Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Giữ gìn danh hiệu, hình ảnh, sử dụng trang phục, hóa trang phù hợp với mục đích, nội dung hoạt động nghệ thuật. Ảnh minh họa |
Đó là mục đích ban hành "Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự thảo.
Về quy tắc ứng xử chung, dự thảo đề xuất: Người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phải đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật; thực hiện đúng các quy định của pháp luật theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác; giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự, tiếp nhận và xử lý thông tin văn minh, hiệu quả phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.
Khuyến khích thể nghiệm mới, phù hợp với giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ
Đối với quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, dự thảo quy định người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phải có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, luôn tìm tòi cái mới, cái hay để phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống nhằm sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người và cộng đồng xã hội; khuyến khích khai thác các phương pháp sáng tạo, thể nghiệm mới, phù hợp với giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ; giữ gìn danh hiệu, hình ảnh, sử dụng trang phục, hóa trang phù hợp với mục đích, nội dung hoạt động nghệ thuật.
Góp phần quảng bá văn hóa đất nước con người Việt Nam, giữ gìn tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế, không làm tổn hại đến lợi ích, an ninh, chủ quyền quốc gia, tuân thủ pháp luật nước sở tại khi tham gia các hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài; đấu tranh chống lại cái xấu, những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn trong đời sống xã hội; có nhận thức, quan điểm đúng trước những biểu hiện lệch lạc, đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc trong khuynh hướng sáng tác và biểu diễn; không sáng tác, phổ biến, lưu hành, biểu diễn những tác phẩm gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng; vi phạm các quy định pháp luật.
Không đăng tải, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Theo đó, khuyến khích sử dụng tài khoản mạng xã hội của cá nhân để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin theo nguồn chính thống có ích cho xã hội và đất nước; bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hoá, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan.
Không sử dụng từ ngữ gây thù hận, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục.
Không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến an ninh, trật tự, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.