Chắc phải cần thêm rất nhiều thời gian thì thị trường người mẫu ở ta mới thật sự chạm đến hai chữ "chuyên nghiệp", điều quan trọng nhất là mọi hoạt động phải đúng luật và đúng với quy định của các cơ quan quản lý.
Việc quản lí chặt các cuộc thi trá hình như thế, tìm đúng đường đi cho những ai muốn trở thành người mẫu, diễn viên hay một người có vị trí trong làng giải trí vẫn đang làm đau đầu những nhà quản lí và những người làm nghề chân chính.
Vẫn còn khá bức xúc trước vụ việc một công ty tổ chức các cuộc thi sắc đẹp "chui" đang bị điều tra, “bà trùm chân dài miền Bắc” Hạ Vy cho biết: “Vy làm quản lý mẫu đã quá nhiều năm và việc gặp phải những câu chuyện trao đổi tình tiền đối với Vy không còn quá xa lạ nhưng quan điểm công việc của Vy là rõ ràng và ngay thẳng! Cần sớm dẹp loạn bằng việc quản lý chặt những cuộc thi trá hình để rồi dùng chiêu trò PR rẻ tiền và nâng giá đi khách”.
Trả lời báo chí, đại diện của Cục NTBD cho biết, công ty người mẫu mà “tú bà” đứng đầu một đường dây mại dâm hàng nghìn USD vừa bị cơ quan công an điều tra, từng đăng quang chưa xin giấy phép tổ chức cuộc thi, nghĩa là tổ chức thi chui.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Tổng Giám đốc Elite Việt Nam tại buổi họp báo công bố đại diện Việt Nam tham dự Miss World 2017
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Elite Việt Nam, đơn vị nắm bản quyền nhiều cuộc thi hoa hậu, người mẫu thế giới cho biết: “Khi đã là một công ty quản lý người mẫu thì thường sẽ chỉ giới hạn trong các hoạt động liên quan đến người mẫu như: đào tạo, quản lý, cung cấp người mẫu. Các hoạt động khác như tổ chức cuộc thi người mẫu sẽ do công ty khác nằm trong hệ thống của công ty tổ chức”.
Bà Nga dẫn chứng: “Ví dụ cuộc thi tìm kiếm người mẫu nổi tiếng nhất thế giới là Elite Model Look sẽ do 1 công ty nằm trong hệ thống của Elite tổ chức. Sau đó, người thắng cuộc hay những thí sinh bước ra từ cuộc thi sẽ do công ty Elite Model Management (quản lý và đào tạo người mẫu) quản lý. Làm như vậy mới có thể rạch ròi trách nhiệm và công việc. Như ở Việt Nam, Elite Vietnam là công ty mẹ, quản lý hai công ty con là Elite Entertaiment và Elite Model Management. Elite Entertaiment chuyên nắm bản quyền các cuộc thi Hoa hậu, người mẫu, chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc thi hoa hậu người mẫu như Elite Model Look Vietnam 2014, Hoa khôi áo dài Vietnam 2015/ 2016”.
Xin trở lại với vấn đề thị trường người mẫu ở ta. Vì rõ ràng, điều mà những người làm trong ngành thời trang đều có nhận xét việc một công ty quản lý kiêm luôn việc tổ chức, sản xuất... là hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam, khiến người ta khó phân định rạch ròi công việc và trách nhiệm.
Có cùng nhận xét với bà Thúy Nga, chủ của BeU Model, công ty quản lí và đào tạo người mẫu hàng đầu ở Việt Nam, bà Quỳnh Trang, cũng là giám đốc của Multimedia JSC, nơi sản xuất các chương trình truyền hình thực tế về thời trang và người mẫu ăn khách nhất hiện nay cho biết: “Hiện nay thị trường người mẫu ở ta mặc dù rất tiềm năng nhưng còn đang rất mới mẻ, nên vẫn ngổn ngang nhiều thứ mà bản thân một người đã có nhiều năm lăn lộn trong nghề như tôi vẫn còn phải ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm và kiến thức từ thị trường thời trang quốc tế”.
Theo cả hai người đàn bà quyền lực nhất ở hai lĩnh vực thời trang và sắc đẹp này cho biết thì trên thế giới đã xuất hiện công ty quản lý người mẫu, và ngay kể cả những siêu mẫu đình đám như Naomi Campell, Claudia Shiffer hay Cindy Crowford cũng đều làm việc trong công ty quản lý người mẫu.
Bà Quỳnh Trang, Giám đốc BeU Model
Còn ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Trên thực tế, thị trường người mẫu Việt Nam thực sự mới hoạt động sôi động trong một vài năm trở lại đây khi các chương trình truyền hình thực tế chuyên về lĩnh vực thời trang và người mẫu hay các cuộc thi sắc đẹp như Người mẫu Việt Nam- Vietnam’s Next Top Model, Nhà thiết kế thời trang Việt Nam- Project Runway Vietnam, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam-Vietnam International Fashion Week, Gương mặt thương hiệu- The Face, Hoa khôi áo dài, hay mới đây là chương trình truyền hình thực tế Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam lần lượt ra đời thì nhu cầu sử dụng người mẫu, người đẹp mới thực sự tăng cao.
Tuy nhiên, các người mẫu ở Việt Nam lại hoạt động theo kiểu freelance, nghĩa là hoạt động tự do, không muốn đầu quân cho công ty quản lý theo đúng nghĩa chuyên nghiệp nào. “Nhưng ở một thị trường còn thiếu chuyên nghiệp như Việt Nam thì cũng khó để thay đổi vào thời điểm này. Điều quan trọng nhất là mọi hoạt động phải đúng luật và đúng với quy định của các cơ quan quản lý”-bà Thúy Nga cho biết.
“Điều này hoàn toàn trái ngược với cách thức hoạt động của các công ty người mẫu tại các thị trường quốc tế bởi tại đó, khái niệm ‘người mẫu tự do’ hầu như không tồn tại. Tất cả người mẫu nếu muốn nhận được những công việc tốt với những khách hàng tốt thì đều phải thông qua công ty quản lý, bởi họ sẽ là cầu nối giúp tiếp thị hình ảnh người mẫu đến với mạng lưới khách hàng khắp toàn cầu, đồng thời cũng là bên đứng ra đảm bảo trách nhiệm và mọi quyền lợi cho người mẫu trong quá trình làm việc với khách hàng”- bà Quỳnh Trang nhận xét.
“Bà trùm chân dài miền Bắc” Hạ Vy cũng cho biết, lâu nay số công ty quản lý và đào tạo người mẫu ở nước ta còn ít, nhất là thiếu công ty chuyên nghiệp như ở thị trường nước ngoài. Có chung nhận xét này, bà Thúy Nga còn cho rằng: “Nhưng ở một thị trường còn thiếu chuyên nghiệp như Việt Nam thì cũng khó để thay đổi vào thời điểm này. Điều quan trọng nhất là mọi hoạt động phải đúng luật và đúng với quy định của các cơ quan quản lý”.
Cách đây 1 năm, ông Henri Hubert, chuyên gia sáng tạo nổi tiếng người Pháp, người đã có hơn 14 năm hoạt động trong lĩnh vực thời trang và sắc đẹp ở Việt Nam đưa ra nhận xét rằng ngành quản lý người mẫu không thực sự tồn tại ở Việt Nam, và 80% người mẫu làm việc tự do, ngay cả khi họ ký hợp đồng với công ty quản lý. Hầu hết 90% khách hàng gọi điện trực tiếp cho người mẫu.
Theo bà Quỳnh Trang nguyên nhân của việc người mẫu Việt Nam thích làm việc tự do xuất phát từ chính lối suy nghĩ, tư duy trong bản thân mỗi một người mẫu. Họ vẫn còn mang tâm lý e ngại khi đặt bút ký với một công ty nào đó, mà chưa hình dung được hết những cái lợi mà họ sẽ được nếu có một công ty quản lý thật sự chuyên nghiệp. Còn về phía khách hàng, họ lại có thói quen gọi điện trực tiếp cho người mẫu vì suy nghĩ nếu làm việc qua công ty quản lý và đào tạo người mẫu thì chi phí sẽ cao hơn rất nhiều so với việc làm trực tiếp. Đây chính là tâm lý chung của người Việt Nam.
Bà Quỳnh Trang và dàn thí sinh Vienam's Next Top Model mùa All Star năm nay
“Không phải bạn có một chiều cao vượt trội, bạn có một khuôn mặt khả ái là đã có thể trở thành một người mẫu hay một người đẹp có danh hiệu, được nhiều người biết đến. Nếu như ai đã từng theo dõi Vietnam’s Next Top Model, hay các cuộc thi trên truyền sóng truyền hình hẳn sẽ biết được đằng sau một người mẫu là cả một ê-kip làm việc phối hợp nhịp nhàng với nhau và bản thân người mẫu họ phải học tập rất nhiều vấn đề từ cách đi đứng, giao tiếp, ứng xử...sao cho họ phải thật sự chuyên nghiệp. Vì thế, nếu chỉ có một mình thì các bạn sẽ gặp không ít những rắc rối mà một mình bạn khó có thể giải quyết được. Ở nước ngoài, tôi cá rằng không người mẫu quốc tế nào muốn mang danh là mẫu tự do, bất cứ người mẫu nào cũng ký hợp đồng với một công ty người mẫu vô cùng chuyên nghiệp”.
Bà Quỳnh Trang còn nhấn mạnh thêm: “Chừng nào ở Việt Nam còn chưa từ bỏ thói quen sử dụng người mẫu tự do, thì chừng đó thị trường người mẫu của chúng ta sẽ chưa thể phát triển và hoạt động chuyên nghiệp như các nước trên thế giới được”. Bà Trang còn dẫn lại câu chuyện cách đây vài năm khi BeU Model mời siêu mẫu Tyra Banks, người sáng lập nên phiên bản gốc của Vietnam’s Next Top Model sang Việt Nam dự đêm chung kết của Vietnam’s Next Top Model mùa đầu tiên, khi ấy bản thân bà và BeU Model phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà phía công ty của cô đưa ra để bảo vệ hình ảnh cô trước công chúng mới thấy sự chuyên nghiệp của mẫu quốc tế và công ty người mẫu quốc tế, mới hiểu vì sao ở quốc tế không có khái niệm người mẫu tự do.
"Bà trùm chân dài miền Bắc" Hạ Vy cho rằng cần phải quản lý chặt chẽ các cuộc thi trá hình, PR rẻ tiền
Về người mẫu tự do, bà trùm chân dài miền Bắc nói về những rủi ro mà họ sẽ gặp phải trong quá trình một mình tự lo từ a đến z như việc phải tự quản lý công việc của mình, nên thường xuyên vướng phải những chuyện như bị huỷ show không lý do, đi diễn xong nhưng mãi không lấy được tiền, không có quản lý nên khi ra diễn đồ đạc vứt lung tung thất lạc hoặc mất là chuyện thường xuyên. Còn mẫu công ty thì luôn có quản lý đi trông đồ rồi set up ăn uống hoặc thúc giục công việc nên chắc chắn sẽ khác nhau rất nhiều. Hơn nữa, cũng theo Hạ Vy cho biết, hầu hết các bạn mẫu tự down giá để dễ nhận show hơn. “Và nếu đối với các đơn vị hoặc các công ty lớn gần như họ sẽ không bao giờ gọi mẫu ngoài mà họ sẽ qua công ty quản lý cho dễ làm việc và thu về một mối”- Hạ Vy cho biết thêm.
Có chung quan điểm này, bà Thúy Nga cho biết thêm: “Trên thế giới mô hình công ty quản lý người mẫu đã có từ rất lâu và ngày càng phát triển. Điều đó cho thấy đó là hướng phát triển chuyên nghiệp tất yếu, trong một thị trường chuyên nghiệp. Người mẫu làm việc trong một công ty quản lý sẽ được định hướng phát triển, được công ty đầu tư về mặt hình ảnh, truyền thông, đưa hình ảnh đến với khách hàng. Việc của người mẫu là giữ gìn hình thể, hình ảnh một cách tốt nhất cho nghề nghiệp, liên tục nâng cao kỹ năng biểu diễn, chuyên nghiệp trong lúc làm việc.
Mọi công việc khác như tìm khách hàng, đàm phán giá, lấy tiền, đấu tranh cho quyền lợi của người mẫu... là trách nhiệm của agency. Bên cạnh đó, agency sẽ giúp khách hàng rất nhiều trong việc tìm kiếm người mẫu phù hợp cho công việc để khách hành lựa chọn, agency sẽ phải chịu trách nhiệm với người mẫu từ lúc book show cho đến khi chương trình kết thúc, thậm chí khá nhiều lần người mẫu bị ốm, bị tai nạn đột xuất thì agency luôn phải có phương án thay thể người mẫu khác cho khách hàng. Chính vì vậy công ty quản lý người mẫu chính là cầu nối cho khách hàng và người mẫu để ai cũng được hưởng sự thuận lợi, chuyên nghiệp trong công việc”.
Tại các thị trường người mẫu chuyên nghiệp ở các nước, sẽ không khó để tìm thấy các công ty người mẫu có thể kiếm được rất nhiều tiền nếu họ sở hữu được một siêu mẫu. Nhưng điều này chưa xảy ra ở Việt Nam. Ở các nước, thị trường thời trang tạo ra người mẫu, nhưng ở Việt Nam, thị trường thời trang còn cần nhiều thời gian mới tạo ra được thế hệ người mẫu chuyên nghiệp xuất sắc tạo xu hướng và gây ảnh hưởng.
Để tạm kết cho bài viết này, tác giả xin được mượn lời của bà Quỳnh Trang để thay cho lời kết: “Người mẫu cũng là một nghề, cũng như những nghề khác, muốn thành công bạn phải thực sự làm việc, nỗ lực không ngừng, phải nghiêm túc với nghề, phải thật sự chuyên nghiệp. Nếu chỉ nghĩ đơn giản, mình có nhan sắc, mình có chiều cao thì mình sẽ trở thành người mẫu, trở thành hoa hậu thì thực sự bạn đã sai mất rồi”.