Sự việc đang gây xôn xao dư luận khi bà Dương Thị Du – thủ quỹ Đền Rừng ra công an trình báo bị lừa hơn 5 tỷ đồng. Điều đáng nói, số tiền này là của cụm di tích Gia Thượng do nhân dân địa phương và khách thập phương công đức nhiều năm nay.
Xác nhận với phóng viên, anh Đỗ Hưng – Phó trưởng Công an phường Ngọc Thuỵ cho biết: Phường đã nhận được trình báo của bà Dương Thị Du về việc bị mất số tiền này nhưng đó có phải là tiền công đức của Đền Rừng hay không thì hiện chúng tôi đang phối hợp với Công an Quận Long Biên để điều tra, xác minh.
Để tìm hiểu về sự việc hi hữu này, chúng tôi đã đến Đền Rừng để gặp Ban quản lý Đền.
Ông Lê Đình Hải, sinh năm 1957, là Tổ trưởng tổ dân phố 20 kiêm Trưởng tiểu Ban quản lý cụm di tích Đình – Đền – Chùa Gia Thượng (trong đó có Đền Rừng) xác nhận với phóng viên việc mất 5.466.000.000 đồng tiền công đức.
Sự việc cũng đã được ông Lê Đình Hải làm đơn trình báo gửi đến Công an phường Ngọc Thụy. Trong đơn ông viết: Ngày 4/11 sau khi giao ban đoàn thể tổ dân phố 20, bà Du báo cáo là bà đã rút tiền tiết kiệm của BQL gửi vào tài khoản của cá nhân. Sau đó tôi đã gọi cho công an khu vực để được giúp đỡ. Ngày 7/11 bà Du thông báo đã bị lừa mất hết tiền trong tài khoản nên tôi yêu cầu bà Du đến Công an phường trình báo. Ngày 10//1 tôi tổ chức cuộc họp bất thường mời các đồng chí là bí thư, phó bí thư chi bộ, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố 17, 18, 19, 20 và các ông bà trong tiểu BQL di tích Gia Thượng và yêu cầu bà Du thủ quỹ báo cáo việc làm mất tiền của tiểu BQL. Bà Du nói rằng mình bị lừa”.
Cuộc họp cũng xác định, tổng số tiền bà Du cầm của BQL là 5.839.535.000. Hiện tại, bà Du đã bàn giao lại một cuốn sổ tiết kiệm 80 triệu, một trái phiếu trị giá 150 triệu và tiền mặt 143.535.000 đồng cho BQL. Như vậy, số tiền mà Du đã lấy của BQL là 5.466.000.000 đồng (trong đó có khoảng 500 triệu tiền công đức của Đình, còn lại là của Đền Rừng). Hiện thủ quỹ mới đã được bầu thay thế bà Du là bà Bùi Thị Thanh Hà. Sau sự việc này, BQL cũng đã “rút kinh nghiệm” khi gửi ngân hàng sẽ đứng tên đồng sở hữu là thủ quỹ Bùi Thị Thanh Hà và kế toán Nguyễn Thị Bích.
“Hiện nay vẫn chưa biết có đúng bà Du bị mất hơn 5 tỷ đồng là do bị lừa đảo hay không nhưng tiền của Đền bị mất là sự thật. Vì thế, bà Du sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số tiền trên cho Đền”, ông Hải cho biết.
Điều đáng nói, tiểu Ban quản lý cụm di tích Đình – Đền – Chùa Gia Thượng có trưởng tiểu ban quản lý, có quản lý Đền, kế toán, thủ quỹ quản lý việc thu chi của Đền nhưng khi mang một số tiền lớn như vậy gửi ngân hàng thì lại chỉ một mình bà Dương Thị Du đứng tên tất cả các sổ tiết kiệm.
Sau sự việc này, ông Lê Đình Hải thừa nhận đây là thiếu sót của tiểu BQL cụm di tích Gia Thượng cũng như của BQL Đền Rừng. Còn bà Lê Thị Hạnh – Quản lý Đền Rừng thì giải thích rằng “chúng tôi toàn là nông dân làm ruộng, được tập thể bầu thì chúng tôi ra Đền phụ trách, chứ có được học hành gì đâu mà biết là gửi ngân hàng phải đồng sở hữu?”.
Khi được hỏi về phản ứng của người dân Gia Thượng sau khi xảy ra vụ mất tiền công đức thì ông Lê Đình Hải nói rằng “chưa nghe thấy phản ứng của dân như thế nào”.
Dù khẳng định “chưa nghe thấy phản ứng của dân như thế nào” nhưng khi chúng tôi đến tìm hiểu thì ghi nhận được rất nhiều sự bức xúc của người dân khi để mất một số tiền lớn và cách quản lý lỏng lẻo của tiểu BQL cụm di tích cũng như của BQL Đền Rừng.
Không đồng tình với cách quản lý tiền công đức dẫn đến bị mất quá dễ dàng, ngày 18/11 bà Lê Thị Bạch Liên, 82 tuổi (thường trú tại Tổ 17 Gia Thượng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội) đã đại diện người dân làm đơn gửi lên Công an phường Ngọc Thuỵ và Công an Quận Long Biên đề nghị điều tra làm rõ, tại sao tiền công đức của Đền lại được một cá nhân đứng tên và rút ra dễ dàng như vậy mà BQL không hề hay biết cho đến khi chính bà Du trình báo?
Trong đơn bà Liên viết: “Chúng tôi là những con dân của Gia Thượng, tôn kính và tin tưởng vào đạo Mẫu. Từ trước đến nay luôn đặt niềm tin và sự tôn trọng với những người làm công tác tại Đền. Nhưng qua sự việc lần này, chúng tôi cũng không khỏi thắc mắc, tại sao cán bộ quản lý lại dùng tiền công đức của nhân dân để làm thành các sổ tiết kiệm mang tên cá nhân? Số tiền lãi sổ tiết kiệm hàng tháng có được họ dùng vào việc của Đền hay không?... Rất nhiều câu hỏi bức xúc được đặt ra. Số tiền công đức không hề nhỏ của bách gia trăm họ với mục đích để xây dựng, tôn tạo và kiến thiết Đền nhưng nay đã mất hết. Tôi và những người dân biết chuyện không khỏi bức xúc và phiền lòng. Việc này ông Hải và bà Du là những người trực tiếp quản lý tài chính, thu chi tại Đền phải có trách nhiệm với số tiền đã mất, phải tìm cách hoàn trả tiền lại cho Đền”.
Là một đồng cựu từng có nhiều đóng góp cho Đền Rừng từ khi Đền còn đơn sơ, ít người biết cho đến khi Đền đã trở nên khang trang hơn, bà Trần Đức Thịnh vẫn phát tâm công đức. Vì thế, để xảy ra câu chuyện hiện nay, bà không khỏi bức xúc. “Qua chuyện này chúng tôi đề nghị bầu lại BQL mới, đưa những người có nhiều công lao sửa sang, đóng góp cho Đền khang trang hơn để tạo niềm tin cho người dân. Như hiện nay, BQL làm từ năm 2004, gần 20 năm rồi, lại để xảy ra sự cố hi hữu như vậy liệu dân có còn tin được không? Ngoài ra, cũng cần cải tổ lại cách thức quản lý Đền, quản lý tiền công đức của Đền Rừng, chứ để như hiện nay là rất lỏng lẻo, sơ hở và không đúng với quy trình quản lý, giám sát. Đây là tiền của dân đóng góp, nếu không có cách thức quản lý minh bạch và giám sát chéo thì người dân làm sao tham gia đóng góp cũng như tin tưởng tiền mình công quả được sử dụng đúng mục đích? Đền Rừng là di tích lịch sử văn hoá tâm linh lâu đời, không chỉ của làng Gia Thượng mà cao hơn là của thành phố, của cả nước nói chung thì cách thức quản lý phải là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo chứ không thể ai muốn làm cũng được”, bà Trần Đức Thịnh nói.
Chưa hết, người dân còn phản ánh một chuyện diễn ra cách đây không lâu là người nhà của một thành viên BQL Đền Rừng lấy tiền công đức, tiền giọt dầu. Sự việc đã được BQL lập biên bản; cho bán hàng, làm đồ mã ngay trong khuôn viên của Đền. Trong khi đó phòng thay đồ cho các ông đồng bà đồng thì không có. Thay vì cho kinh doanh trong Đền thì nên dành cho việc chung, như làm phòng tiếp khách trong những dịp Đền tổ chức lễ hội chẳng hạn.
Đền Rừng có tuổi đời hơn 160 năm, lại tọa lạc trên địa thế đẹp với mặt hướng ra sông Hồng đỏ nặng phù sa. Theo các bút tích ghi lại, Đền được xây dựng từ những năm giữa thế kỉ XIX. Ngôi đền được xây dựng trên chính quê hương của Thái Úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt, vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Bên bờ sông Hồng này được coi là có vị thế đặc biệt, không phải cửa sông sầm uất, không phải đoạn sông trên bến dưới thuyền, mà là khúc sông Hồng thoáng đãng, bình lặng, không khí mát mẻ. Vì thế mà nơi đây quy tụ nhiều di tích như Đền Rừng, Đền Đức Ông, Đền Mẫu Thoải, Đền Núi, tạo thành một quần thể tâm linh vô cùng nổi tiếng với du khách trong vùng và thập phương.