Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, trong đó quy định 4 đối tượng sẽ được thụ hưởng chính sách này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành của Việt Nam được đánh giá là cạnh tranh; nhờ đó, cùng với các thế mạnh như Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN), với việc dòng vốn ĐTNN liên tục tăng qua các năm. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi đầu tư còn một số hạn chế như sau:
Chính sách ưu đãi đầu tư còn thiếu tính đa dạng và cạnh tranh do chủ yếu là ưu đãi thuế dựa trên thu nhập mà chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí. Đặc biệt với việc ra đời của chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu, các ưu đãi dựa trên thu nhập sẽ không đem lại ý nghĩa với các dự án đầu tư quy mô lớn.
Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được quy định như tại Điều 18 Luật Đầu tư nhưng chưa được quy định thống nhất và đồng bộ với pháp luật về ngân sách nhà nước nên không thể thực thi trong thực tế.
Chính sách chưa bắt kịp với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế. Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí để khắc phục các nhược điểm của hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập. Ưu đãi dựa trên chi phí đã rất phổ biến và là các thông lệ hàng đầu trên thế giới trong nhiều năm qua ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… và cũng đang trở thành xu hướng trong phát triển chính sách ưu đãi tại các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan…
Chính sách chưa phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, đặc biệt với việc ra đời của chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu.
Căn cứ đánh giá nêu trên, việc xây dựng chính sách hỗ đầu tư mới là cần thiết và phù hợp nhằm tăng tính hiệu quả của hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập chính sách đầu tư hiện có; nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam và tập trung thu hút đầu tư theo đúng định hướng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội, cạnh tranh quốc tế.
Để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định nhằm ổn định môi trường đầu tư; đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần đặc biệt khuyến khích đầu tư.
Dự thảo Nghị định quy định đối tượng thụ hưởng chính sách bao gồm: Doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Tiêu chí xác định doanh nghiệp cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đã được quy định tại pháp luật công nghệ cao.
Theo đó việc ưu đãi cho những đối tượng này sẽ không gây xáo trộn so với quy định hiện tại; phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Trong thời gian tới nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam về mặt dài hạn trong chuỗi cung ứng quốc tế nhắm đến việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao made in Vietnam, đặc biệt trong các ngành nghề lĩnh vực công nghệ cao đang là xu hướng mới trên thế giới như bán dẫn. Ngoài ra khuyến khích, thúc đẩy việc đưa hoạt động nghiên cứu và phát triển về Việt Nam thông qua các trung tâm nghiên cứu và phát triển để nâng cao nền tảng công nghệ gốc, phát triển nhân lực khoa học công nghệ tại Việt Nam;
Phù hợp với tính chọn lọc của chính sách để tập trung nguồn lực nhằm thu hút đầu tư vào một lĩnh vực ưu tiên, tránh ưu đãi dàn trải, tạo sự đột phá để đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam, hạn chế tối đa tác động đến ngân sách nhà nước. Bản thân các sản phẩm và công nghệ thuộc lĩnh vực "công nghệ cao" theo Danh mục của Chính phủ cũng đã tương đối đa dạng, bao gồm cả các lĩnh vực về năng lượng như hydrogen, vật liệu, sinh học, v.v... theo đó đối tượng áp dụng vừa chọn lọc, lại vừa đủ phổ quát để khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm, công nghệ tiên tiến.