Cần hiểu rõ khái niệm đầu tư công như thế nào để xây dựng Luật Đầu tư công (ĐTC) sát với thực tiễn; ĐTC hiện nay còn dàn trải, không hiệu quả và làm thế nào để khắc phục điều đó để đưa vào dự thảo luật...
Đó là mục tiêu của Hội thảo “Pháp luật về đầu tư công” do Văn phòng Chính phủ phối hợp với cơ quan Hợp tác phát triển CHLB Đức GIZ tổ chức tại Hà Nội hôm nay 12-6.
Đầu tư công đang dàn trải và kém hiệu quả
Dự thảo Luật ĐTC đưa ra phạm vi điều chỉnh gồm những quy định về hoạt động đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư sử dụng vốn nhà nước vào chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội có khả năng thu hồi vốn (không nhằm mục đích kinh doanh); quyền và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân liên quan đến đầu tư công và trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư công.
Theo đó, sẽ có 4 lĩnh vực ĐTC được đưa vào dự thảo Luật là: Các chương trình mục tiêu, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội, các dự án đầu tư không có điều kiện xã hội hóa; Các chương trình, dự án phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp tổ chức chính trị-xã hội; Các dự án đầu tư của cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp; Chương trình, mục tiêu dự án ĐTC khai thác theo quyết định của Chính phủ.
Quang cảnh hội thảo
PGS, TS Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định, ĐTC là lĩnh vực rất quan trọng đối với Việt Nam hiện nay, vì với một nền kinh tế đang chuyển đổi thì chắc chắn đầu tư cho lĩnh vực này là rất lớn. Nếu chúng ta hoạch định được ĐTC chặt chẽ thì sẽ rất tốt đối với quản lý và phát triển nền kinh tế đất nước, còn không thì đây cũng là lĩnh vực gây lãng phí và kém hiệu quả, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế nước ta. Cũng xuất phát từ tinh thần này ĐTC cần có những đánh giá xác đáng để thể chế vào luật sao cho có hiệu quả.
Theo nhận định của các chuyên gia, đầu tư của nhà nước hiện nay đang dàn trải và kém hiệu quả. Như đầu tư nhà nước vẫn còn lớn, chiếm đến 40% tổng đầu tư toàn xã hội và có ở hầu hết các ngành nghề kinh tế như giao thông, điện, cấp thoát nước, y tế giáo dục… Lĩnh vực đầu tư còn dàn trải, phân tán ra quá nhiều dự án, ngay cả trong các ngành sản phẩm dịch vụ, công ích cũng có hàng chục nghìn dự án. Tuy nhiên, việc quản lý đầu tư hiện nay còn phân tán, chia cắt theo nguồn vốn, thiếu tập trung và thống nhất; Nhu cầu tư của các Bộ, địa phương là khổng lồ so với khả năng cân đối vốn của nhà nước và của nền kinh tế, chưa có công cụ kiểm soát hiệu quả. Điều đó dẫn đến hệ quả là, nguy cơ tăng nhanh công nợ, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, chúng ta phải xác định nguồn vốn đầu tư của nhà nước là vì lợi ích quốc gia, là một trong những công cụ thực hiện chức năng của nhà nước, để khắc phục những khiếm khuyết thị trường, dẫn dắt những ngành tiên phong kéo nền kinh tế đi lên. Bên cạnh đó nâng đỡ những vùng kinh tế khó khăn, yếu kém, lạc hậu nhằm cân bằng phát triển vùng. Và nếu như nhìn vào những lĩnh vực đầu tư trên thì thấy rằng đầu tư của nhà nước ta hiện nay đang hết sức dàn trải. Do vậy cần phải làm rõ khái niệm ĐTC có đồng nghĩa với đầu tư nhà nước hay không?
Nên vừa đầu tư mới, vừa thoái vốn
Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay còn quá lớn trên tất cả các phương diện. Hiện chúng ta có đến vài nghìn DNNN, một con số rất lớn chỉ sau Trung Quốc, hiện diện trong tất cả các ngành kinh tế. Những DN này chủ yếu làm thương mại và thiên về tìm kiếm lợi nhuận. DNNN chiếm khoảng gần 40% tổng số vốn kinh doanh, 30% tổng số tín dụng và 45% tổng trị giá tài sản của khu vực DN nói chung. Hiệu quả đầu tư cho DNNN hiện nay rất thấp, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia.
Còn theo TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu giá cả và chính sách tài chính, Bộ Tài chính, toàn bộ phần vốn đầu tư cho DNNN cần đưa vào điều chỉnh trong luật. Vì chúng ta có 1.309 DNNN đang sử dụng vốn ngân sách nhà nước là 700.000 tỷ đồng và vay nợ tín dụng khoảng 415.000 tỷ đồng. DNNN hiện nay có thể coi là con nợ lớn của nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó Luật ĐTC cũng không thể bỏ qua lĩnh vực đầu tư của DNNN vì từ thực tiễn sự đổ vỡ vừa qua cho thấy tình trạng DNNN đầu tư ngoài ngành quá lớn, việc đầu tư này do lãnh đạo DN tự quyết định mà không phải chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Một trong những biện pháp được cho là giải pháp hữu hiệu để ĐTC có hiệu quả và thể chế vào trong luật là, đổi mới tư duy về vai trò và chức năng của nhà nước, thu hẹp phạm vi ngành, nghề và hoạt động đầu tư nhà nước; Không cấp vốn đầu tư DNNN trong các ngành có thị trường cạnh tranh, các ngành không phải là công ích… Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Đình Cung cần phải vừa đầu tư mới, vừa thoái vốn đầu tư nhà nước từ các ngành, các DN không thuộc chức năng của nhà nước. Nên coi nội dung về thoái vốn nhà nước là một phần quan trọng của luật về đầu tư nhà nước.
Mai Thoa