Logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng. Tiềm năng và dư địa phát triển của doanh nghiệp logistics rất lớn nhưng ngành này vẫn cần nhiều giải pháp để phát triển thị trường logistics nói chung, cải thiện năng lực của doanh nghiệp nói riêng, nhất là trong thời kỳ COVID-19.
Thị trường logistics đầy tiềm năng
Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics đã ứng dụng công nghệ làm thay đổi ngành logistics, giúp chủ hàng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, người tiêu dùng được hưởng lợi. Báo cáo chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng thứ 8 trong Top 10 quốc gia đứng đầu.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logictics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Trong thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp logistics đều cố gắng hoàn thiện chuỗi giao kết hợp đồng thương mại điện tử (TMĐT), giúp người mua và người bán không cần tiếp xúc trực tiếp với nhau. Số lượng càng lớn thì chứng tỏ độ tin cậy trong TMĐT ngày càng cao và thói quen người tiêu dùng đã được dịch chuyển… Vai trò của doanh nghiệp logistics là giải quyết được bài toán thời gian, góp phần đáp ứng nhu cầu nhanh, tiện ích của người tiêu dùng.
Mặc dù ngành logistics có nhiều cải thiện và đang trên đà phát triển song theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, thị trường logistics trong nước đang gặp không ít “nút thắt”.
Trước hết, kinh nghiệm hoạt động quốc tế của các doanh nghiệp logistics chưa nhiều, thiếu sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi. Thêm vào đó, dịch COVID-19 bùng phát cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực này, trong khi một số nơi các hoạt động logistics bị ngưng trệ vì dịch bệnh, một số phân khúc khác như logistics phục vụ thương mại điện tử lại trở nên quá tải vì số lượng người mua hàng và đơn giao hàng tại nhà tăng đột biến. Hơn thế, chi phí logistics và nguyên liệu gia tăng nên các DN phải cố gắng chống chọi, duy trì hoạt động sản xuất qua giai đoạn này.
Hiện, chi phí logistics Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực. Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ ICT quốc gia Phạm Minh Đức thông tin, giá cước vận chuyển đang tăng đột biến do ảnh hưởng của COVID-19. Trước đây, cước vận chuyển chiếm 2% chi phí DN bây giờ tăng 8%. Trong khi đó DN không thể tăng giá sản phẩm do những hợp đồng đã ký từ trước. Thậm chí, không ít chuyến hàng còn bị hoãn, huỷ càng làm gia tăng áp lực cho DN khi phải chịu các chi phí lưu kho, chậm hàng, chậm thanh toán... Vì vậy, cần một cơ chế, chính sách để DN và người tiêu dùng không phải cáng thêm chi phí.
Hiện ngành logistics đã dần chuyển dịch, khi trên 50% hợp đồng phục vụ cho thị phần tiêu thụ nội địa, đi theo sự tăng trưởng đột biến của TMĐT. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức với ngành vì nó đặt ra những bài toán về tốc độ đổi mới công nghệ, chi phí vốn, chi phí đầu tư các trung tâm logistics, trung tâm TMĐT để hình thành hạ tầng thiết yếu cho ngành...
Giải pháp phát triển doanh nghiệp logistics hậu COVID-19
Để ngành logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hậu COVID-19 như mục tiêu đề ra, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài vấn đề về cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng, cần sự nỗ lực của các ngành, các cấp có liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh.
Cụ thể, DN kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức cần tự tìm hiểu, chủ động thay đổi tư duy về logistics để giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh của DN, góp phần tối ưu hóa chi phí logistics quốc gia. Đồng thời, DN cần áp dụng các giải pháp để tối ưu hóa, giảm chi phí vận tải nội bộ; Chọn phương án vận chuyển trực tiếp trong điều kiện có thể để giảm các chi phí trong hành trình; Tham gia vào các hiệp hội ngành hàng và chủ hàng để tạo lợi thế đàm phán với các hãng vận chuyển nước ngoài; Tham gia vào các sàn giao dịch vận tải; Tăng cường liên kết để giảm chi phí vận tải.
Bên cạnh chi phí, để doanh nghiệp logistics phát triển, rất cần sự đầu tư công nghệ của doanh nghiệp vào hạ tầng logistics, “số hóa” các khâu từ giao hàng đến thanh toán... để việc giao hàng nhanh chóng nhất có thể.
Như Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog Đỗ Huy Bình từng nói: “Đầu tư cho công nghệ là bài toán sống còn của mỗi doanh nghiệp logistics, đó cũng là đầu tư cho tương lai”, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp tối ưu hiệu quả, giảm chi phí.
Ngoài những nỗ lực chuyển đổi số trong bản thân mỗi doanh nghiệp thì cũng nên cùng nhau hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Do các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế nên để cùng nhau phát triển thành những doanh nghiệp lớn trong tương lai, các doanh nghiệp nên bắt tay cùng nhau làm việc, bởi “muốn đi thật xa không thể đi một mình, mà phải đi cùng nhau”.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)