Sáng nay 18/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật xử lý vi phạm hành chính.
Cản trở hoạt động tố tụng ngày càng đa dạng, phức tạp
Thảo luận về dự án luật này, các đại biểu góp ý một số nội dung như: Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, nhất là đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; bổ sung quy định nâng mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực nhằm tăng cường tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước)
Đặc biệt, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án trong luật này.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng: Trong quá trình tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc tại Tòa án những năm gần đây, nhất là diễn biến tại các phiên tòa công khai xuất hiện nhiều hành vi cản trở hoạt động tố tụng ảnh hưởng đến an ninh trật tự nói chung và an ninh phiên tòa nói riêng, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Tòa án nói riêng.
Pháp luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính hiện nay có quy định về xử lý hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án. Tuy nhiên, các hành vi cản trở ngày càng tinh vi đòi hỏi các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục và hình thức xử phạt đối với các hành vi này phải đảm bảo thuận tiện trong áp dụng.
Trong khi đó hình thức xử phạt, quy định trình tự, thủ tục thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở tố tụng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định pháp luật có liên quan chưa quy định rõ.
Theo đại biểu, quy định tại Điều 48 Luật xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền của Tòa án có phạt cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật vi phạm hành chính áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng với các quy định này cho thấy còn có sự chưa thống nhất về phạm vi, thẩm quyền, hình thức xử phạt.
Theo quy định của pháp luật tố tụng, Tòa có thể xử lý buộc chấm dứt hành vi vi phạm và buộc người vi phạm phải rời khỏi phòng xử án, trong khi đó Luật xử lý vi phạm hành chính lại không quy định hình thức xử phạt này. Hơn nữa về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính và thi hành biện pháp cưỡng chế thi hành xử phạt của Tòa đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc áp dụng quy định này trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn.
Quy định về các hành vi cản trở tố tụng của Tòa án đang được cơ quan có thẩm quyền soạn thảo và tiến hành lất ý kiến đóng góp. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung 1 Điều riêng quy định về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án trong Luật này.
Cưỡng chế cắt điện nước chỉ áp dụng một số trường hợp cụ thể
Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm chính là quy định về bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp ngăn chặn hay cưỡng chế đối với hành vi vi phạm hành chính. Nhiều ý kiến đề nghị cần giới hạn ở một số vi phạm, lĩnh vực, để đảm bảo quyền lợi của người dân, như tại các khu chung cư, chủ đầu tư có vi phạm nhưng áp dụng biện pháp này sẽ ảnh hưởng tới người dân sinh sống tại đây.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam), việc bổ sung biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước hay biện pháp ngăn chặn để đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính đều chưa thuyết phục, tính khả thi không cao, trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm trong Bộ Luật Dân sự.
Lý giải cho việc này, ông Thế cho rằng, dịch vụ công cung cấp điện, nước là dự thảo được sự thỏa thuận giữa các bên cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ thông qua hợp đồng. Việc dừng hoặc chấm dứt điện, nước phải theo hợp đồng được ký kết giữa các bên tham gia… là hành chính hóa quan hệ dân sự.
Tranh luận về ý kiến này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng cho rằng: Đây là việc thể hiện sự bất lực của chính quyền và lực lượng chức năng khi xử phạt hành chính mà "người ta không chấp hành" nên cần cân nhắc.
Còn theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), hiện nay có đến 23 biện pháp để nhà nước áp dụng cưỡng chế, thi hành quyết định xử phạt.
Nếu bổ sung thêm biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tôi nhận thấy cơ quan công quyền của chúng ta rất yếu kém, rất bất lực, pháp luật không nghiêm. Chúng ta có cả một bộ máy rất rộng lớn, đào tạo rất bài bản, có đến 23 biện pháp nhưng lại phải bổ sung thêm biện pháp này là không ổn vì rất dễ bị lạm dụng.
Báo cáo giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay: Dự án Luật chỉ tập trung sửa đổi những quy định đang còn hạn chế, bất cập có nhiều khó khăn, vướng mắc trong áp dụng. Cùng với đó là kết hợp xử lý ở mức độ hài hoà nhất có thể các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn và tính pháp chế của vấn đề vốn liên quan trực tiếp, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và quản lý nhà nước.
Về vấn đề ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chính phủ coi đây là biện pháp cưỡng chế với các lý do:
Thứ nhất là, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chưa có quy định cưỡng chế trong trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt có áp dụng các hình thức như đình chỉ hoạt động, tước giấy phép.
Thứ hai là, trong một số trường hợp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, môi trường, có cơ sở sản xuất (thường là doanh nghiệp) đã bị tước giấy phép hoạt động, tức là phải dừng hoạt động, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động để xả thải ra môi trường. Hay một cơ sở khai thác đá gây ô nhiễm bị tước giấy phép, đình chỉ hoạt động nhưng vẫn tiếp tục hoạt động...
Từ thực tế phát sinh đó, Chính phủ đề xuất biện pháp này và phạm vi áp dụng và đối tượng áp dụng rất hạn chế trong trường hợp không xử lý được vi phạm như nêu trên, Bộ trưởng cho biết.