Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra tại hội thảo với chủ đề “Tịch thu phương tiện: Pháp lý và Thực tiễn”, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng sẽ nghiên cứu kỹ càng để đưa ra giải pháp hợp lý nhất.
Chế tài mạnh mới đủ sức răn đe
Liên quan đến đề xuất tịch thu phương tiện giao thông của người điều khiển khi vi phạm về nồng độ cồn, mới đây tại Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải và Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) đã tổ chức hội thảo “Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn”. Hội thảo thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Tại hội thảo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương ủng hộ đề xuất chế tài mạnh, trong đó có chế tài tịch thu phương tiện.
Toàn cảnh hội thảo
Ông Cương cho biết, đề xuất trên có cơ sở pháp lý, nhưng cơ sở pháp lý ở đây đã đầy đủ chưa, rõ nghĩa chưa thì cần phải bàn tiếp.
“Người vi phạm giao thông tràn lan, gây nguy hiểm cho người dân. Thậm chí hiện nay còn xuất hiện nhiều hành vi chống đối của người vi phạm giao thông. Cho nên tôi đánh giá cao đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông. Chế tài phải mạnh, nghiêm khắc mới đủ tính răn đe, lập lại trật tự, an toàn giao thông”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nói.
“Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi đánh giá cao đề xuất này và sẽ đề nghị Quốc hội cùng tranh luận thẳng thắn những vấn đề liên quan đến pháp luật để giúp cơ quan chức năng có cơ sở thực tiễn thực hiện”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.
Theo ông Cương, nếu cho rằng đề xuất này được thông qua thì sẽ làm lực lượng Cảnh sát giao thông tiêu cực là không đúng, thiếu khách quan và chưa có cái nhìn toàn diện. "Chúng ta chống tiêu cực thì bằng giải pháp khác. Nếu như cứ đổ lỗi cho lực lượng chức năng tiêu cực thì không đề xuất và thực hiện được giải pháp gì cả", ông Cương nói.
Trong khi đó, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia, chỉ trong tháng 2 vừa qua, cả nước đã xử lý trên 17.500 người vi phạm nồng độ cồn. Tình hình tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia như hiện nay đang rất phức tạp. Ông Hùng dẫn chứng, trong 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nhất đợt Tết Nguyên đán vừa qua là ở Hưng Yên làm 5 người chết; ở Cao Bằng làm 3 người chết mới đây, đều có vi phạm về nồng độ cồn. 317 người chết vì TNGT trong 9 ngày Tết, tăng hơn năm trước 35 người, mức độ nghiêm trọng. "Chúng ta nên xác định một mục đích, một đích duy nhất mà chúng ta hướng đến, đó chính là bảo vệ tính mạng, tài sản cho người tham gia giao thông và hướng đến một thông điệp đủ sức tạo nên lời cảnh báo là đã uống rượu bia thì không lái xe", ông Hùng Khẳng định.
Không đồng tình với giải pháp tịch thu xe
Về phía các luật sư, ông Trần Vũ Hải đánh giá đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia là một quy định khiến rất nhiều người sốc và không đồng tình, vì bản thân Hiến pháp của nước ta chưa nói đến tịch thu mà chỉ đề cập đến vấn đề bảo hộ tài sản.
Luật sư Trần Vũ Hải phát biểu tại cuộc hội thảo
Trước hội thảo, luật sư Trần Vũ Hải đặt câu hỏi: "Đề xuất này có trái Hiến pháp hay không? Việc tịch thu phương tiện có trái với Hiến pháp 2013 hay không cần phải có các chuyên gia xem xét. Theo tôi việc này là khá bế tắc vì không có cơ quan bảo hiến xem xét quyết định, khi nhiều người dân băn khoăn, phản đối thì cần phải họp Quốc hội để đưa ra ý kiến chung".
Đồng tình quan điểm của luật sư Hải, PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn giám định pháp luật dân sự, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự cho rằng, cần phải làm rõ ràng hơn về mặt pháp lý. Các giải pháp cần phải dựa trên cơ sở thực tiễn và trình độ hiểu biết của người dân. Đồng thời, ông Hùng đề nghị khôi phục việc bấm lỗ bằng lái xe, đánh mạnh vào túi tiền người vi phạm thì sẽ có hiệu quả.
“Bất cứ một luật, hay Nghị định nào đó trước khi ban hành, phải có thời gian nghiên cứu, xem xét kỹ càng. Nếu không thì các luật sẽ "đấu nhau" và làm cho người ta hiểu kiểu gì cũng được”, ông Hùng nói thêm.
Trên cơ sở pháp lý, Luật sư Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, cho rằng: “Cần cân nhắc áp dụng chế tài tịch thu phương tiện giao thông, có lợi và có hại chỗ nào”. Theo luật sư Thư, trước hết cần phải tính đến giá trị của phương tiện, chủ sở hữu thực sự và tính khả thi của giải pháp này. “Liệu nó có mâu thuẫn với chính sách xóa đói giảm nghèo hay không?...Đơn cử như người dân tộc nghèo ở vùng sâu vùng xa, cả nhà có cái xe 2 triệu đồng bị tịch thu, liệu có ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo không. Vì vậy xét trên mọi bình diện tôi chỉ ủng hộ tăng nặng chế tài xử phạt chứ không thể tịch thu xe ngay được”, ông Thư nhấn mạnh.
Với nhiều quan điểm trái chiều và phần lớn ý kiến tại hội thảo cho rằng, tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông khi say bia rượu là không khả thi hoặc còn quá sớm để thực hiện. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, ông Khuất Việt Hùng cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu những ý kiến xây dựng của các chuyên gia trong buổi hội thảo để đưa ra giải pháp xác đáng, hợp lý nhất.