Bộ Quốc phòng đang xây dựng Tờ trình Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ khi tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp.
Đồng bộ hóa với mô hình chính quyền địa phương 02 cấp
Việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi được đặt trong bối cảnh tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đang được tinh gọn theo hướng bỏ cấp trung gian, cụ thể là cấp huyện trong một số đơn vị hành chính đặc thù. Do đó, các quy định tại nhiều Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng buộc phải rà soát, sửa đổi để đồng bộ với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng đề xuất sửa đổi 5 nhóm văn bản quy phạm pháp luật gồm các Nghị định số 159/2006/NĐ-CP, 21/2009/NĐ-CP, 23/2012/NĐ-CP, 32/2013/NĐ-CP và 56/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi các Nghị định sau này).
Những sửa đổi đáng chú ý trong Dự thảo
Về chế độ hưu trí cho quân nhân tham gia kháng chiến (Nghị định số 159/2006/NĐ-CP):
Dự thảo đề xuất cập nhật các nội dung liên quan đến cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sau khi hợp nhất vào Bộ Nội vụ theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 25/2025/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Nội vụ.
Về chế độ chính sách với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (Nghị định số 21/2009/NĐ-CP):
Dự thảo sửa đổi tên gọi cơ quan Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng thành Bảo hiểm xã hội Quân đội sau sáp nhập, đồng thời điều chỉnh nội dung liên quan đến chế độ chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ hoặc chuyển sang các hình thức công tác khác.
Về chế độ đối với lực lượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (Nghị định số 23/2012/NĐ-CP):
Giao thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết hồ sơ về chế độ chính sách cho UBND cấp xã, thay vì cấp huyện như trước đây.
Bãi bỏ các quy định liên quan đến Ban chỉ huy quân sự và công an cấp huyện để phù hợp với mô hình không tổ chức cấp huyện.
Bãi bỏ cụm từ “đăng ký hộ khẩu” để phù hợp với Luật Cư trú hiện hành.
Về chế độ với người làm công tác cơ yếu (Nghị định số 32/2013/NĐ-CP):
Dự thảo đề xuất thay thế các cụm từ “cơ yếu cấp huyện” bằng “cơ yếu cấp xã và tương đương” để phù hợp với mô hình chính quyền mới; đồng thời bãi bỏ tên gọi “Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội” trong các điều khoản đã hết hiệu lực quản lý.
Về danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (Nghị định số 56/2013/NĐ-CP):
Dự thảo đề xuất: Giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh thay cho cấp huyện trong việc xét duyệt hồ sơ.
Thay cụm từ “suy giảm khả năng lao động” bằng “có tỷ lệ tổn thương cơ thể” để bảo đảm tính thống nhất với Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Bãi bỏ nhiều quy định không còn phù hợp tại các Điều 5 và Điều 7 nhằm tinh gọn văn bản, tránh chồng chéo.