Gian lận bảo hiểm đã gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp bảo hiểm, ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm của người dân. Nhiều ý kiến đề nghị xử lý hình sự với hành vi trục lợi bảo hiểm gây hậu quả nghiêm trọng.
9.000 vụ gian lận bảo hiểm mỗi năm
Tại hội thảo về “Phòng chống trục lợi bảo hiểm” do Học viện Cảnh sát Nhân dân (Bộ Công an) phối hợp với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Đào Trung Kiên - đại diện Cục quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết: Ước tính hàng năm có khoảng 9.000 trường hợp gian lận bảo hiểm được phát hiện, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp bảo hiểm, gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm của người dân.
Trục lợi bảo hiểm hiện tập trung nhiều vào nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người. Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm xảy ra nhiều vụ trục lợi nhất với tổng số là 3.440 vụ, tổng số tiền bị trục lợi là 18,7 tỷ đồng. Thứ hai là PVI với 227 vụ trục lợi, tổng số tiền là 4,9 tỷ đồng. PJICO là doanh nghiệp bảo hiểm có số vụ trục lợi bảo hiểm đứng thứ ba (184 vụ) nhưng số tiền bị thiệt hại lại lên đến 103,7 tỷ đồng. Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có tới hơn 40.731 vụ trục lợi, trong đó Prudential xảy ra nhiều vụ trục lợi nhất (39.279 vụ) và tổng số tiền bị trục lợi cũng lớn nhất với 162 tỷ đồng.
Hội thảo về phòng chống trục lợi bảo hiểm
Những phương thức, thủ đoạn trục lợi bảo hiểm điển hình gồm: thủ đoạn mua bảo hiểm trùng, tức là đối tượng mua bảo hiểm với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm để được hưởng bảo hiểm cùng đối tượng, cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm. Khi xảy ra tổn thất, đối tượng được bồi thường gấp nhiều lần trị giá tài sản, thủ đoạn lập hồ sơ sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hiệu hợp đồng còn hiệu lực.
Hiện có nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm thực hiện gian lận bảo hiểm nhân thọ, trong đó có sự trục lợi về quyền lợi hỗ trợ viện phí và phẫu thuật (mượn thẻ bảo hiểm y tế của người khác để khám chữa bệnh, hoặc nằm viện dài ngày để được hưởng quyền lợi bảo hiểm chăm sóc sức khỏe với những bệnh lý hết sức thông thường…); đồng thời không khai báo trung thực hoặc cố tình che giấu tình trạng bệnh tật trước khi tham gia bảo hiểm (biết bệnh hiểm nghèo rồi mới tham gia bảo hiểm, làm giấy chứng tử giả khi không có sự kiện tử vong…). Hiện nay trục lợi về quyền lợi thương tật, tai nạn cũng khá phổ biến.
Nguyên nhân của thực trạng trục lợi bảo hiểm nhân thọ là do công tác quản lý bệnh nhân của các cơ sở y tế còn khá lỏng lẻo, quản lý và kiểm tra thông tin bệnh nhân còn sơ sài, thủ công. Công tác quản lý nguồn nhân lực tại nhiều bệnh viện còn chưa hiệu quả, một số trường hợp bác sỹ, nhân viên tiếp tay với bệnh nhân cho nằm dài ngày với bệnh lý thông thường hoặc lập hồ sơ bệnh án giả. Một nguyên nhân nữa là việc cung cấp thông tin bệnh nhân của các cơ sở y tế còn mang nặng cơ chế xin cho, cửa quyền. Công tác đấu tranh với các vụ án trục lợi bảo hiểm hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống các văn bản pháp luật về phòng chống trục lợi bảo hiểm và bảo hiểm nhân thọ còn thiếu và chưa đồng bộ.
Xử lý mạnh tay
Trục lợi bảo hiểm luôn là vấn đề đối với các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH). Tỉ lệ trục lợi bảo hiểm càng cao thì hiệu quả kinh doanh của DN càng thấp. Do vậy các DNBH luôn cố gắng hết mức để ngăn chặn các hành vi trục lợi bảo hiểm, đặc biệt là hành vi trục lợi bảo hiểm phi nhân thọ.
Để chống trục lợi bảo hiểm hiệu quả, các DNBH phải có biện pháp ngăn ngừa ngay từ khâu khai thác như giám định, đánh giá chất lượng tài sản không hư hỏng mới chấp nhận bảo hiểm. Khi có dấu hiệu gian lận trục lợi bảo hiểm cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan Công an để vào cuộc điều tra kịp thời.
Để răn đe các đối tượng trục lợi bảo hiểm, cả đại diện doanh nghiệp cũng như Hiệp hội Bảo hiểm đều cho rằng cần có quy định luật pháp với chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn. Hiện nay các vụ trục lợi bị phát hiện chỉ dừng lại ở việc rút đơn đòi bồi thường chứ chưa có hình thức xử phạt nào thêm.
Theo các chuyên gia, gian lận bảo hiểm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do đó cần điều chỉnh bằng luật hình sự. Cần sớm có chế tài nghiêm khắc, đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn, thậm chí xử lý hình sự đối với hành vi trục lợi bảo hiểm gây hậu quả lớn; đồng thời cần có cơ chế bảo vệ, động viên nhân chứng hợp tác giúp đỡ cơ quan Công an để điều tra xác minh làm rõ. Lực lượng Cảnh sát kinh tế phải tăng cường phát hiện, điều tra khởi tố những hành vi trục lợi bảo hiểm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nâng cao hiểu biết tác hại của trục lợi bảo hiểm. Đồng thời cần có cơ chế bảo vệ, động viên nhân chứng hợp tác giúp đỡ cơ quan Công an để điều tra xác minh làm rõ. Đề nghị Quốc hội nên tội phạm hóa một số hành vi gây nguy hiểm cho xã hội trong trục lợi bảo hiểm.
Doanh nghiệp Bảo hiểm được phối hợp với lực lượng CSĐT trong việc điều tra, khởi tố những hành vi trục lợi bảo hiểm nhân thọ; Kiến nghị với ngành y tế trong việc kiểm soát chặt chẽ thông tin người đến khám, chữa bệnh và quy trình quản lý hồ sơ bệnh án.
Thời gian tới, cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ đáp ứng được các yêu cầu trong nước và chuẩn mực về phòng chống trục lợi bảo hiểm và có kiến nghị cho phép nhờ giám định của bảo hiểm y tế để xác định hành vi trục lợi bảo hiểm. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến bảo hiểm…