ĐHĐCĐ TAG: "Lợi nhuận giai đoạn 2014 – 2015 sẽ không tốt"

27/06/2014 21:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại ĐHĐCĐ CTCP Thế giới số Trần Anh (HNX: TAG) diễn ra vào ngày 27/06, Ban lãnh đạo công ty nhận định chiến lược trong giai đoạn này là gia tăng chiếm lĩnh thị phần không những ở các thành phố lớn mà cả phân khúc tỉnh lẻ có nhu cầu mua sắm cao.

Xác định tinh thần lợi nhuận giai đoạn 2014 – 2015 sẽ không tốt

Trong vòng 3 năm tới, theo đánh giá của TAG, thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn cạnh tranh rất khốc liệt, chỉ có doanh nghiệp mạnh mới có cơ hội lọt vào top đầu của thị trường. Tuy nhiên, sau năm 2018 sẽ rất khó để doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường cũng như bứt lên trên top đầu vì không dễ cạnh tranh với những “ông lớn” có tiềm lực mạnh còn tồn tại trên thị trường. Con số thống kê cũng đã chứng minh được sau một năm rưỡi vừa qua, số lượng doanh nghiệp mở rộng tăng lên gấp 2-3 lần.

Ban lãnh đạo Trần Anh cũng chia sẻ thêm, cổ đông đầu tư vào TAG nên xác định phải 5-7 năm mới bắt đầu có lợi nhuận. Bởi vì theo xu thế chung hiện nay của ngành, các doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường điện máy đều lựa chọn chiến lược đẩy mạnh mở rộng thị phần với lý do đây là giai đoạn quyết định công ty nào sẽ tồn tại được trên thương trường. “Bởi vì thời điểm này chiến lược đúng đắn là gia tăng thị phần để tìm chỗ đứng chứ không phải thời điểm tính toán kiếm được bao nhiêu đồng lợi nhuận” – ông Trần Xuân Kiên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TAG cho biết.

Dẫn theo lời của đại diện nhà đầu tư chiến lược – Tập đoàn Nojima, thị trường bán lẻ điện máy hiện tại của Việt Nam giống với thị trường của Nhật giai đoạn những năm 80 khi thương trường có đến hơn 100 doanh nghiệp “đấu đá” với nhau. Tuy nhiên, đến thời điểm này tại Nhật chỉ còn hơn 6 doanh nghiệp trụ lại, và với số ít tồn tại này, lợi nhuận đạt được sẽ bắt đầu có chiều hướng ổn định và tăng trưởng đều đặn hơn, vị này khẳng định.

Ban lãnh đạo cũng cho biết thêm, quan sát trên thị trường 2 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã xác định chiến lược giống với TAG, đó là chấp nhận một mức rủi ro để có được nền tảng cho việc tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong tương lai. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp co mình lại, không mở rộng, chọn chiến lược an toàn nên đang bị mất dần thị phần. Cụ thể, riêng thị trường miền Bắc từ đầu năm 2013 đã có 4 doanh nghiệp phải rời cuộc chơi.

Ông Kiên chia sẻ thêm rằng cổ đông nên xác định có thể trong giai đoạn 2014 – 2015 lợi nhuận của TAG sẽ không được tốt nhưng vẫn đặt mục tiêu chiếm giữ lượng thị phần nhất định.

Năm 2013 được đánh giá là năm “trũng” nhất của thị trường điện máy nội địa khi sức mua trên thị trường sụt giảm. Theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, sức mua thị trường điện máy năm 2013 sụt giảm khoảng 10% so với năm 2012. Ngược với cầu, tổng cung lại tăng gấp đôi khi các doanh nghiệp có tiềm lực tăng cường mở rộng hệ thống khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Ngoài ra, Ban lãnh đạo CTCP Thế giới số Trần Anh (HNX: TAG) cho biết thêm, lượng siêu thị của các đơn vị điện máy lớn tại Hà Nội đã tăng gấp đôi trong khi sức mua giảm sút khiến cho ngành bán lẻ điện máy cạnh tranh khốc liệt. Trong bối cảnh đó, các siêu thị mới mở của Trần Anh doanh thu thực tế chưa đạt được như kỳ vọng khiến kết quả kinh doanh cả năm của công ty không đạt bằng kế hoạch đề ra.

Tham vọng “tiến về tỉnh lẻ”

Tập trung mở rộng quy mô siêu thị để chiếm lĩnh thị phần, TAG xác định “lùi một bước để tiến hai bước”, chấp nhận thua lỗ trong hiện tại để tìm kiếm cơ hội trong tương lai nhằm mở rộng hệ thống. Trong năm 2013, TAG đã nâng tổng số siêu thị từ 4 lên 10 siêu thị tại địa bàn Hà Nội.

Ông Kiên –cho biết: “Sang năm 2014 Trần Anh có thể mở thêm khoảng 7 – 8 siêu thị ở miền Bắc và cũng bắt đầu lộ trình “xâm lấn” ra các tỉnh lẻ để mở rộng hoạt động kinh doanh”.

Trao đổi với báo chí, ông Kiên còn cho biết với kịch bản xấu nhất, TAG có thể chịu lỗ tối thiểu 3 năm. Theo ông vốn chủ sở hữu cuối năm của TAG đạt hơn 245 tỷ đồng, cộng với khoản đầu tư mới 64 tỷ đồng của Nojima thì Trần Anh có tổng cộng 300 tỷ, đủ cho những kế hoạch của mình.

Ngoài ra, khi thị trường bất động sản chùng xuống như hiện nay, việc mở siêu thị không tốn nhiều như trước, tối đa chỉ khoảng 10 tỷ đồng cho một địa điểm. Đó là khi phải cải tạo nhiều, còn nếu ở dạng tòa nhà đã xây dựng sẵn thì chỉ mất dưới 5 tỷ. Như vậy, nếu mở đến chục siêu thị thì cũng chưa đến 100 tỷ đồng, điều này nằm trong khả năng của công ty.

Trả lời trước thắc mắc của cổ đông về kết quả lưu chuyển dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh năm 2013 âm hơn 114 tỷ đồng và chi phí bán hàng có xu hướng tăng mạnh qua những năm nay, ông Kiên cũng cho biết giai đoạn cuối năm 2013 TAG đầu tư mở rộng 4 siêu thị lớn, cùng với việc nắm bắt nhu cầu mạnh mẽ điện máy thời điểm này, công ty đã trữ lượng lớn một lượng hàng lớn các hãng điện máy.

“Nhà đầu tư có thể thấy hàng tồn kho cuối năm tăng lên gần gấp đôi, đạt 248 tỷ đồng so với con số đầu năm, dòng tiền hoạt động của Trần Anh phần lớn chảy vào đây cùng với do nhiều siêu thị mới bước vào hoạt động, do tốc độ tăng trưởng chi phí cao hơn doanh thu nên lợi nhuận của công ty có phần sụt giảm. Trong 6 tháng đầu năm, chi phí trên doanh thu của doanh nghiệp đã có xu hướng giảm xuống trong khi hoạt động của một số siêu thị đã có nhiều cải thiện ” – Ban lãnh đạo giải trình.

Tuy nhiên về mặt chủ quan, do việc mở rộng hệ thống, các siêu thị mới mỏ cần có thời gian làm quen với thị trường và khách hàng, đồng thời chi phí thuê mặt bằng, quầy kệ, trang trí và chi phí quản lý tăng nên kết quả kinh doanh năm 2013 không đạt kế hoạch đề ra. Về doanh thu đạt 1,894 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ bằng 0.42% so với năm 2012 và đạt 1.32 tỷ đồng.

Hợp tác với nhà đầu tư chiến lược Nojima Corporation

TAG cũng chuẩn bị những kế hoạch “dài hơi” hơn khi trong năm 2013, công ty đã ký kết hợp tác với tập đoàn bán lẻ điện máy hàng đầu Nhật Bản – Nojima Corporation. Ban lãnh đạo TAG cho biết, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nojima để mở rộng hệ thống, với kinh nghiệm trong nhiều năm bán lẻ tại thị trường khó tính nhất thế giới, Nojima sẽ giúp Trần Anh phát triển dịch vụ khách hàng, mang đến những chính sách dịch vụ tối ưu cho khách hàng khi mua sắm tại Trần Anh.

Được biết, Tập đoàn Nojima, thành lập năm 1959, có trụ sở chính tại Yokohama, là một trong những tập đoàn bán lẻ điện máy lớn và lâu đời của Nhật bản. Với doanh thu năm 2012 khoảng 2 tỷ USD, Nojima đang sở hữu chuỗi siêu thị điện máy với 177 siêu thị tại Tokyo, Yokohama và rất nhiều thành phố tại Nhật bản.

Hiện tại, Nojima cũng sẽ cử chuyên gia là ông Hajime Nukumori sang làm việc tại TAG với chức danh thành viên HĐQT. Ông Hajime Nukumori là thành viên HĐQT kiêm Trưởng phòng kinh doanh, kiêm thành viên phòng dự án nước ngoài, kiêm Giám đốc dự án Nojima Campuchia tại Nojima Corporation.

Khi được nhiều ý kiến của cổ đông hỏi liệu TAG có kế hoạch tìm thêm nhà đầu tư chiến lược trong thời gian tới và nhận định của ban lãnh đạo về thị trường bán lẻ sắp tới. Ông Kiên cho biết mặc dù thời gian gần đây có rất nhiều tổ chức mong muốn mua cổ phần hợp tác lâu dài với TAG nhưng ông khẳng định trong 3-5 năm tới TAG chưa có kế hoạch tìm kiếm. Đề cập về hai nhà đầu tư lớn hiện tại, ông Kiên cho rằng đã đủ nguồn lực để doanh nghiệp phát triển trong tương lai.

Gia Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐHĐCĐ TAG: "Lợi nhuận giai đoạn 2014 – 2015 sẽ không tốt"