Vấn đề quan tâm

Đề xuất hỗ trợ vay vốn đến 35 triệu đồng cho hộ dân lắp điện mặt trời mái nhà

Nguyễn Cúc 19/07/2025 - 09:34

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện.

Theo đề xuất tại dự thảo, hệ thống điện mặt trời hộ gia đình được hỗ trợ tiền đầu tư với định mức tối đa là 500.000 đồng cho 01 kWp tổng công suất định mức của các tấm quang điện lắp đặt trong hệ thống (các tấm PV), nhưng không vượt quá 2.500.000 đồng cho một hộ gia đình.

dmn-17528269681211389904375.jpg
Ảnh minh họa

Hệ thống điện mặt trời hộ gia đình được hỗ trợ lãi suất vay thương mại để đầu tư như sau:

Được áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 03 năm kể từ ngày bắt đầu giải ngân khoản vay theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại.

Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 07 triệu đồng cho 01 kWp tổng công suất định mức của các tấm PV lắp đặt trong hệ thống, nhưng không vượt quá 35 triệu đồng.

Dự thảo đề xuất quy định, nguồn kinh phí hỗ trợ tài chính nêu trên được cân đối trong nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương; hàng năm, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định cụ thể mức hỗ trợ tài chính, bảo đảm phù hợp với nguồn ngân sách của tỉnh và nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời hộ gia đình trên địa bàn.

Cũng theo dự thảo, hệ thống điện mặt trời hộ gia đình được hỗ trợ về kỹ thuật trong quá trình đầu tư, lắp đặt và vận hành khai thác khi Chủ hộ có đề nghị, cụ thể như sau:

Đơn vị điện lực tại địa phương hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật theo quy định pháp luật về điện lực như: đấu nối, điều khiển, giám sát, bảo vệ; hướng dẫn công tác lắp đặt nhằm bảo đảm an toàn điện. Đơn vị điện lực tại địa phương có trách nhiệm hướng dẫn trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của Chủ hộ.

Trường hợp Chủ hộ có nhu cầu bán sản lượng điện dư của hệ thống điện mặt trời hộ gia đình lên lưới điện, đơn vị điện lực tại địa phương có trách nhiệm: Phối hợp lắp đặt hoặc thay thế hệ thống đo đếm điện năng hai chiều phù hợp với công suất đấu nối của hệ thống điện mặt trời hộ gia đình với lưới điện. Hướng dẫn các thủ tục và các quy định có liên quan để ký kết Hợp đồng mua bán sản lượng điện dư với Chủ hộ.

UBND cấp xã hướng dẫn việc thiết kế, giải pháp bảo đảm an toàn chịu lực công trình và giải pháp phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định pháp luật có liên quan và phù hợp với điều kiện nhà ở của hộ gia đình.

Điều kiện để được hỗ trợ về tài chính Hệ thống điện mặt trời hộ gia đình được hỗ trợ về tài chính theo quy định nêu trên khi đáp ứng các điều kiện như: Có đơn đề nghị hỗ trợ tài chính gửi đến UBND cấp xã nơi Chủ hộ lắp đặt hệ thống điện mặt trời hộ gia đình. Đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục phát triển, đầu tư, lắp đặt, đấu nối, nghiệm thu và đưa vào vận hành khai thác hệ thống điện mặt trời hộ gia đình theo đúng các quy định có liên quan tại Chương III Nghị định số 58/2025/NĐ-CP

Ngoài ra, chủ hộ có nhu cầu vay vốn đầu tư có hỗ trợ lãi suất vay thương mại phải đáp ứng các yêu cầu và thực hiện thủ tục vay vốn theo quy định pháp luật và của các tổ chức tín dụng có liên quan.

Theo Bộ Công Thương, ưu điểm đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ: Không sử dụng diện tích đất; chỉ đấu nối vào hệ thống lưới phân phối (chủ yếu lưới hạ áp) đã có sẵn của ngành điện do đó không phải đầu tư xây dựng thêm lưới từ 110 kV trở lên; bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và không ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất tại địa phương.

Ngoài ra, nguồn điện từ điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm chi phí tiền điện cho hộ gia đình do không sử dụng điện lưới, hoặc giảm chi phí tiền điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang; chi phí vận hành và bảo trì thấp; suất đầu tư đối với điện mặt trời giảm bình quân trên 10%/năm trong những năm gần đây; làm giảm lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

Nhược điểm của điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ: Phụ thuộc vào diện tích mái nhà, thời tiết, độ ổn định cung cấp điện không cao (đặc biệt khi không kết hợp với hệ thống lưu trữ điện), chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao nếu lắp thêm hệ thống lưu trữ điện (nguy cơ cháy nổ đối với hệ thống lưu trữ điện nếu sử dụng thiết bị không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất hỗ trợ vay vốn đến 35 triệu đồng cho hộ dân lắp điện mặt trời mái nhà