Ngày 30/6, tại Hội trường A1002, Trường Đại học Luật TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức – Những điểm mới và định hướng áp dụng”.
PGS TS Trần Hoàng Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo vinh dự được đón tiếp các quý vị đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia, những nhà quản lý đến Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Hội luật gia TPHCM, UBND huyện Nhà Bè và một số bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, hội thảo còn có sự hiện diện của đông đảo các nhà nghiên cứu, các giảng viên của các cơ sở đào tạo Luật, các trường đại học ở TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Ngân hàng TPHCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Hồng Bàng, Đại học Cần Thơ, Đại học Bình Dương, Đại học Thủ Dầu Một, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng
Phát biểu khai mạc, PGS TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường gửi lời chào trân trọng và lời cảm ơn sâu sắc đến các quý vị đại biểu, các vị khách quý. PGS TS Trần Hoàng Hải định hướng nội dung, tại Hội thảo này, không chỉ giới thiệu, làm rõ những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 mà quan trọng hơn là dành thời gian để các đại biểu trao đổi, cho ý kiến về những vấn đề cần được quy định chi tiết trong quá trình hướng dẫn thi hành Luật, dự báo những vướng mắc có thể sẽ bắt gặp trong quá trình hướng dẫn cũng như áp dụng Luật sau khi có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Đó là các vấn đề như tính hợp lý và sự cần thiết thu hẹp phạm vi công chức, vì sao không coi những người lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập là công chức; làm sao để việc tuyển dụng công chức công khai, minh bạch, công bằng hơn, hạn chế tiêu cực, thực sự thu hút được người tài, chính sách trọng dụng người tài năng cần được cụ thể hóa như thế nào. Làm sao để đánh giá công chức, viên chức một cách khách quan, công bằng, hạn chế cào bằng; những vấn đề đặt ra đối với việc bỏ hợp đồng làm việc không thời hạn của viên chức; các biện pháp bảo đảm việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thực sự nghiêm minh, đúng pháp luật; vì sao cần kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; cơ sở lý luận và pháp lý cũng như vướng mắc có thể phát sinh khi xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác; vấn đề bảo đảm sự tương thích giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo pháp luật; vấn đề giải quyết tranh chấp về hợp đồng làm việc của viên chức; vấn đề áp dụng một số quy định của pháp luật lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức…
Ông Phan Trung Hiền trình bày tham luận tại hội thảo
“Từ sự phân tích, luận giải của quý vị đại biểu, các anh chị và các bạn, chúng tôi mong rằng, Hội thảo sẽ đề xuất được những kiến nghị hữu ích gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức trong thời gian tới”- PGS TS Trần Hoàng Hải nhấn mạnh.
Hội thảo chia làm hai phiên. Phiên thứ nhất được điều hành bởi PGS TS Trần Hoàng Hải, PGS TS Nguyễn Cảnh Hợp, TS Nguyễn Đức Chính và TS Thái Thị Tuyết Dung. PGS TS Nguyễn Cảnh Hợp đã giới thiệu tổng quan về Pháp luật CBCC và sự ra đời của Luật sửa đổi, bổ sung của Luật CBCC và Luật VC năm 2019. Tiếp nối, PGS TS Phan Trung Hiền trình bày tham luận “Hoàn thiện khái niệm công chức trong pháp luật Việt Nam”. Bài viết tập trung vào phân tích khái niệm công chức, việc mở rộng hay thu hẹp phạm vi công chức là chưa thuyết phục và chưa có cơ sở rõ ràng, khoa học. Cần có một khái niệm công chức mang tính khoa học đủ xác định được nội hàm của khái niệm công chức. Tiếp theo, Ths Nguyễn Thị Thiện Trí trình bày về những nhiệm vụ và thách thức của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay dưới góc độ lý luận và thực tiễn.
Các chuyên gia góp ý trao đổi sôi nổi tại hội thảo
Sau phần tham luận, hội thảo nhận được một số ý kiến thảo luận của Ths Phan Thị Bình Thuận cho rằng, là ĐBQH, việc thông qua Luật CB, CC và Luật Viên chức sửa đổi còn nhiều băn khoăn. Riêng về vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc, Ths Thuận cho rằng, khi xử lý thì những hoạt động công vụ đã được thực hiện phải xử lý như thế nào, đây là điều khoản mang tính ngoại lệ, có tính chính trị nhất định, đặc biệt cần thiết cho bối cảnh phòng chống tham nhũng quyết liệt hiện nay, nhằm phòng ngừa, răn đe.
Tiếp theo, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng - Trưởng Phòng Nội Vụ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước phát biểu cho rằng, Luật CBCC là luật có nhiều nội dung phức tạp, do đó trên thực tiễn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp thu và áp dụng. Việc luật hóa các văn bản của Đảng, chuyển từ kỷ luật Đảng sang kỷ luật Nhà nước nhằm tránh khó khăn, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tránh khập khiễng.
Bà Phan Thị Bình Thuận - Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM phát biểu tại hội thảo
Phiên thứ 2 dưới sự chủ tọa của PGS TS. Nguyễn Cảnh Hợp, PGS TS Phan Nhật Thanh, Ths Phan Thị Bình Thuận, Ths Trần Thị Thu Hà, hội thảo tập trung vào ba tham luận sau: “Nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức” của TS Thái Thị Tuyết Dung. Bài tham luận của TS Dung cho rằng, nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với CBCCVC hiện có nhiều quy định chưa hợp lý như chưa có nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, nguyên tắc tổng hợp hình thức kỷ luật chưa khách quan và công bằng giữa người giữ chức vụ và không có chức vụ.
Với điểm mới “xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu”, TS Cao Vũ Minh đã nêu quan điểm, chế tài này là cần thiết nhưng sẽ khó khăn trong quá trình triển khai, thi hành vì gắn với nhiều hệ quả phát sinh sau đó. Bên cạnh đó, việc áp dụng hiệu lực hồi tố với việc truy cứu trách nhiệm này là không phù hợp với nguyên tắc hiệu lực pháp luật.
Để xem xét và đánh giá sự đồng bộ giữa kỷ luật Đảng và kỷ luật nhà nước, Ths Trần Thị Thu Hà có những ý kiến khoa học về sự đồng bộ giữa các quy định về kỷ luật Đảng và quy định về kỷ luật nhà nước là cần thiết khi ở nước ta, đa số cán bộ, công chức, viên chức là Đảng viên. Đảm bảo sự tương thích giữa quy định của Đảng và Nhà nước về vấn đề này nhằm đảm bảo tính hợp lý, hài hòa của cả hai quy trình kỷ luật, là sự “song kiếm hợp bích” nhằm đảm bảo sự thống nhất về sức mạnh của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng cam go, phức tạp hiện nay.
Sau các tham luận, một số đại biểu như Ths Nguyễn Thị Hồng Vân (Đại học KHXHNV); TS Đặng Thị Thu Huyền; Ths Nguyễn Thị Đào - Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương cũng đã đóng góp ý kiến về các vấn đề đã nêu trong hội thảo.
Kết thúc Hội thảo, PGS TS Nguyễn Cảnh Hợp tổng kết những nội dung chủ đạo từ các tham luận của Hội thảo và chân thành cảm ơn quý vị đại biểu, các vị khách quý đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích và thảo luận sôi nổi, góp phần thành công cho Hội thảo. Những kết luận từ Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và gửi đến các cơ quan hữu quan.