Đền Sái - “Đền thiêng mãi rạng đất Xuân Lôi”

Kim Truyền| 06/07/2022 07:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Câu nói “ Đền thiêng mãi rạng đất Xuân Lôi” của Hoa đường tiến sĩ năm nào còn lưu lại là câu nói về đền Sái ở đất Xuân Lôi, đây là một tên xưa của thôn Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội ) ngày nay. Đền Sái tọa trên núi Vũ Dương tức núi Sái, một vùng đất địa linh nhân kiệt.

Nghe già làng kể chuyện

Núi Sái nằm ở phía đông bắc của thôn Thụy Lôi, giữa một cánh đồng bằng phẳng, rộng lớn không xa lắm là sông Cà Lồ - một dòng sông lấy nước từ Đầm Vạc và núi Tam Đảo, núi Thằn Lằn xuôi theo hướng tây bắc – đông nam làm thành ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Sóc Sơn và Đông Anh (Hà Nội) rồi đổ về sông Cầu ở ngã ba Xà thuộc địa phận huyện Yên Phong (Bắc Ninh).

“Ngày xưa núi Sái là rừng lim già bao phủ. Trong rừng có nhiều thú và chim quý, tương truyền có cả hổ. Tọa trên núi là Đền Sái thờ Huyền Thiên Trấn Vũ” – ông Lê Đình Thúy, người đã tham gia công tác trông nom đền Sái lâu năm cho biết.

1.jpg

Đền Sái tọa trên núi Vũ Dương tức núi Sái thờ Huyền Thiên Trấn Vũ

Hơn 50 năm trước, ông lão với khuôn mặt phúc hậu, mái tóc bạc trắng cùng nụ cười hiền hòa đang ngồi trước mắt tôi đây cũng chỉ là một chàng thanh niên tên Thúy với tuổi đời ngoài đôi mươi. Nhâm nhi ly trà vừa pha, đôi mắt dõi nhìn xa xăm, ông như hoài niệm về một thời đã qua với câu ca dao:“Hỡi cô mặc yếm thắm xanh/ Có về làng Nhội với anh thì về/ Làng Nhội có gốc cây đề/ Có ao tắm mát có nghề cửi canh.”

Thế ông cho con hỏi, khi ông tán tỉnh bà nhà mình cũng bằng câu ca dao đó à? - một cách tự nhiên, tôi hỏi ông. Như lảng tránh câu hỏi của tôi, ông cười tươi và giải thích: “Thụy Lôi còn có tên nôm là Làng Nhội, Kẻ Nhội và các tên nữa Ma Lôi, Xuân Lôi. Làng Nhội xưa là một thôn lớn kéo dài từ bến sông Cà Lồ đến sát cánh đồng thôn Vân Điềm.”

2.jpg

Ông Lê Đình Thúy bên trong nhà Tiền Đường

Hàng năm, cứ vào ngày 11 tháng Giêng, ở đây có hội lễ chọn người đóng và rước vua Thục Phán. “Ngôi lần xã lượt”, mỗi năm thì làng sẽ cách lượt chọn ra người ở mỗi nhà để đóng làm vua, làm chúa và 4 vị quan. Những nhà có người được chọn phải làm cỗ khao, phải thịt cả lợn cả trâu và mời khắp mọi người trong họ, trong thôn, người thân quen… lên đến cả vài trăm mâm cỗ”.

Ui to thế ông! Thế thì ai được chọn làm vua, chúa, quan mà khao cỗ như vậy chắc bán nhà mất? Không, không, ai được mời đến dự cỗ cũng đóng góp với gia chủ mà. Thường thì chỉ lỗ ít hoặc hòa, có nhà còn dôi ra ý. Năm 2016, tôi được chọn làm chúa, nhà tổ chức gần 300 mâm cỗ, vui lắm. Mấy năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lễ hội làng không có khách thập phương, còn mọi năm thì đông kín du khách đến tham dự”.

Uống nước giếng Cô Tiên

Tương truyền, trên địa hình bằng phẳng làng Xuân Lôi xưa có bảy ngọn núi hình rùa rắn quấn lấy nhau nên gọi là “ Thất Diệu Sơn”. Núi Sái là ngọn núi cao nhất tục gọi là “Rùa mẹ”. Trên núi Sái có giếng tiên gọi là “Tiên tỉnh”, có ao tiên gọi là “Tiên trì”, có dấu móng ngựa gọi là “Mã đề tiên tích”. Cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp do trời đất bày sẵn.

3.jpg

Giếng Cô Tiên trên đỉnh núi Sái

Tìm về đền Sái với câu nói “ Đền thiêng mãi rạng đất Xuân Lôi” của Hoa đường tiến sĩ năm nào, tôi cảm nhận được một không gian đầy cổ kính giữa Hà thành đô hội. Trút bỏ những xô bồ của cuộc sống, một làng quê yên bình với cánh đồng rộng mênh mông nằm bên dòng sông Cà Lồ hiện lên, đó là làng Thụy Lôi ngày nay.

Đền Sái tọa trên núi Vũ Dương tức núi Sái thờ Huyền Thiên Trấn Vũ để tưởng nhớ công tích của thần Kim Quy trợ giúp vua Thục diệt trừ Bạch Kê Tinh (con gà trống trắng sống hơn 100 năm thành tinh) thì thành Cổ Loa mới xây xong.

Đây vốn là một vùng đất địa linh nhân kiệt, nằm trong vùng văn hóa Đông Ngàn xưa với “Một giỏ ông đồ, một bồ ông cống, một đống ông nghè, một bè tiến sĩ, một bị trạng nguyên, một thuyền bảng nhãn. Đông Ngàn xưa là một mảnh đất văn hiến, văn vật của vùng văn hóa Kinh Bắc. Nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong đó có truyền thống hiếu học.

4.jpg

Nước giếng Cô Tiên với mạch nước ngầm đưa về giếng không bao giờ cạn

Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử với biết bao cuộc biến đổi, nhiều phen dâu bể, thiên tai, giặc giã và nhiều lần trùng tu, đền Sái hôm nay vẫn uy nghi giữa sắc xanh của cây lá, dưới sắc biếc của nền trời. Người dân quanh vùng gọi đền Sái là một đền thiêng, còn nhà nước ta thì ghi nhận đền Sái là một di tích lịch sử gắn liền với Cổ Loa, Thăng Long – Hà Nội, một di tích lịch sử hiếm hoi còn lại được từ buổi đầu dựng nước.

Đền Sái sừng sững trên núi cao, có giếng trong vắt trên đỉnh núi, mà dân gian gọi là giếng Cô Tiên với mạch nước ngầm đưa về giếng không bao giờ cạn. Dân viếng đền xong, đến đây, uống nước thần tiên, hy vọng mọi điều tốt lành sẽ tới.

“Mấy năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lễ hội làng không có khách thập phương, còn mọi năm thì đông kín du khách đến tham dự” - Hơn 50 năm trước, ông lão với khuôn mặt phúc hậu, mái tóc bạc trắng cùng nụ cười hiền hòa đang ngồi trước mắt tôi đây cũng chỉ là một chàng thanh niên tên Thúy với tuổi đời ngoài đôi mươi cười nói. Nụ cười ấy của ông, của người đã tham gia công tác trông nom đền Sái hơn 20 năm làm tôi thấy ấm lòng. Dịch giã sẽ qua đi và một ngày tôi sẽ trở lại để được nghe ông kể chuyện trên núi Sái và được uống nước ở giếng Cô Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Sái - “Đền thiêng mãi rạng đất Xuân Lôi”