Để “di sản văn hóa hát Xoan” trường tồn với thời gian

Nguyễn Tiến An| 10/02/2019 20:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý báu của vùng Đất Tổ nói riêng và trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Hát Xoan Phú Thọ đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ câu chuyện đẹp của lịch sử

Nguồn gốc của hát Xoan có nhiều cách giải thích bằng huyền thoại được đặt vào thời các Vua Hùng dựng nước. Có chuyện kể rằng, Vua Hùng đi tìm đất đóng đô, một hôm nghỉ chân ở nơi này là quê Xoan Phù Đức - An Thái, thấy các trẻ chăn trâu hát múa, vua rất ưa thích và lại dạy thêm nhiều điệu khúc nữa, những điệu hát múa ấy của Vua Hùng và các em chăn trâu, đó cũng là những điệu Xoan tiên.

Lại có câu chuyện kể rằng, vợ Vua Hùng đau bụng đã lâu ngày mà vẫn không sinh nở, một nàng hầu gái bàn nên đón nàng Quế Hoa múa đẹp hát hay đến múa hát. Quế Hoa được gọi đến trước giường, uốn tay đưa chân, dáng như tiên, giọng như suối, sắc như hoa... Vợ Vua Hùng xem múa nghe hát quả nhiên vui vẻ sinh ra được 3 người con trai tuấn tú khác thường. Vua Hùng rất vui mừng, truyền cho các công chúa trong cung nữ đều học những điệu múa hát của Quế Hoa. Lúc đó vào mùa xuân nên vua đặt tên các điệu múa hát đó là hát Xuân.

Chuyện dân gian xã Cao Mại kể rằng, Nguyệt Cư công chúa, Vua bà xã Cao Mại, con Vua Hùng, lúc lọt lòng mẹ cứ khóc hoài không ai dỗ được, chỉ khi nghe người làng An Thái hát em mới nín khóc, cứ như thế cho tới năm em lên ba tuổi. Các cụ còn cho hay, Nguyệt Cư qua làng An Thái được nghe hát rồi đau bụng đẻ, quân gia phải khiêng kiệu chạy thật nhanh về trang để bà kịp sinh nở. Cũng vì những tình tiết trên mà ở Cao Mại có lệ chạy kiệu Vua Bà và có hát Xoan trong các ngày đình đám tế lễ, đó là những trò diễn hội làng có ý nghĩa kỷ niệm.

Làng Hương Nộn, nơi có hát Xoan thờ Xuân Nương, một tướng của Hai Bà Trưng, các cụ kể rằng: Xuân Nương khởi nghĩa đánh giặc Hán tham tàn, có lần hành quân qua làng Xoan được nghe hát Xoan bèn cho quân học hát. Cũng vì sự tích trên mà ngày tế Xuân Nương, dân làng Hương Nộn tổ chức hát Xoan. Nếu thời Hai Bà Trưng đã có hát Xoan để quân bà Xuân Nương học hát thì hát Xoan hẳn đã ra đời trước đó nghĩa là vào thời Hùng Vương.

Một số nhà nghiên cứu âm nhạc công bố: Hát Xoan xuất hiện vào khoảng Thế kỷ XV (tức là đời Hậu Lê),  lời ca Xoan có những đặc điểm như hình thức, văn chương của thế kỷ XV, nghĩa là hình thể chưa cố định, vừa gồm các thể thất ngôn, vừa xen kẽ những câu 6 tiếng và kết luận rằng: Hát Xoan là một hình thức âm nhạc phong tục phát sinh từ thời kỳ nhà Lê.

Để “di sản văn hóa hát Xoan”  trường tồn với thời gian

Hát Xoan đã đi vào tiềm thức của người dân Phú Thọ

Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hồ sơ hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Ngày 8/12/2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO. Sự kiện này đã đánh dấu thành công bước đầu của tỉnh Phú Thọ và của cộng đồng đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản hát Xoan trong tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp suốt 6 năm qua.

Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử, từ thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn Lang; 1.000 năm Bắc thuộc; thời đại phong kiến Việt Nam tự chủ; chế độ phong kiến suy tàn; thời Pháp thuộc; đế quốc Mỹ xâm lược đến chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, hát Xoan vẫn tồn tại và đang hiện diện với nghệ thuật đặc sắc riêng biệt: Hát thờ Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật tiêu biểu thời đại Hùng Vương; hát trước cửa đình và hát vào mùa xuân; hát lễ và hát đám. Nét đặc sắc hơn cả của hát Xoan là khi múa có hát và ngược lại khi hát có múa trong âm vang tiếng nhạc cụ chỉ là một chiếc trống da.

Hát Xoan hiện có ở 18 xã của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, trong đó 15 xã, phường thuộc TP. Việt Trì, các huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông và Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) và 3 xã thuộc 3 huyện Lập Thạch, Sông Lô và Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, hiện có 4 phường Xoan được thành lập đang hoạt động tại thành phố Việt Trì, đó là phường Xoan An Thái, phường Xoan Thét, phường Xoan Phù Đức và phường Xoan Kim Đái.

Bảo tồn và phát huy “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”

Hát Xoan là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, có sự tích hợp giữa văn học, âm nhạc, múa và diễn xướng; lối hát dân gian đặc sắc của người dân vùng Đất Tổ,  có nguồn gốc từ hình thức hát thờ các Vua Hùng, bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Khởi nguồn từ dân gian và lưu truyền theo hình thức truyền khẩu, trải qua hàng ngàn năm lịch sử được cộng đồng gìn giữ, trao truyền, hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, nét sinh hoạt văn hóa mang đậm đặc trưng của người dân Phú Thọ nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Bảo tồn không gian văn hóa là giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị hát Xoan đã và đang được tỉnh Phú Thọ thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ với tầm nhìn có tính chiến lược, toàn diện, sâu sắc. Đó là việc nhận diện những bài bản cốt lõi của hát Xoan, hỗ trợ việc trao truyền từ các nghệ nhân tuổi đã cao cho học trò kế cận của họ một cách hiệu quả và từ đó những người này có thể dần thay thế được các nghệ nhân điều hành các phường Xoan và chủ động tổ chức các lớp truyền dạy cho con em của họ. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản hát Xoan Phú Thọ gắn với di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được tổ chức nhiều hoạt động tích cực để đưa di sản đến với đời sống cộng đồng. Nhận thức về giá trị và trách nhiệm bảo vệ hát Xoan của cộng đồng, công chúng và các cấp chính quyền địa phương ngày càng sâu sắc, bền vững.

Phục hồi các tập tục và không gian (đình, miếu) trình diễn hát Xoan tại cộng đồng. Phú Thọ đã có chiến lược về nguồn lực và kế hoạch cụ thể tiếp tục đào tạo, truyền dạy và phục hồi đầy đủ các không gian hát Xoan cho đến năm 2020. Đó là điều kiện cơ bản và là cơ hội bảo đảm môi trường, sức sống cho hát Xoan. Tại các làng Xoan gốc, 100% di tích đình, miếu gắn với hát Xoan đã được phục hồi. Đặc biệt di tích Miếu Lãi Lèn, nơi phát tích của di sản hát Xoan vừa là nơi thờ tự, là nơi tổ chức các hoạt động truyền dạy, thực hành nhưng cũng là nơi trưng bày như một “Bảo tàng” về hát Xoan và trở thành một điểm tham quan cho du khách muốn trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu về di sản hát Xoan. Tổ chức các diễn xướng dân gian và hát Xoan tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trong các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm cũng tạo nên không gian văn hóa Hùng Vương và hát Xoan một cách đặc trưng.

Dự án bảo vệ và phát huy hát Xoan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện từ năm 2013 và sẽ được tiếp tục cho đến năm 2020, đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phục hồi di sản với sự hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng. Các biện pháp bảo vệ kết hợp truyền dạy hát Xoan, đào tạo về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, phục hồi không gian cần thiết để thực hành di sản, sưu tập các tài liệu văn học trên thực tế và công bố cho các mục đích giáo dục và giới thiệu di sản trong trường học. Bốn phường của những người thực hành hát Xoan: Phù Đức, Thét, Kim Đái (xã Kim Đức) và An Thái (xã Phượng Lâu) đã có những đóng góp to lớn cho việc bảo vệ hát Xoan từ những năm 1980 cho đến nay. Kiến thức và việc thực hành liên tục của họ đã giúp khôi phục loại hình nghệ thuật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để “di sản văn hóa hát Xoan” trường tồn với thời gian