Liên quan đến việc Di tích quốc gia đình Cung Chúc bị thấm dột, xuống cấp, đại diện Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) TP. Hải Phòng cho biết, sẽ kiểm tra để có hướng xử lý kịp thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Trước đó, ngày 4/12/2023, Báo Công lý đã đăng tải bài viết “Hải Phòng: Di tích quốc gia đình Cung Chúc bị thấm dột, xuống cấp” phản ánh về việc đình Cung Chúc, ở xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962, hiện đang trong tình trạng xuống cấp, khiến người dân vô cùng lo lắng.
Theo chính quyền và người dân địa phương, thời gian qua, do chưa được kiểm tra, duy tu nên mái đình có chỗ bị võng, lún sụt tạo những khe hở dài, thấm dột nước; bờ nóc, bờ chảy, con kìm nứt vỡ; nhiều cột, xà, rường, hoành, ván nong, tàu mái… bị ngấm nước mưa lâu ngày nên nứt, loang lổ; nền đình bị dột nước nên cũng loang lổ, ẩm mốc... Tình trạng này không những làm suy giảm giá trị của di tích, mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của Nhân dân địa phương.
Sau khi báo đăng, UBND huyện Vĩnh Bảo đã có chỉ đạo UBND xã Trung Lập báo cáo sự việc. Được biết, UBND xã Trung Lập đã có văn bản gửi UBND huyện Vĩnh Bảo báo cáo cụ thể tình trạng xuống cấp của di tích quốc gia Đình Cung Chúc.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Tú, Phó Giám đốc Sở VHTT TP. Hải Phòng, cho biết: Sở đã nắm bắt, ghi nhận thông tin về những tồn tại, hạn chế tại đình Cung Chúc. Sở sẽ tiến hành kiểm tra trong thời gian gần nhất để có hướng xử lý kịp thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT TP. Hải Phòng, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND ngày 27/8/2020 kèm Quy chế về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố thực hiện việc quản lý nhà nước đối với toàn bộ di tích trên địa bàn thuộc thẩm quyền. Sở VHTT chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND thành phố thực hiện quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn. Đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt, việc giao đơn vị, địa phương quản lý di tích do UBND thành phố Hải Phòng quyết định. Đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia đã được UBND thành phố giao cho địa phương hoặc đơn vị trực tiếp quản lý trước thời điểm Quy chế trên có hiệu lực thì giữ nguyên, trường hợp có lý do đặc biệt thì UBND thành phố sẽ xem xét quyết định cụ thể.
Về phân công quản lý di tích, UBND thành phố Hải Phòng quyết định việc thành lập Ban Quản lý (BQL) di tích đối với di tích quốc gia đặc biệt; UBND cấp huyện quyết định thành lập BQL di tích đối với di tích xếp hạng cấp quốc gia; UBND cấp xã quyết định thành lập BQL di tích cấp thành phố và các di tích đã được thành phố đưa vào danh mục kiểm kê di tích.
Việc quản lý, giữ gìn các di tích là trách nhiệm của Nhà nước và Nhân dân. Luật Di sản quy định, Nhà nước có trách nhiệm tu bổ, tôn tạo các di tích, tùy theo tình hình điều kiện thực tế của địa phương. Khi phát hiện di tích xuống cấp, địa phương và BQL di tích phải kiểm tra, có báo cáo tình hình thực tế và đề xuất hướng khắc phục, xử lý để cơ quan có thẩm quyền xem xét chỉ đạo. Nguồn lực xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích có thể do thành phố cân đối đầu tư, có thể do địa phương (nếu có nguồn) hoặc xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân.
Đối với di tích quốc gia đình Cung Chúc, UBND xã Trung Lập có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo cụ thể về tình trạng xuống cấp và đề xuất hướng khắc phục, xử lý trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Thời gian qua, thành phố đã chú trọng quan tâm, d3ành nhiều nguồn lực để xây dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Trong đó, năm 2017, thành phố ban hành Nghị quyết số 22/NQ-HĐND về công trợ kinh phí từ ngân sách thành phố để trùng tu, tôn tạo 140 di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng cấp thành phố giai đoạn 2018-2025, với tổng số kinh phí công trợ hàng chục tỷ đồng.
Năm 2022, thành phố ban hành Nghị quyết số 82/NQ-HĐND về công trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng quốc gia trên địa bàn thành phố đang bị xuống cấp, thực hiện trong giai đoạn 2023-2027 (do Sở VHTT tham mưu xây dựng, ban hành), với mức công trợ khoảng 500 triệu đồng/1 di tích, tổng kinh phí dự kiến khoảng 103 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 82/NQ-HĐND, trên cơ sở rà soát báo cáo của các địa phương, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 173 về việc công trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo 74 di tích trên địa bàn. Tuy nhiên, trong số những di tích này, không có di tích quốc gia đình Cung Chúc.