Chính trị

Đề nghị bỏ quy định giao dịch dưới 100 triệu đồng, giải quyết theo thủ tục rút gọn tại Tòa án

Duy Tuấn 26/05/2023 14:50

Sáng nay (26/5), tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường để thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

202305260900500326_31.jpg

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi),  theo ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, về giải quyết tranh chấp tại Tòa án Điều 70 dự thảo Luật quy định: Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc khi có đủ các điều kiện sau đây: Người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; Vụ án có chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án; Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng, không có tài sản tranh chấp ở nước ngoài; Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài.

dai-bieu-nguyen-minh-son.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phát biểu thảo luận tại hội trường

Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường sáng nay, Đại biểu Nguyễn Minh Sơn - (đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định giá trị giao dịch để giải quyết vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn. Theo đại biểu Sơn, dự thảo Luật phân định hai trường hợp áp dụng được hiểu là đối với các giao dịch có giá trị trên 100 triệu đồng thì áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự, còn dưới 100 triệu đồng thì áp dụng Luật này. Đại biểu để nghị cân nhắc quy định theo hướng vụ án dân sự, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện, đồng thời bỏ quy định giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng. 

Cùng quan điểm này, Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cũng đề nghị Ban soạn thảo bỏ điều kiện khống chế để có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự đối với các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên. Theo đại biểu, mục tiêu đặt ra của dự án Luật này bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó, đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, trong Bộ luật Tố tụng dân sự cũng không quy định điều kiện hạn chế áp dụng thủ tục rút gọn như đối với các giao dịch trên hay dưới 100 triệu đồng. Do đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị bỏ điều kiện khống chế này trong dự thảo Luật.

dai-bieu-le-xuan-than-.jpg
Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) phát biểu thảo luận tại phiên họp

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy  (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn), đối với việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại Tòa án, Điều 70 dự thảo quy định: Một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng, tức là từ 101.000.000 đồng trở lên thì sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án là không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của luật. Bởi trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không.

dai-bieu-nguyen-thi-thuy.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường

Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc sự thống nhất, đồng bộ của luật với các luật liên quan khác. Cụ thể như tại Điều 72 của dự thảo Luật quy định khi tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng vì mục đích công cộng khởi kiện vụ án dân sự có trách nhiệm thông báo công khai các thông tin người khởi kiện về tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị kiện và về nội dung khởi kiện trên các hình thức phương tiện thông tin đại chúng trên trang thông tin điện tử của tổ chức xã hội và tại trụ sở, địa chỉ cơ quan của tổ chức xã hội, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ban soạn thảo nên cân nhắc việc công khai thông tin này vì đây là vụ án dân sự có tranh chấp và được lựa chọn giải quyết bằng con đường khởi kiện. Vì vậy, các bên tham gia tố tụng phải tuân thủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị bỏ quy định giao dịch dưới 100 triệu đồng, giải quyết theo thủ tục rút gọn tại Tòa án