Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tránh tuỳ tiện trong áp dụng chính sách đặc thù
Dù ủng hộ quy định cho phép Thủ đô có những cơ chế đặc thù, nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị ban soạn thảo cần rà soát chặt chẽ, thận trọng, có kiểm soát.
Cụ thể, về mở rộng lĩnh vực HĐND thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn, áp dụng trên địa bàn thành phố và về áp dụng biện pháp dừng cung cấp dịch vụ điện đối với một số công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, xác định cụ thể điều kiện, phạm vi áp dụng.
“Đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố xác định cụ thể trường hợp nào, cơ sở nào trong phạm vi áp dụng sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để áp dụng đúng và tránh trường hợp áp dụng tùy tiện” - đại biểu Hòa nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị, dự thảo Luật cần tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô. Qua đó, giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.
“Còn việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền Thủ đô là thuộc nội bộ điều hành của chính quyền Thủ đô, thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Quốc hội không nên phân cấp gộp cho Thủ đô việc này” - đại biểu Đồng nói.
Ưu tiên bảo vệ môi trường từ luật
Đánh giá cao dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã tiếp thu rất nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, vẫn còn một số quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, chưa đột phá, chưa thực sự huy động được nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường Thủ đô.
“TP. Hà Nội cần quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục, xác định điều chỉnh vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với từng phân luồng môi trường. Đồng thời cần rà soát bổ sung quy định phù hợp để tránh vướng mắc trong thực tiễn khi áp dụng Luật này và Luật Quy hoạch" - đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.
Đại biểu kiến nghị, nên tăng cường phân quyền cho Hà Nội trong việc phê duyệt các dự án trọng điểm về bảo vệ môi trường.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị: “Quy hoạch chung Thủ đô phải đảm bảo xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, môi trường sống trong lành, phát triển bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân được sống trong môi trường xanh, sạch, thuần khiết, chất lượng với hệ sinh thái cân bằng, không có những sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và hoạt động thường ngày của người dân”.
Đại biểu đề nghị, phải bảo vệ môi trường Thủ đô nguyên tắc xây dựng môi trường sống trong lành và các quy định về cơ chế thực hiện đảm bảo môi trường sống trong lành của Thủ đô được nghiêm túc thực thi.