Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp về thăm hai điểm cao huyền thoại 1049 (Delta) tại xã Hơ Moong và 1015 (Charlie) tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) - nơi cách đây 53 năm trước đã khắc ghi những trận đánh cam go, khốc liệt trong chiến dịch Xuân Hè Bắc Tây Nguyên năm 1972.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (H67) huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum là địa bàn chiến lược trọng yếu. Từ những năm 1960, Mỹ xây dựng nơi đây thành tuyến phòng thủ kiên cố phía Tây sông Pô Kô. Điểm cao 1049 - 1015 là hai vật cản tự nhiên phía Tây làm bức bình phong vô cùng quan trọng, tập trung để bảo vệ Đắc Tô, Tân Cảnh, thị xã Kon Tum (và điểm chặn cuối cùng là cứ điểm Pliekleng).
Nằm trên độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, thuộc dãy núi Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Rinh Rua, hai điểm cao này không chỉ là pháo đài phòng thủ của địch, mà còn là biểu tượng cho sự chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân ta.
Theo các tài liệu lịch sử, mùa Xuân - Hè năm 1972, tại điểm cao 1049 (Delta) địch đã đổ quân xuống đây, tiểu đoàn dù 2 chiếm cả một số điểm cao xung quanh 1049. Ngày 30/3/1972, Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên lệnh cho Sư đoàn 320 dùng Trung đoàn BB52 vây ép tiến công địch trên cao điểm 1049 (Delta). Ngày 03/4/1972, Trung đoàn BB52 đánh trận mở màn tiến công 1049, nhưng đã không thành công.
Trước đó ngày 02/4/1972, địch dùng 46 lần chiếc trực thăng đổ Tiểu đoàn 11 dù (Lữ dù 2) xuống một số điểm cao phía Nam 1015 (Charlie) để sẵn sàng kết nối với 1049.
Trước tình hình đó, ngày 08/4/1972, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên giao cho Sư đoàn 320 dùng Trung đoàn BB64 bao vây tiêu diệt Tiểu đoàn 11 vừa đổ xuống quanh khu vực 1015 (Charlie).
Sau 3 ngày chiến đấu, Trung đoàn BB64 đã tiêu diệt Tiểu đoàn 11/lữ dù 2, làm chủ điểm cao 1015.
Chiến thắng điểm cao 1015 (Charlie) là trận then chốt thứ nhất của chiến dịch Xuân Hè 1972, tiêu diệt gọn 1 Tiểu đoàn dù trên chiến trường Tây Nguyên, cổ vũ lớn đối với cán bộ chiến sĩ.
Tranh thủ thời cơ thuận lợi, ngày 21/4/1972, Trung đoàn BB52 được tăng cường Tiểu đoàn 1/Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 19 đặc công/Sư đoàn có pháo cơ giới chi viện cùng với lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc Kon Tum tiến công lấy lại điểm cao 1049 (Delta). Với khí thế tiến công mãnh liệt, đêm 21/4/1972, Trung đoàn 52 làm chủ điểm cao 1049 (Delta) và các điểm cao lân cận.
Hai trận đánh cam go, khốc liệt tại điểm cao 1015 và 1049 mở màn quyết định của Chiến dịch Xuân - Hè 1972 trên chiến trường Tây Nguyên. Chiến thắng 1015 (Charlie) - 1049 (Delta) của Sư đoàn 320 phá vỡ tuyến phòng ngự đặc biệt quan trọng bờ Tây sông Pô Kô, tạo điều kiện cho chiến dịch đưa lực lượng chủ lực khác vào giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh ngày 24/4/1972 và tạo điều kiện cho Trung đoàn BB52 tấn công tiêu diệt cứ điểm Kleng ngày 09/5/1972. Đây là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Sau chiến tranh, hai điểm cao huyền thoại 1049 (Delta) và 1015 (Charlie) là nơi yên nghỉ của hàng trăm chiến sĩ - những người đã ngã xuống vì lý tưởng độc lập, tự do cho dân tộc. Họ là hiện thân của lòng quả cảm, là chứng nhân của một thời “mùa hè đỏ lửa”.
Chính sự hy sinh anh dũng của những người lính, xương máu của các anh đã góp phần làm nên những chiến thắng có ý nghĩa lịch sử. Chiến trường Bắc Kon Tum trong chiến dịch Xuân Hè 1972 - Nơi đây từng ngọn núi, dòng sông, con suối, mỗi cánh rừng đều là trận địa, là "Vùng đồng đội".
Để tưởng nhớ, tri ân những người con, người đồng đội, các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại chiến trường xưa, năm 2017 những cựu chiến binh của Sư đoàn 320 khắp mọi miền đất nước đã chắp nối, quyên góp để xây dựng 2 nhà bia.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải - Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại Đoàn Đồng Bằng Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh cho biết, sau giải phóng, các cựu chiến binh nhiều lần trở lại chiến trường xưa, chứng kiến những thung lũng, ngọn đồi, điểm cao trơ trụi bởi chất độc da cam, cây cỏ vẫn không mọc được. Họ muốn “Đi tìm đồng đội” và được tham gia xây dựng các nhà bia để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã ngã xuống, nằm lại nơi này.
Theo ông Hải, năm 2017, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, khi dự án xây dựng Nhà bia tưởng niệm tại 2 cao điểm 1015 và 1049 của Ban liên lạc truyền thống Đại Đoàn Đồng Bằng Sư đoàn 320 được tỉnh Kon Tum chấp thuận, lúc này ông làm Trưởng ban đã đứng ra quyết định thi công, hoàn thiện dự án.
Khi từ Kon Tum trở về, gặp mặt các CCB, Trưởng ban Lê Mạnh Hải báo cáo về chủ trương xây dựng nhà bia, hàng trăm cánh tay cựu chiến binh đã giơ cao xung phong trở về chiến trường xưa tham gia xây dựng.
Ngay sau khi họp xong, CCB Lê Mạnh Hải đã báo cáo lên cố Trung tướng - Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, ông cảm thấy băn khoăn nhưng rất phấn khởi, tin tưởng vào quyết tâm của anh em.
Cuối cùng cũng “chốt” được danh sách 27 chiến binh đảm bảo sức khỏe, điều kiện gia đình để đi xây dựng nhà bia. Ngoài ra, CCB Lê Mạnh Hải còn cử 08 cán bộ công nhân kỹ thuật của Công ty (do chính ông làm Giám đốc) vào làm lực lượng nòng cốt để giúp các cựu chiến binh hoàn thành tâm nguyện.
Theo ông Hải, để có được 2 nhà bia tưởng niệm như hôm nay, người dân, các Cựu chiến binh đã mang từng can nước, “cõng” từng viên gạch lên “đỉnh trời” để xây dựng… quả thật rất gian nan, vất vả. Qua gần 4 tháng xây dựng từ 12/2017 đến tháng 4/2018 mới hoàn thành.
Khi công trình hoàn thành, trước hai Nhà bia uy nghiêm, trang trọng, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Họ không chỉ dựng nên một công trình tri ân, mà còn dựng nên biểu tượng của tình đồng đội, của lòng trung thành, và của ký ức không thể lãng quên. Đó không chỉ là hai Nhà bia, mà còn là linh hồn của một thế hệ, là nơi để sống tri ân và kể cho mai sau về những người lính đã ngã xuống, để cho đất nước đứng lên.
“Giờ đây, khi trở lại chiến trường xưa, thắp hương tri ân những người đồng đội đã hy sinh, chúng tôi rất vui mừng khi thấy được sự biết ơn, lòng thành kính của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy đã luôn chăm lo, hương khói hai nhà bia. Đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Tây Nguyên và Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), hơn 200 cựu chiến binh Ban liên lạc truyền thống Đại Đoàn Đồng Bằng Sư đoàn 320 đã vào để dâng hương, huyện đã tổ chức đón, bố trí nơi ăn nghỉ cho đoàn. Sắp xếp xe chở 200 chiến binh lên điểm cao 1015- 1049 dâng hương. Trên điểm cao heo hút, khí hậu khắc nghiệt, những người lính già đã cùng ôn lại những ký ức hào hùng một thời.”, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải bày tỏ.
Ông Dương Quang Phục – Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, sau khi các CCB Ban liên lạc, Sư đoàn 320 cùng nhân dân Sa Thầy xây dựng xong nhà bia thì huyện đã được nhận bàn giao về quản lý và tổ chức xây dựng đường đi, trồng cây, tạo cảnh quan.
“Vào các ngày mùng 1, 14 (ÂL), các ngày cuối tuần và các ngày lễ 30/4, 27/7; 2/9… lãnh đạo, chính quyền và nhân nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đều đến dâng hương, hoa, dọn dẹp để tưởng nhớ những anh hùng đã hy sinh vì độc lập giải phóng dân tộc. Đây cũng là nơi để giáo dục thế hệ trẻ, học sinh về tinh thần bất khuất, đấu tranh kiên cường của thế hệ cha ông, giúp khơi dậy tình yêu nước, yêu hòa bình của thế hệ trẻ”, ông Phục nói.
Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 93/QĐ-TTg về việc bổ sung Di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049 vào Di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh.
Với hệ thống giao thông thuận tiện từ Tỉnh lộ 675 và đường Hồ Chí Minh, cùng tiềm năng lớn về du lịch khám phá, lịch sử, tâm linh, hai điểm cao này đang được tỉnh Kon Tum quy hoạch phát triển thành địa chỉ đỏ, điểm đến giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và du khách khắp mọi miền đất nước. Một lần đặt chân đến nơi đây là một lần lòng người lắng lại - giữa đại ngàn, giữa tiếng vọng linh thiêng của hồn núi, hồn sông...