Đề xuất nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng

Xuân Lan| 13/10/2022 14:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (hiện nay là 1,49 triệu đồng), thời gian dự kiến thực hiện từ 1/7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

de-xuat-nang-luong-co-so-cua-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-len-1-8-trieu.jpeg
Thủ tướng: Nguồn cung xăng dầu là vấn đề gây bức xúc cho người dân ở một số nơi, cần nhanh chóng khắc phục

Sáng 13/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ tiếp xúc cử tri TP. Cần Thơ trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tại hội nghị, các cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các cấp, các ngành. Nhờ đó, đất nước tiếp tục đạt được những thành tựu toàn diện, quan trọng trên các lĩnh vực; làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực; các ngành kinh tế phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Cử tri cũng cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, TP. Cần Thơ nói riêng với nhiều quyết sách, chủ trương quan trọng, chiến lược, như Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về ĐBSCL, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL vừa qua, việc quy hoạch, triển khai xây dựng nhiều tuyến cao tốc, bến cảng lớn trong vùng...

Sau khi lắng nghe, lãnh đạo UBND thành phố và các đại biểu Quốc hội đã bước đầu giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đồng bào, cử tri.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, bám sát tình hình thực tiễn, thể hiện sự liên hệ chặt chẽ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri.

Chia sẻ một số nội dung, vấn đề được đồng chí, đồng bào, cử tri quan tâm, Thủ tướng dành nhiều thời gian thông báo về tình hình và kết quả phát triền kinh tế - xã hội 9 tháng và dự kiến cả năm 2022.

Cùng với đó, Thủ tướng làm rõ thêm một số nội dung cụ thể được cử tri đề cập.

Vấn đề xăng dầu chủ yếu do nguyên nhân chủ quan 

Thủ tướng cho biết việc thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết 27 của Trung ương, nhưng do tác động của nhiều yếu tố, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh tiền lương cho người lao động và nâng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng chính sách.

Ngày 9/10/2022, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Hiện, các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (hiện nay là 1,49 triệu đồng, tăng khoảng 20,8%), thời gian dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.

Về ý kiến cử tri trước các dự án hạ tầng chiến lược, trong đó có những dự án đã triển khai đã nhiều năm, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã rất quyết liệt, tăng cường đôn đốc, kiểm tra các dự án, xử lý các vấn đề vướng mắc, như đã ban hành 2 nghị quyết để xử lý vấn đề mỏ vật liệu đất đá làm đường cao tốc... Sân bay Long Thành đã được khởi công và việc xây dựng đang được thúc đẩy tích cực. Đường bộ cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, La Sơn - Túy Loan, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm 2... đã được đưa vào sử dụng. Dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành 180 km, thông tuyến 181 km cao tốc, đồng thời tích cực chuẩn bị khởi công các dự án giai đoạn 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Thủ tướng tán thành với quan điểm cử tri cho rằng dự án càng kéo dài càng đội vốn và gây lãng phí, đồng thời đề nghị các địa phương cùng vào cuộc quyết liệt để triển khai các dự án, trong đó có làm tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng cũng báo cáo cử tri về các nhiệm vụ, giải pháp đang được triển khai để giải quyết triệt để trong thời gian sớm nhất tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang gây bức xúc trong người dân. Các chủ thể liên quan từ Trung ương tới địa phương phải cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các bên liên qua... Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phân cấp đấu thầu theo tinh thần nơi nào, cấp nào làm tốt nhất, thuận lợi nhất thì giao nhiệm vụ, trên tinh thần vừa đúng quy định, vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm chất lượng thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế…; lãnh đạo các địa phương quyết liệt vào cuộc; chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác này.

Liên quan đến xăng dầu, Thủ tướng đánh giá nguồn cung xăng dầu là vấn đề gây bức xúc cho người dân ở một số nơi, cần nhanh chóng khắc phục. Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã vào cuộc xử lý, làm việc với các doan nghiệp. Theo báo cáo, tại các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…, đến nay tình hình cơ bản đã được giải quyết.

Theo Thủ tướng, tình hình trên có nguyên nhân khách quan như đứt gãy cung ứng, giá xăng dầu thế giới lên xuống nhanh, khó dự báo, có doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu với giá cao nhưng sau đó giá xuống thấp nên có thể thua lỗ, điều này cần được chia sẻ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Thủ tướng lấy ví dụ, chúng ta đã có các cơ chế, chính sách như quỹ bình ổn giá nhưng việc áp dụng, phối hợp giữa các cơ quan phải kịp thời, hiệu quả hơn. Thực tế vừa qua, một số cơ quan phối hợp chưa kịp thời, hiệu quả, cần kiểm điểm lại.

Thủ tướng cho biết đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình, trong đó, nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá, điều chỉnh các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu…; công tác điều hành, phản ứng chính sách cần linh hoạt hơn, nhanh hơn, các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn. Một số doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định thì phải xử lý. Việc thông quan, lưu thông hàng hóa cần khẩn trương, thông suốt, hiệu quả. Các cơ quan hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện các doanh nghiệp xăng dầu hoạt động đúng pháp luật. Thông tin khách quan, phù hợp, chính xác, không làm người dân hoang mang, lo lắng.

Tháo gỡ 2 nút thắt phát triển với ĐBSCL

Thủ tướng cũng thông tin khái quát về các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ 2 nút thắt phát triển với ĐBSCL là hạ tầng giao thông vận tải và nguồn nhân lực, trong đó có việc thu hút nguồn nhân lực từ nơi khác tới và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong vùng.

Sau hội nghị, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của cử tri. Vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp ngành ấy phải giải quyết và phải giải quyết thấu đáo. Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, UBND TP. Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Về kiến nghị của cử tri liên quan tới việc dạy tiếng Khmer cho học sinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền mỗi dân tộc có tiếng nói chữ viết riêng, quyền bình đẳng và tự do phát triển ngôn ngữ của mỗi dân tộc.

Ngay từ văn kiện đầu tiên của Đảng tại Đại hội lần thứ Nhất (tháng 3/1935) đã khẳng định: "Các dân tộc được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hóa". Quan điểm trên được xuyên suốt qua các thời kỳ cách mạng, được tiếp tục khẳng định qua các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy việc học và dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có tiếng Khmer. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992, tại Điều 5 đã quy định: "Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình".

Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Luật Giáo dục 2019 quy định "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình theo quy định của Chính phủ" (Khoản 2 Điều 11). Ngày 27/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030".

Tiếng dân tộc thiểu số được đánh giá và ghi kết quả đánh giá vào học bạ được quy định cụ thể tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT. Như vậy, môn Tiếng dân tộc thiểu số, trong đó có Tiếng Khmer được xác định là môn tự chọn như một số môn học khác. Khi được lựa chọn thì việc dạy, việc học đã được quy định rõ và có đánh giá trong học bạ như môn ngoại ngữ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng