Đề nghị đưa luật sư vào nhóm 1 để phục vụ nhiệm vụ tố tụng

Đỗ Việt| 05/09/2021 20:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc luật sư không được quy định cụ thể vào 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường sẽ gây khó khăn rất lớn cho đội ngũ luật sư tham gia các hoạt động tố tụng, thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ngày 5/9, Ban Chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hà Nội có văn bản gửi Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đề nghị đưa luật sư vào nhóm đối tượng không phải cấp giấy đi đường thực hiện nhiệm vụ tố tụng theo quy định.

20210905_190913.jpg
Ban Chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hà Nội đề nghị đưa luật sư vào nhóm đối tượng không phải cấp giấy đi đường.

Theo Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, trong bối cảnh thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các luật sư của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội vẫn phải tham gia hoạt động tố tụng, tham gia các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thu thập chứng cứ, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, công dân không chỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn ở cả các địa phương khác trên toàn quốc. Việc luật sư không được quy định cụ thể vào 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường sẽ gây khó khăn rất lớn cho đội ngũ luật sư Thủ đô trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 3/4/2020 của VPCP hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chi thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội đều xác định luật sư là nhóm đối tượng được tiếp tục hoạt động để đảm bảo các dịch vụ pháp lý trong thời gian giãn cách. Căn cứ vào các quy định nêu trên cũng như tình hình thực tế thì luật sư và tổ chức hành nghề luật sư là nhóm đối tượng được phép hoạt động để bảo đảm thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý trong thời gian giãn cách

"Để tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư thực hiện nhiệm vụ tố tụng theo quy định của pháp luật, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đề nghị đưa luật sư vào nhóm 1 (được sử dụng giấy đi đường do Thủ trưởng các đơn vị duyệt, cấp cùng với thẻ luật sư) khi đi đường", văn bản nêu rõ.

Sáng cùng ngày, Công an thành phố Hà Nội đã có thông báo về đối tượng, trình tự, thủ tục duyệt, cấp Giấy đi đường có mã nhận diện, Thẻ đi mua hàng thiết yếu theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid - 19 trong Vùng 1.

Cụ thể, có 6 nhóm đối tượng được cấp đi đường sau ngày 6/9 gồm:

Nhóm 1: Các cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao, quốc tế:

Đối tượng: Cán bộ, công chức, công vụ làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính quyền, MTTQ, đoàn thể, chính trị xã hội đóng trên địa bàn Thành phố (bao gồm cả các cơ quan trực thuộc và tương đương); (2) Cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.

Thẩm quyền cấp Giấy đi đường: Do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm 2: Các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu:

Đối tượng: Cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu.

Thẩm quyền cấp Giấy đi đường: Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố.

Nhóm 3: Các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, tham gia công tác phòng chống dịch:

Đối tượng: Cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện tham gia công tác phòng chống dịch.

Thẩm quyền cấp Giấy đi đường: Do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm 4: Các cơ quan báo chí, truyền thông:

Đối tượng: Cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông.

Thẩm quyền cấp Giấy đi đường: Do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm 5: Đối với các trường hợp cá nhân có nhu cầu lưu thông trên đường:

Cá nhân đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu: Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn duyệt, cấp Thẻ mua hàng thiết yếu theo đúng đối tượng quy định.

Cá nhân đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc (cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ; đi tiêm vắc-xin và xét nghiệm Covid-19; người chăm sóc người bệnh và người xuất viện về): Không áp dụng Giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm theo CCCD (CMTND).

Cá nhân đi sân bay theo vé; cá nhân đi đến các cơ quan ngoại giao theo giấy hẹn của cơ quan ngoại giao; cá nhân đến Tòa án theo giấy triệu tập của Tòa án: Không áp dụng Giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm theo CCCD (CMTND) và Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.

Nhóm 6: Các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu:

Đối tượng: Các cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu.

Thẩm quyền cấp Giấy đi đường: Công an xã, phường, thị trấn.

truong-quoc-hoe_cwhr.jpg
Luật sư Trương Quốc Hòe

Xung  quanh việc đề xuất cấp giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng trên, một số chuyên gia pháp lý cho rằng việc luật sư không được quy định cụ thể vào 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường là chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính thống nhất đối với Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Luật sư Trương Quốc Hòe phân tích, công văn số 2601NPCP-KGVX ngày 3/4/2020 của VPCP hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận rõ tại Khoản 2 “2. cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chúng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...)... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch,...”.

Theo luật sư Hòe, công văn số 2601NPCP-KGVX đã xác định rõ luật sư là nhóm đối tượng được tiếp tục hoạt động để bảo đảm các dịch vụ pháp lý trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid. Ngoài ra, không có bất kỳ văn bản nào giới hạn quyền đi lại của luật sư nói riêng và tổ chức hành nghề luật sư nói chung.

“Căn cứ Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Chỉ thị 20 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phải thừa hưởng các quy định của Công văn số 2601NPCP-KGVX mà không được vượt quá quy phạm pháp luật của Công văn này. Do đó, 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường của theo đề xuất của công an Hà Nội đã không đảm bảo tính thống nhất đối với Công văn số 2601NPCP-KGVX ngày 3/4/2020 của VPCP hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.” Luật sư Hòe nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm trên, luật sư Hoàng Hướng bày tỏ, thực tế hiện nay, các luật sư tham gia tố tụng trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng như các địa phương khác trên toàn quốc vẫn phải đi lại để tham gia hoạt động tố tụng. Căn cứ theo các quy định của pháp luật, luật sư và tổ chức hành nghề luật sư là nhóm đối tượng đang phải hoạt động để bảo đảm thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý trong thời gian giãn cách.

Từ đó, luật sư Hướng cho rằng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần xem xét điều chỉnh, bổ sung để nhóm đối tượng là luật sư được đảm bảo quyền lợi và tham gia các hoạt động nghiệp vụ trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị đưa luật sư vào nhóm 1 để phục vụ nhiệm vụ tố tụng