Đề xuất mô hình Cơ quan điều tra về tội phạm tham nhũng

Quốc Huy| 26/05/2016 21:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thanh tra Chính phủ và Ban Nội chính Trung ương sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp... đồng thời đề xuất xây dựng mô hình CQĐT về tội phạm tham nhũng.

Đây là nội dung quan trọng mà Thanh tra Chính phủ và Ban Nội chính Trung ương sẽ thực hiện trong thời gian tới. Nội dung này đã được đề cập đến tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan ngày 25/5.

Thực hiện quy chế, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ trao đổi, thống nhất chuyển hồ sơ một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng sang Cơ quan điều tra để xem xét khởi tố theo quy định của pháp luật qua rà soát việc thực hiện các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, trong năm vừa qua, Thanh tra Chính phủ và Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp rất tốt trong việc rà soát các vụ thanh tra kinh tế - xã hội. Trước đó, khi Ban Nội chính Trung ương chủ trì nghiên cứu tổng kết 30 năm đối mới về sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã cử những cán bộ rất có trách nhiệm, những ý kiến đóng góp rất sâu sắc. Qua rà soát, đã phát hiện nhiều vụ có dấu hiệu tội phạm mà do nguyên nhân nào đó có thể do nhận thức, nể nang mà chưa chuyển cho cơ quan điều tra. Từ đó, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý theo đúng quy định. Bên cạnh đó, một số việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài, tập trung đông người xảy ra tại một số địa phương cũng đã được xử lý kịp thời.

Đề xuất mô hình Cơ quan điều tra về tội phạm tham nhũng

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu ý kiến

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt cho biết, qua công tác thanh tra thấy rằng “Cán bộ Ban Nội chính còn yếu về kiến thức, nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, tiếp công dân; kiến thức thanh tra, kiểm tra, giám sát… Cần phải tập huấn để có thêm kiến thức, trao đổi kinh nghiệm của hai cơ quan trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp, nhất là các vụ tham nhũng”. Bên cạnh đó tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, ngăn chặn những hành vi tham nhũng “vặt”; xử lý đơn thư khiếu nại, kéo dài của người dân.

Ông Phan Đình Trạc cũng đề nghị, hai cơ quan tăng cường phối hợp để thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm năm 2016 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu cho biết, Thanh tra Chính phủ đang thực hiện kế hoạch theo định hướng mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra trong cuộc họp mới đây. Đó là việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra, phát hiện chủ trương, chính sách có sơ hở để xảy ra sai phạm; từ đó có những kiến nghị chấn chỉnh, sửa đổi kịp thời. Để làm được điều đó, cần sự hợp tác tích cực giữ hai bên bằng những việc làm cụ thể trên cơ sở kế hoạch hàng năm như: Ban Nội chính muốn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn sâu về công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ điều này. Và, Thanh tra Chính phủ cần Ban Nội chính đôn đốc cấp ủy các tỉnh, địa phương trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ phức tạp, kéo dài.

Theo ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, công tác phối hợp đã đem lại những kết quả bước đầu, góp phần tăng cường hiệu quả trong công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thời gian tới, hai cơ quan sẽ bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cũng như kế hoạch của từng cơ quan để có kế hoạch phối hợp cụ thể, bảo đảm hiệu quả hơn nữa. Cụ thể, trong năm 2016, phối hợp tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, thanh tra, phòng chống tham nhũng. Đề xuất những chủ trương, chính sách về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; xây dựng dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

Thanh tra Chính phủ và Ban Nội chính cũng thống nhất nghiên cứu đề xuất mô hình cơ quan điều tra về tội phạm tham nhũng; kiểm tra, nắm bắt tình hình việc triển khai, thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Cùng với đó, tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc xử lý đối với các vụ việc vi phạm pháp luật (có dấu hiệu tội phạm) được thanh tra bộ, ngành, địa phương phát hiện qua thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để chuyển Cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất mô hình Cơ quan điều tra về tội phạm tham nhũng