Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định về tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh của Bộ TT&TT.
Cụ thể, Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tiếp công dân thường xuyên của Bộ Thông tin và Truyền thông phân rõ:
Thanh tra Bộ có trách nhiệm: Giúp Bộ trưởng tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại địa điểm tiếp công dân của Bộ; chủ trì tổ chức, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc tiếp công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật; phân công công chức có đủ năng lực, chuyên môn phù hợp làm công tác thường trực tiếp công dân trong các ngày làm việc tại nơi tiếp công dân của Bộ; yêu cầu thủ trưởng các đơn vị có liên quan cử công chức, viên chức, người lao động cùng tham gia tiếp công dân tại phòng tiếp công dân khi cần thiết.
Văn phòng Bộ có trách nhiệm: Bố trí phòng tiếp công dân, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác tiếp công dân tại trụ sở cơ quan Bộ; chỉ dẫn, tiếp đón công dân theo quy định; thông báo cho Thanh tra Bộ cử công chức, viên chức tiếp công dân khi có công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; báo cáo, sắp xếp lịch để Lãnh đạo Bộ tiếp công dân trong trường hợp công dân đến yêu cầu được Lãnh đạo Bộ tiếp; thông báo cho các đơn vị có liên quan và Thanh tra Bộ cử công chức, viên chức, người lao động cùng tham gia tiếp công dân với Lãnh đạo Bộ.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cử công chức, viên chức, người lao động tham gia tiếp công dân khi có nội dung liên quan đến trách nhiệm tham mưu và có yêu cầu của Thanh tra Bộ.
Các Cục, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ giao cho bộ phận phụ trách công tác thanh tra (trường hợp có chức năng thanh tra), bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ hoặc văn phòng làm nhiệm vụ tiếp công dân.
Về hoạt động tiếp công dân của Bộ trưởng, dự thảo Thông tư quy định: Bộ trưởng trực tiếp tiếp công dân theo định kỳ 01 ngày/tháng tại phòng tiếp công dân của Bộ.
Ngoài thời gian tiếp công dân định kỳ hàng tháng, Bộ trưởng trực tiếp hoặc tùy theo nội dung có thể phân công Thứ trưởng tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Tiếp công dân.
Trách nhiệm tham mưu tổ chức việc tiếp công dân của Bộ trưởng bao gồm: Văn phòng Bộ có trách nhiệm chuẩn bị việc tiếp công dân của Bộ trưởng (hoặc Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy quyền) 01 ngày/tháng và các trường hợp đột xuất khác theo quy định của pháp luật; thông báo và cập nhật lịch tiếp công dân của Bộ trưởng trên hệ thống lịch làm việc của Lãnh đạo Bộ; niêm yết lịch tiếp công dân tại phòng tiếp công dân của Bộ; chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin thông báo về lịch tiếp công dân của Bộ trưởng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ; bảo đảm an ninh trật tự tại địa điểm tiếp công dân;
Thanh tra Bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ chuẩn bị kế hoạch, hồ sơ, tài liệu phục vụ buổi tiếp công dân của Bộ trưởng, báo cáo Bộ trưởng xem xét, chỉ đạo;
Các đơn vị thuộc Bộ đang giải quyết vụ việc Bộ trưởng dự kiến tiếp công dân có trách nhiệm chuẩn bị nội dung, hồ sơ, tài liệu phục vụ buổi tiếp công dân của Bộ trưởng; phối hợp với Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ chuẩn bị kế hoạch buổi tiếp công dân của Bộ trưởng;
Khi Bộ trưởng tiếp công dân, lãnh đạo Thanh tra Bộ, lãnh đạo Văn phòng Bộ, lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ phụ trách lĩnh vực công tác có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, đại diện các đơn vị khác có liên quan theo yêu cầu của Bộ trưởng có trách nhiệm cùng tham dự tiếp công dân.
Dự thảo cũng quy định hoạt động tiếp công dân của Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ. Cụ thể, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư này có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ ít nhất 01 ngày/tháng tại nơi tiếp công dân của đơn vị.
Ngoài thời gian tiếp công dân định kỳ, Thủ trưởng các đơn vị được quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư này có trách nhiệm tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 18 của Luật Tiếp công dân hoặc theo chỉ đạo của Bộ trưởng.