Đề xuất thêm 4 nhóm trẻ em vào diện đặc biệt khó khăn

Hương Lan| 05/11/2014 14:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (đang được lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét vào năm 2015), có 4 nhóm trẻ em yếu thế được đề xuất bổ sung thêm vào diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

500.000 em được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCS&GDTE) được Quốc hội thông qua năm 1991, đã được bổ sung, sửa đổi năm 2004. Theo quy định tại khoản 1, điều 3: Trẻ em được xác định có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là trẻ có: “Hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hoà nhập với gia đình, cộng đồng”. Theo đó có 10 nhóm trẻ em: Trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi; trẻ khuyết tật, tàn tật; trẻ là nạn nhân của chất độc hóa học; trẻ bị lây nhiễm HIV/AIDS; trẻ phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật.

Đề xuất thêm 4 nhóm trẻ em vào diện đặc biệt khó khăn

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chăm sóc, giáo dục

 Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã chú trọng quan tâm chăm sóc nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với nhiều hình thức đa dạng.  Hiện, đã có trên 500.000 em được hưởng chính sách trợ cấp bảo trợ xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP và Nghị định 13/2010/NĐ-CP tập trung 4 nhóm đối tượng: Trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không nguồn nuôi dưỡng; trẻ bị khuyết tật nặng; trẻ là nạn nhân chất độc hóa học và trẻ bị lây nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, đã có hơn 42.000 trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và trên 60.000 lượt trẻ lang thang, có nguy cơ lang thang và gia đình các em đã được trợ giúp dưới nhiều hình thức khác nhau. Trên 10.000 trẻ bị xâm hại tình dục, bị bạo lực được phát hiện và trợ giúp kịp thời, hầu hết số trẻ em này sau một thời gian ngắn đã được phục hồi và hòa nhập cộng đồng. 100% trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý miễn phí khi gia đình có nhu cầu trợ giúp. Trên 70.000 em khuyết tật nặng đã tham gia vào chương trình giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và trên 7.000 em đã tham gia vào chương trình giáo dục chuyên biệt.

Nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, hầu hết đã được cấp thẻ BHYT, được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe lúc ốm đau. Gần 70.000 trẻ khuyết tật đã được phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, gần 5.000 em đã được mổ tim bẩm sinh. Các địa phương trong cả nước đã có một số mô hình chăm sóc tập trung cho trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em đường phố, trẻ em khuyết tật (cơ sở bảo trợ xã hội); trẻ em vi phạm pháp luật (trường giáo dưỡng).

Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo các địa phương từng bước chuyển đổi từ mô hình chăm sóc tập trung, sang mô hình gia đình chăm sóc thay thế hoặc nhà xã hội nhằm giúp trẻ em phát triển toàn diện hơn.

Trách nhiệm của gia đình và xã hội

Việc bổ sung một số nhóm trẻ thuộc đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào Luật BVCS&GDTE sửa đổi là rất cần thiết. Đây là nhóm trẻ rời nơi cư trú ban đầu, đến nơi cư trú mới cách xa nơi cư trú ban đầu. Nhóm trẻ này dễ bị xâm hại do thiếu sự hỗ trợ từ các mạng lưới dựa vào cộng đồng. Hầu hết các em không được đến trường, có nguy cơ trở thành trẻ lang thang, bị bóc lột lao động hoặc lạm dụng tình dục. Nhóm thứ 3 là trẻ em bị buôn bán, cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của các hành vi xâm hại, bóc lột. Theo các chuyên gia, việc tách trẻ em ra khỏi gia đình và nền văn hoá gốc của mình có thể khiến cho các em phải chịu những hậu quả xấu về sức khoẻ tinh thần và nhiều vấn đề khác khi trưởng thành. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, nhóm trẻ em bị bạo lực cũng cần đưa vào diện có hoàn cảnh đặc biệt, bởi các em bị bạo lực và đe dọa bạo lực phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý cũng như hành vi. Có nhiều dạng bạo lực thể hiện ở trong gia đình; từ các phương tiện thông tin đại chúng, trong văn hóa phẩm; trong nhà trường. Trẻ em bị tai nạn thương tích cũng cần được đưa vào diện có hoàn cảnh đặc biệt khóa khăn. Các tai nạn gây thương tích ở trẻ em do bị vấp ngã trong khi vui chơi, chạy nhảy, leo trèo, bị vật nhọn đâm vào hoặc bị vật nặng rơi vào thân thể; trúng độc do thức ăn, đồ uống hoặc hít phải khí độc; bỏng do nước nóng, vật nóng; điện giật; bị xe cộ va quệt; bị sét đánh, bị nước lũ cuốn trôi; do sự vô ý của người khác. Đối với trẻ em bị tai nạn thương tích, có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng thể chất, trí lực và tinh thần. Trong trường hợp này, gia đình và xã hội cần quan tâm giúp đỡ các em vượt qua những tổn thất về thể xác, tinh thần. Việc đưa thêm 4 nhóm trẻ em trên vào diện đặc biệt khó khăn để các em được hưởng những quyền lợi cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi để các em có cơ hội phát triển toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất thêm 4 nhóm trẻ em vào diện đặc biệt khó khăn