Thảo luận tại hội trường về việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2016 – 2020, các Đại biểu Quốc hội (ĐB) đề nghị ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở 34 Tòa án cấp huyện và các cơ quan tư pháp.
Căn cứ chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ đã có Tờ trình số 238/TTr- về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của KHĐTCTH giai đoạn 2016-2020; bổ sung danh mục dự án mới từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% tại Bộ, ngành, địa phương và một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện ý kiến kết luận của UBTVQH tại phiên họp thứ 33, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép bổ sung các dự án mới sử dụng nguồn vốn từ điều chỉnh đầu tư công trung hạn và dự phòng 10% tại các Bộ, ngành, địa phương vào danh mục dự án của KHĐTCTH giai đoạn 2016-2020; điều chỉnh, thay tên một số dự án của TP. Đà Nẵng và Văn phòng Trung ương Đảng…
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, các ĐB cho rằng nên có sự ưu tiên đầu tư đối với những nơi đang cấp bách, trong đó có trụ sở làm việc của hệ thống Tòa án.
Đại biểu Phạm Hồng Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu
Theo ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang): Hiện có 35 Tòa án cấp huyện chưa có trụ sở làm việc, đang phải đi thuê. Nhiều trụ sở của Tòa án được xây dựng từ trước năm 2002 đến nay rất chật hẹp và xuống cấp trầm trọng, cần phải xây dựng mới đáp ứng yêu cầu xét xử như hiện nay.
Cùng với đó, theo quy định của Bộ luật TTDS 2015, TAND cấp huyện phải có ít nhất 3 phòng xét xử và yêu cầu về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xét xử của Tòa án giai đoạn 2018 - 2022 hướng tới mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử cũng đặt ra việc cần phải có trụ sở làm việc cấp bách đến mức nào.
Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm đã nêu phải tập trung thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2016 và các năm tiếp theo. Giao Chính phủ bố trí dự toán ngân sách hợp lý trình Quốc hội xem xét quyết định để bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra và Cơ quan Thi hành án, nhất là các đơn vị mới thành lập hoặc còn phải đi thuê, mượn trụ sở.
Căn cứ Nghị quyết số 71 của Quốc hội, TANDTC đã có phương án trình với đề xuất: Bổ sung vốn đầu tư cho một số dự án đã hoàn thành để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo Nghị quyết số 70 ngày 3/8/2017 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công; Bổ sung vốn cho một số dự án đang xây dựng trụ sở làm việc, TAND cấp huyện chưa có trụ sở do chia tách mới thành lập hiện đang phải đi thuê trụ sở còn thiếu vốn đầu tư để hoàn thành trước năm 2020 theo Nghị quyết số 49.
TANDTC cũng đề xuất bổ sung đầu tư cho các dự án cấp bách cần triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020 như trùng tu trụ sở TANDTC số 48 Lý Thường Kiệt; các dự án đầu tư theo yêu cầu của pháp luật tố tụng dân sự và hình sự; các dự án xây dựng mới làm trụ sở TAND các cấp cần đầu tư xây dựng cho trụ sở hiện tại diện tích chật hẹp, xuống cấp, thiếu phòng xét xử, các phòng chức năng làm việc không đảm bảo yêu cầu của BLTTHS, BLTTDS…
Nêu ra các căn cứ đó, ĐB Phạm Hồng Phong đề nghị Quốc hội thông qua phương án phân bổ chi tiết dự phòng chung KHĐTCTH giai đoạn 2016 - 2020 để TANDTC triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cũng bày tỏ quan điểm về đề xuất của Chính phủ đối với các cơ quan tư pháp. Theo nghị quyết Quốc hội, các cơ quan tư pháp cũng nằm trong danh mục cơ quan được ưu tiên phân bổ nguồn, do đó việc Chính phủ đề xuất sự cần thiết bổ sung những công trình, dự án liên quan đến trụ sở làm việc của cơ quan tư pháp vào dự án cấp bách là có căn cứ.
ĐB cũng nêu tình hình thực tế như các ĐB đã từng phát biểu tại nhiều kỳ họp là hiện nay còn nhiều trụ sở Tòa án, VKS chưa có nên phải đi thuê, nhiều nơi có trụ sở nhưng xuống cấp trầm trọng. Đơn cử như VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được thành lập theo Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Tuy nhiên đến nay vẫn phải sử dụng trụ sở của VKS phúc thẩm trước đây và xây dựng từ những năm 1978 -1980, quy mô chỉ cho phép làm việc đến 20 người, trong khi biên chế của VKS cấp cao hiện tại là 100 người, nên phần lớn phải đi thuê trụ sở làm việc.
Đối với các cơ quan tư pháp khác trong đề xuất của Chính phủ như Cơ quan THAHS của Bộ Công an, THADS của Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC với mức đề xuất bổ sung đầu tư không lớn, nên việc thực hiện sẽ không có gì khó khăn, nên đề nghị Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá những nội dung mà các ĐB nêu là vấn đề quan trọng, đã được đưa vào Nghị quyết 71. Nghị quyết cũng đã nêu rõ là phải ưu tiên trụ sở các cơ quan tư pháp và Chính phủ là cơ quan cụ thể hóa nghị quyết này. Tuy nhiên, vừa qua chưa phân bổ được do chưa làm rõ được nguồn vốn đầu tư. Vậy nên khi bố trí đủ nguồn vốn sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan tư pháp.