Sở VHTTDL Hà Nội vừa có đề xuất bắn pháo hoa quanh năm trên cầu Nhật Tân - Hà Nội. Để chắc ăn, Sở này khẳng định nguồn kinh phí bắn pháo hoa được lấy từ nguồn xã hội hóa.
Đây là ý tưởng và cũng là đề xuất của ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở. Thoạt nghe dễ bùi tai bởi sẽ vui mắt dân chúng và như lời một quan chức khác là để bà con quên đi sự đói nghèo (!?).
Lạ thật, các quan chức này cứ nghĩ tiền là vỏ hến hay sao? Tiền nào cũng là mồ hôi công sức của dân, lẽ nào các ông chủ bà chủ dễ dãi móc hầu bao ra chi cho vụ pháo hoa lãng xẹt này. Họ bỏ tiền ra thì thành phố sẽ trả lại cho họ cái gì?! Người ta nhớ tới vụ kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10 bằng... hội thảo “Tính ưu việt của kim chi” đúng vào ngày 10/10 tại khách sạn Lotte, Hà Nội theo giấy mời của Sở này. Tuy nhiên sau đó Sở đã xin lỗi vì cung cấp thông tin chưa đầy đủ khiến một số nhà báo, dư luận hiểu lầm và ngày 7/10, Sở này đã đính chính lại giấy mời tổ chức Hội thảo kim chi gửi cho các phóng viên. Trong lúc “nhà có việc” quá bận bịu vì các chương trình Kỷ niệm giải phóng Thủ đô nên có những sơ suất nhỏ, mong được báo chí và nhân dân lượng thứ vì “Tính ưu việt của kim chi” không hề ăn nhập, liên quan gì với dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.
Và mới đây, cũng chính Sở VHTTDL Hà Nội lại đề xuất ý tưởng lập điểm bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân, cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Nếu được thành phố thông qua thì kinh phí sẽ được huy động 100% từ doanh nghiệp, cá nhân. Các đơn vị muốn bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân ngoài việc đáp ứng yêu cầu về kinh phí, còn phải đảm bảo về kỹ thuật, nghệ thuật và đặc biệt là an toàn thì có thể được tạo điều kiện thực hiện thường xuyên chứ không chỉ riêng vào các ngày lễ lớn của Hà Nội cũng như cả nước.
Chuyện bắn pháo hoa có hai nội dung cần lưu ý, trước hết là để có một đêm pháo hoa ít nhất phải bỏ ra 150 triệu đồng (tỉnh Phú Yên) nếu như đề xuất của ông này một năm bắn pháo hoa thường xuyên sẽ tốn hàng trăm tỉ đồng chưa kể “nước sông công lính” khi Bộ Tư lệnh Thủ đô phải huy động bao nhiêu lực lượng và khí tài phục vụ và thứ hai là tắc nghẽn giao thông trên cây cầu dây văng lớn nhất đất nước.
Để có đêm pháo hoa, người ta phải chuẩn bị trước một hai ngày. Hãy tưởng tượng, trên cây cầu đang cấm người đi bộ nay lại giăng ra các “trận địa” được quây thành lô cốt cho một tiểu đội pháo thủ với các ống phóng xếp thành từng dàn, rồi dây dợ, điện đóm lăng nhằng… Ai dám bảo đảm rằng đám con trẻ hiếu kỳ không quây kín các lô cốt này. Và còn việc cả ngàn người lên cầu xem bắn pháo hoa nữa… Nghe chừng bất ổn, người ta bèn xoay ra sẽ xin bắn ở bãi giữa sông Hồng thí điểm trong dịp Tết Nguyên đán này.
Vậy nên các chuyên gia giao thông đã thẳng thừng nhận xét đây là đề xuất hết sức vớ vẩn của người “ẩm IC”. Tin cuối cùng, lãnh đạo Hà Nội đã quyết định bắn pháo hoa tại 30 điểm ở Hà Nội nhưng không bắn ở cầu Nhật Tân.