Đến với chùa Bổ Đà

Hạ Nhiên| 13/09/2022 21:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khu di tích chùa Bổ Đà (có tên gọi khác: di tích Ao Miếu và chùa Bổ Đà, chùa Bổ, chùa Ông Bổ), thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tương truyền Chùa có từ thời Lý (thế kỷ XI), là nơi thờ Tam giáo đồng nguyên gồm Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, phối thờ tượng Thạch Linh Thần Tướng và Trúc Lâm Tam Tổ.

Chùa Bổ Đà là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Qua nhiều thế kỷ, chùa Bổ Đà đã được trùng tu nhiều lần, song cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc cổ từ tường đất, vườn tháp đến kiến trúc gỗ truyền thống mang phong cách nghệ thuật đan xen của các thời đại nối tiếp nhau trải dài từ thế kỷ XVIII đến nay.

1(3).jpg

Hình ảnh tại chùa Bổ Đà

Câu thành ngữ “Bắc Bổ Đà - Nam Hương Tích” lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế kỷ cho thấy nơi đây là một trong hai đạo tràng Quán Thế Âm lớn ở miền Bắc nước ta. Nếu như chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là trung tâm lớn nhất, chốn Tổ quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì chùa Bổ Đà là trung tâm Phật giáo lớn thứ 2 trên tỉnh Bắc Giang, cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Thiền phái này. Căn cứ vào dấu vết vật chất và thư tịch cổ còn lại ở khu di tích chùa Bổ Đà cho biết đây là công trình tôn giáo được xây dựng và phát triển mạnh vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đầu thế kỷ XVIII, niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729), trụ trì chùa Bổ Đà là Phạm Kim Hưng đã tiến hành trùng tu, mở mang khu di tích và phát triển nơi đây trở thành một Trung tâm Phật giáo lớn theo Thiền phái Lâm Tế.

Theo một số nhà nghiên cứu, dòng Thiền Lâm Tế truyền vào nước ta từ cuối thế kỷ XVII, gắn liền với tên tuổi Thiền sư Chuyết Công (Chuyết Chuyết), người Trung Hoa. Chùa Bổ Đà chịu ảnh hưởng của Thiền Lâm Tế từ chùa Hà Trung (Huế), chùa Phật Tích và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) trên cơ sở Phật giáo Thiền tông được duy trì từ trước đó.

3(1).jpg

Chùa Bổ Đà là nơi kế truyền các vị Tổ sư khai trường thuyết pháp, đào luyện tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế, san khắc kinh Phật (mà minh chứng là 1935 bộ mộc bản còn được lưu giữ đến ngày nay). Hằng năm, vào mùa kiết hạ an cư có các vị tăng ni trong vùng về đây tham thiền học đạo rất đông. Theo lý giải của các bậc cao tăng trong chùa thì kiết hạ an cư có từ thủa Đức Phật Tổ còn tại thế, chúng tăng phải tụ tập một nơi (thời gian 3 tháng) vào mùa mưa để tu tập, thiền định... Theo lịch, đó là thời gian từ ngày 16 tháng Sáu đến 15 tháng Chín Âm lịch, ngày nay các nước thuộc Phật giáo Nam tông (Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia) vẫn tôn trọng truyền thống này. Nhưng khi truyền sang Trung Hoa lại là ngày 16 tháng Tư (sau Lễ Phật đản) đến 15 tháng Bảy Âm lịch (ngày Lễ Vu lan), đây là truyền thống của Phật giáo Bắc tông (Trung Hoa, Nhật Bản, Triểu Tiên, Việt Nam). Đến ngày cuối cùng của mùa an cư kiết hạ, chư tăng họp lại, kiểm điểm thành quả, làm lễ sám hối, tuyên bố hoàn mãn được gọi chung là ngày Tự Tứ (áp dụng chung cả hai dòng Phật giáo Bắc tông và Nam tông). Ngày nay, dù có những thay đổi nhưng tại chùa Bổ Đà, các tăng ni vẫn duy trì được truyền thống kiết hạ an cư. Bên cạnh đó, hệ thống vườn tháp tại chùa (có cả tro cốt, xá lị tăng, ni - một đặc trưng của dòng Thiền Lâm Tế, hiếm thấy ở các dòng thiền khác), mỗi tháp đều có bia ghi bài vị, ngày sinh, hóa… của các vị, là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về lịch sử chùa Bổ, Thiền Lâm Tế.

4(1).jpg

Khu di tích chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc ‘‘nội thông ngoại bế”, được bao bọc bởi hệ thống rặng tre xanh tốt, hệ thống tường trình đất như một chiến lũy bảo vệ vững chắc, tạo vẻ u tịch, linh thiêng… Các mảng chạm khắc tinh xảo tại các hạng mục kiến trúc của di tích với nhiều đề tài phong phú như: hoa văn vân mây, vân xoắn, hoa cúc, hình lá lật, linh thú, đề tài tứ linh, tứ quý… như một bảo tàng kiến trúc mang phong cách nghệ thuật đan xen giữa thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Khu di tích chùa Bổ Đà tọa lạc trên núi Bổ Đà Sơn thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là một vùng sơn thủy hữu tình, có tổng diện tích 275.009.6m2, khu vực bảo vệ I là: 53.808.5m2, khu vực bảo vệ II: 221.201.1m2, được chia thành 5 đơn nguyên kiến trúc chính, bao gồm: chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp và Ao Miếu.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang từng cho rằng, di sản này (chùa Bổ Đà) không chỉ là báu vật của đất nước mà còn tài sản văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc ở khu vực Châu Á và trên Thế giới. Tiêu biểu có các bộ kinh: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy... Những ván kinh khổ lớn ở đây còn in, khắc các sớ, điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong nhà chùa hoặc để in cho các vị thiền sư. Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng triết lý sâu xa của đạo Phật nói chúng và dòng thiền Lâm Tế nói riêng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến với chùa Bổ Đà