còn lưu giữ tài liệu mang ký hiệu TT-TS FQ4 18/II, 65 về “Thần tích – thần sắc làng Văn La, tổng Văn La, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông”. Đây là bản kê khai của hương chức xã Văn La, phúc đáp những câu hỏi nghiên cứu của Viện Viễn Đông bác cổ về việc thờ cúng Thành hoàng, lập ngày 16 tháng Ba năm Bảo Đại thứ 13 (1938). Tài liệu viết bằng chữ quốc ngữ, kèm bản sao sắc phong bằng chữ  Hán có chữ ký và triện của Chánh hội và Lý trưởng.

 

Đi tìm Thành hoàng

Tượng Thành hoàng

 

Tài liệu cho biết làng Văn La thờ năm vị đại vương. Vị thứ nhất là thiên thần, hiệu Cư Sĩ, húy là Thị Viện. Vị thứ hai là húy là Kha Ní. Hai vị là anh em ruột.

 

Sự tích kể rằng, cha mẹ của hai ngài người châu Huyền Diêu, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hóa đến làm hương sư ở Văn La và ngụ tại chùa làng. Lúc đó ông Hương sư đã hơn 40 tuổi mà chưa có con trai, vì thế ông bà thường ngày đêm tụng niệm cầu đảo. Một đêm vào canh ba, ông bà cùng chiêm bao thấy trong chùa sáng rực, hương thơm ngào ngạt lại có tiếng đàn sáo và trăm quan la liệt. Ở giữa là một ông mặc áo đỏ nói: “Nhà ngươi đức hậu, giời đã chiếu cho. Nay ta cho Thị Viện và Kha Ní vào nhà người làm con, ngày sau sáng thịnh cửa nhà, nổi tiếng khắp thiên hạ, giúp nước cứu dân. Cẩn thận đấy, cẩn thận đấy, chớ hở han, chớ hở han”... Từ đó bà vợ chuyển động tâm thần mà có thai. Đến ngày 12 tháng Chạp năm Giáp Thìn thì sinh ra hai con trai khôi ngô, tuấn tú. Người cha đặt tên hai con theo giấc chiêm bao…

 

Hai vị văn chương, võ bị tinh thông, theo Lê Lợi khởi nghĩa. Lê Lợi lên ngôi vua, phong cho Thị Viện là Cư Sĩ đại vương, ăn lộc ở làng Văn La và ban cho mỗi vị 30 quan tiền và một cuộn lụa bạch. Được hơn 7 năm thì Cư Sĩ đại vương xin vua cho cùng Kha Ní đi chu du thiên hạ, xem xét núi sông một tháng. Khi trở về, hai vị mở tiệc mừng, hát xướng 3 ngày, mời dân làng tụ họp dự yến tiệc vui vẻ, và tặng dân làng 15 hốt vàng cùng 120 quan tiền để dân làng tậu ruộng, ngày sau các ngài 100 tuổi thì hương hỏa thờ phụng ở đình. Rồi các ngài lập miếu hai bên theo hướng càn tốn (Đông Nam và Tây Bắc). Bỗng trời đất mịt mù, mưa gió ấm ầm. Trong mưa gió dân làng nghe tiếng đọc: ”Thị vệ thiên sinh giáng hạ trần/ Sinh phù Lê đế hóa vi thần/ Quang tiền thùy hậu, công danh trứ/ Chương Đức, Văn La hưởng vạn xuân”...  Tiếng đọc xong thì mưa tạnh trời quang, không thấy  ngài Thị Viện đâu nữa, chỉ còn để lại mũ áo. Hôm đó là ngày 5 tháng Chạp.

 

Bấy giờ trong làng có đức Thái sư vội cấp báo lên triều đình. Lê Thái Tổ thương tiếc ông là người có công lao to lớn với đất nước bèn ban sắc phong Thị Viện Hành đạo đại vương là phúc thần, giao cho làng Văn La 3 lạng vàng và 120 quan tiền để lập miếu ở chốn cũ ven sông, quanh năm phụng thờ. Đồng thời vua triệu ngài Kha Ní vào triều, ban cho nhiều vàng bạc. Sau đó, ông phụng mệnh vua về quê sửa sang đền miếu của Cư Sĩ đại vương và sống ở làng khoảng 5 năm. Một hôm ngài cùng gia thần đang xem địa thế dân cư, thấy một cuộc đất đẹp, hình cái chẩm, phía trước có gò làm án... thì thấy chớp nhoàng trước mặt, trời đất mù mịt. Sau đó ngài biến mất, chỗ đất ấy tự biến thành gò lớn. Dân làng thương tiếc, lập miếu lộ thiên thờ ngài ở chỗ đó. Vua Lê nghe tin bèn truy phong hai ngài là Thượng đẳng phúc thần, ban cho dân làng Văn La nối đời phụng thờ. 

 

Sự tích hai vị Thành hoàng thứ ba  và thứ tư ở Văn La cũng có nhiều nét tương đồng với sự tích hai vị trên, hai vị đều là anh em, có tên là Chùa Công và Chú Công, cũng đều là thiên thần. Cha là Lý Khuê, mẹ là Mai Chử, từ Tàu sang ta đã ba đời. Do nằm mơ thấy lên Yên Tử cầu tự mà sinh được con trai lên đặt tên là Chùa Công, bốn năm sau sinh con thứ hai, đặt tên là Chú Công. Hai vị sớm mồ côi nhưng học hành thông tuệ. Gặp khi vua Lê Thái Tông mở khoa thi, hai ông ứng thí. Hai ông được vua phong là Lang trung đại phu... Sau hai ông có công dẹp giặc Xiêm. Hai ông phụng mệnh về Văn La lập đồn thủy và đồn bộ, dân làng được miễn trừ binh lương tô thuế... Được 6 năm, một ngày mưa gió sấm chớp xong không thấy hai ngài và hai đồn đâu nữa, chỉ còn lại hai gò đất. Vua Lê bèn truy phong hai ngài ở hai đồn là Cửa Chù đại vương và Cửa Chỗ đại vương, lại cấp cho 120 quan tiền để dân xây hai miếu lộ thiên ở hai đồn để phụng thờ.

 

Giải mã tư liệu

 

Đọc hết sự tích bốn vị Đại vương Thành hoàng Văn La thì thấy các vị đều là thiên thần. Trang thứ 10 của tài liệu viết: “Đức thánh đệ ngũ đại vương, ngài chính ở làng Văn La, tên húy là Sĩ Chiêu, hiệu là Viện Mật đại vương. Ngài là nhân thần, ngài phù về đời Hậu Lê, làm chức Thái sư kiêm tri Thủy sư thị vệ sự, tặng Nam quân Đô đốc phủ Đô đốc kiêm sự quận công Nguyễn tướng công, chỉ có bia ký, không có sự tích”. 

 

Như vậy tài liệu nằm im trong thư viện gần 80 năm qua đã trao cho chúng tôi chiếc chìa khóa mở vào quá khứ đáng tự hào của làng Văn La. Thành hoàng đình Hạ đã được xác định, sợi dây tâm linh giữa dân làng Văn La với đức Thành hoàng sau nhiều năm đứt quãng đã được nối lại. 

 

Đi tìm Thành hoàng

Bia trước đình ghi lại việc cúng ruộng của gia đình Thọ Dương Hầu

 

Tài liệu này cũng sao chép các đạo sắc phong cho ngũ vị đại vương làng Văn La. Có ba đạo sắc phong cho ngài Thọ Dương Hầu Nguyễn Sĩ Chiêu. Tài liệu sao chép hai sắc phong, sắc thứ nhất lập năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) triều vua Lê Hiển Tông; sắc thứ hai năm  Khải Định thứ 9 (1924).

 

Tài liệu cũng cho biết làng Văn La thờ vị Thành hoàng thứ nhất ở đình (nay gọi là đình Thượng); vị thứ hai ở chốc đê, miếu lộ thiên; vị thứ ba ở cửa chùa, miếu lộ thiên; vị thứ tư cũng ở mặt đường đê, miếu lộ thiên; thành hoàng thứ năm là Thọ Dương Hầu Nguyễn Sĩ Chiêu thờ ở đình (đình Hạ)...

 

Qua văn bia, hoành phi câu đối và tài liệu hiện tìm thấy, chúng ta có thể hình dung được phần nào thân thế và sự nghiệp của Thọ Dương Hầu. Theo đó, ông là người làng Văn La, có công lao to lớn với đất nước dưới triều Hậu Lê. Ông đã từng đi sứ sang Tàu, khiến vua quan bên Tàu phải nể phục. Ông cũng từng thân cầm quân dẹp tan giặc Chiêm xâm phạm bờ cõi. Do công lao, đức độ như thế nên ông làm quan đến chức Thái sư, hàm Chánh nhất phẩm trong triều.

 

Như bài viết trước chúng tôi đã nêu, trong lịch sử Việt Nam, Chiêm Thành nhiều lần quấy rối, xâm lấn nước ta, họ từng đánh đến tận Thăng Long, nên bình Chiêm là một trong những võ công quan trọng của các triều đại. Phải đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh cầm quân ra trận mới chiếm được thành Đồ Bàn, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn, Trà Toại, đặt tên vùng đất mới là thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Bình, việc bình Chiêm mới ngừng (đến thời chúa Nguyễn Hoàng gần 200 năm sau lại tiếp tục). Vậy Thành hoàng Văn La Nguyễn Sĩ Chiêu có công bình Chiêm, năm nào thì chưa rõ, nhưng phải từ năm 1471 trở về trước.

 

Văn bia còn cho thấy ông  được giao nhiều cương vị quan trọng như Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ti, nghĩa là ông chỉ huy Cẩm y vệ. Cẩm y vệ và Kim ngô vệ là hai lực lượng thân binh trực tiếp bảo vệ kinh thành.

 

Ông còn kiêm chức Thủy sư thự vệ sự, tức là lực lượng thủy quân của triều đình nhà Lê. Lịch sử cho biết, từ tháng 7 năm 1427, Lê Lợi đã có quy định biên chế cho các vệ thủy quân, nhưng phải đến thời Lê Thánh Tông mới đặt ra các phép trận đồ và quân lệnh cho bốn loại quân thủy, bộ, mã, tượng, tức là hình thành quan niệm và tổ chức từng quân chủng. Về thủy quân, năm 1465, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ban hành phép duyệt trận đồ thủy bộ. Về phép thủy trận thì có những đồ pháp Trung hư, Thường sơn xà, Mãn thiên tinh, Nhạn hàng... Lại ban hành 31 điều quân lệnh về thủy trận, 22 điều về tượng trận, 27 điều về mã trận, 42 điều về kinh vệ bộ trận”. Vua cũng nhiều lần cho tập trận thủy quân.

 

Chính vì thế mà Vua Lê Thánh Tông đã huy động được lực lượng thủy quân lớn chưa từng thấy trong lịch sử hành quân nước ta, thậm chí cũng hiếm thấy trong lịch sử thế giới gồm 25 vạn thủy quân, với hàng ngàn chiến thuyền đi đánh Chiêm Thành năm 1470-1471. Như vậy, vua Lê Thánh Tông rất coi trọng Thủy quân, và Thọ Dương Hầu được giao kiêm quản cả Thủy sư thự vệ.

 

Mấy chữ “tặng Nam quân Đô đốc phủ Đô đốc kiêm sự quận công” – có ghi trong sắc phong năm Cảnh Hưng,  cho biết, sau khi ông tạ thế, đã được truy tặng chức “Nam quân Đô đốc phủ”.  Vua Lê Thánh Tông đặt ra quân Ngũ phủ, mỗi phủ gồm 6 vệ. Theo đó Trung quân phủ - lãnh các xứ Thanh Hóa, Nghệ An; Đông quân phủ - lãnh các xứ Hải Dương, Yên Bang; Nam quân phủ - lãnh các xứ Sơn Nam, Thuận Hóa, Quảng Nam; Tây quân phủ - lãnh các xứ Tam Giang, Hưng Hóa; Bắc quân phủ - lãnh các xứ Kinh Bắc, Lạng Sơn. Như thế chúng ta có thể suy đoán, do ông có công và kinh nghiệm bình Chiêm, có giai đoạn trị nhậm vùng này sau khi bình định nên nhà vua mới truy tặng ông chức Đô đốc phủ Nam quân (chứ không phải các phủ khác) bao gồm cả vùng đất phủ Quảng Nam mới chiếm được của Chiêm Thành năm 1471. Chức này cũng giải đáp nội dung câu đối cho biết ông đã có công giữ yên biên giới, đó chính là vùng đất Quảng Nam ...

 

***

 

Tuy nhiên, hương chức làng Văn La cũng cho biết là “không có sự tích” về Thọ Dương Hầu, nên ngày nay chúng ta mới dựa trên những tư liệu gián tiếp, bước đầu hình dung thân thế sự nghiệp của ông. Hy vọng các nghiên cứu tiếp theo  có thể tìm ra được những chứng cứ lịch sử xác thực để xác định được chính xác, làm rõ thực hư về vị Thành hoàng đình Hạ làng Văn La.

 

Nguyễn Phan Khiêm

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm Thành hoàng