Di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ bị sạt lở

Thu Thủy| 20/09/2017 13:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ảnh hưởng của bão số 10 gây mưa lớn tại Thanh Hóa đã làm 1 đoạn tường thành phía Bắc dài khoảng 7m của Di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc , Thanh Hóa) bị sạt lở, một số đoạn khác bị nghiêng ngả.

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) thuộc địa bàn xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam. Thành nhà Hồ do Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397, đến nay đã tồn tại hơn 6 thế kỷ, được đánh giá là một trong những thành quách vững chãi nhất thế giới. Năm 2011, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và được Thủ tướng Chính phủ đưa vào xếp hạng Quốc gia 62 Di tích đặc biệt.

Ghi nhận của Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, đoạn sạt lở xuất hiện vào ngày 16/9, cách cổng Thành Bắc 200m có độ dài 6,9m, cao 4m, khối lượng đất đá sạt lở ước khoảng 20m3. Theo hồ sơ bản vẽ và ảnh hiện trạng di tích trình Ủy ban Di sản thế giới, đoạn tường thành bị sạt lở thể hiện trong bản vẽ số 83, đoạn tường thành số 10, tỷ lệ 1/75.

Di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ bị sạt lở

Một đoạn Thành nhà Hồ sạt lở sau đợt mưa lớn

Ngoài vị trí bị sạt lở, đổ hẳn xuống đướng, nhiều vị trí khác của đoạn tường thành nằm phía đông bắc của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ còn bị xô nghiêng ngả ra phía ngoài, có nguy cơ sạt lở cao trong thời gian tới. Theo hồ sơ, tại thời điểm đo vẽ, xây dựng hồ sơ khoa học, đoạn tường thành phía Đông Bắc có 6 đoạn đã bị sụt lở gồm: đoạn số 04, bản vẽ 59; đoạn số 7, bản vẽ 60; đoạn số 8, bản vẽ 61; đoạn số 12, bản vẽ 62; đoạn số 16-17, bản vẽ 63-64; đoạn số 20, bản vẽ 65.

Di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ bị sạt lở

Nhiều vị trí bị xô nghiêng ngả có nguy cơ tiếp tục sạt lở

Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, cho biết sau khi phát hiện vụ việc, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã báo cáo chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, căng dây chắn. Đồng thời, hướng dẫn khách tham quan và nhân dân địa phương không đi lại qua khu vực sạt lở, tránh nguy hiểm. 

Trung tâm cùng với các ngành chức năng đang tiến hành làm rõ nguyên nhân, đánh giá cụ thể hiện trạng sạt lở tường thành. Đồng thời, đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn Di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ, đặc biệt là có giải pháp can thiệp, tu bổ những đoạn thành đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ bị sạt lở