Cứ mỗi độ xuân về, đi trên các tuyến đường tuần tra biên giới từ điểm đầu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho đến Kiên Giang, gặp lại những người lính thợ miệt mài bám trụ công trường, cảm giác bâng khuâng cứ ùa về với chúng tôi.
Khi khắp nẻo đường đất nước đang rộn ràng đón xuân, thì ở nơi biên giới xa xôi, họ vẫn đang tranh thủ từng ngày của mùa khô để đẩy nhanh tiến độ công trường. Vượt lên những khó khăn, thiếu thốn, từng ngày những người lính thợ đang nỗ lực nối liền con đường mang dáng hình Tổ quốc trên dọc dài biên cương đất nước.
Nơi thử thách ý chí và tôi luyện những người lính thợ
Đường tuần tra biên giới được coi là nơi thử thách bản lĩnh, ý chí, nghị lực của người chỉ huy và đơn vị, doanh nghiệp tham gia làm đường. Bởi đặc thù của con đường chạy dọc vùng biên giới, hầu hết phải mở tuyến mới với vô vàn khó khăn. Trong đội hình hơn 80 đơn vị, doanh nghiệp Quân đội làm đường tuần tra, ngoài các đơn vị công binh thuộc Bộ Tư lệnh Công binh và các Quân khu, Quân đoàn, thì hầu hết những doanh nghiệp lớn của Quân đội cũng có mặt trên tuyến đường lịch sử này; có thể kể đến như: Tổng công ty 36, Tổng công ty 319, Tổng công ty Trường Sơn (Binh đoàn 12), Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11),…
Nhiều vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh của Tây Bắc giờ đây đã gần với miền xuôi hơn khi Đường tuần tra biên giới mở ra
Do đặc thù của tuyến đường thi công trên địa hình hiểm trở, nơi rừng núi xa xôi, hẻo lánh, thời tiết khắc nghiệt nên có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ trẻ xung phong và được giao nhiệm vụ làm đường. Không ít kỹ sư tốt nghiệp các trường chuyên ngành về xây dựng, kiến trúc ví như “trường đại học thực hành” sau ngôi trường mà các anh được học tập trước đó.
Với những người có dịp trải nghiệm trên cung đường tuần tra thì điều đó quả không sai khi mà điều kiện, môi trường thi công thực tế khác rất nhiều so với những gì mà các kỹ sư trẻ có thể hình dung. Chưa nói đến công việc thi công ngoài công trường mà chỉ những chuyện bên lề thôi cũng đủ để các kỹ sư trẻ có được thực tế khó quên trên đường tuần tra biên giới; đó là, chỉ một trận mưa có thể cả công trường ăn cơm không cả tuần nếu không chủ động dự trữ thực phẩm do đường ướt, trơn trượt lại xa trung tâm không thể cơ động ra chợ mua; hoặc chỉ một hai con ruồi vàng đốt có thể thối thịt nếu không có kinh nghiệm xử lý, đó là vùng Tây Nguyên với đặc trưng “Ruồi vàng, bọ chó, gió Mo Ray”; rồi sốt rét rừng, mưa rừng, lũ quét,… giữa không gian mênh mông, âm u của rừng già; còn không ít tuyến bị ảnh hưởng của chất độc da cam trong chiến tranh do bom, đạn Mỹ rải thảm,… là thử thách thực sự với những người lính trẻ.
Đi trên vùng đất đỏ Tây Nguyên, tuy những ngày Tết Ất Mùi 2015 đã đến nhưng đâu đâu cũng thấy không khí khẩn trương nơi công trường của đơn vị thi công đang tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ. Với rất nhiều tuyến đường, chỉ có thể thi công trong vài tháng mùa khô thì việc tận dụng từng ngày nắng để thi công được các đơn vị tận dụng triệt để.
Song với đặc thù của đường tuần tra, hầu hết các tuyến đều nằm chênh vênh, một bên là núi, một bên là vực sâu, độ dốc dọc, dốc ngang rất lớn, nhiều đoạn có độ dốc lên đến 100% như đường lên... cổng trời, các đơn vị đã phải từng bước hạ thấp cao trình sau đó mới san gạt nền đường. Nhiều điểm thi công ở độ cao trên 2.000 – 3.000m so với mặt nước biển có thể kể đến các tuyến ở tỉnh Nghệ An, Lai Châu, Điện Biên, Kon Tum,...
Đoàn công tác Ban quản lý Dự án 47 vượt qua một đoạn đường trơn trượt khu vực tỉnh Kon Tum
Không như những con đường khác, việc thi công trên Đường tuần tra biên giới có đặc thù rất riêng, tuy làm cầu, đường giữa thời bình song chẳng khác trong chiến tranh là mấy. Trước khi được giao nhiệm vụ, không ai có thể hình dung được ở thời đại công nghiệp hóa này mà lại phải cõng từng can xăng, gùi từng bao xi măng, vác từng bao cát, thậm chí lập cả trạm giao liên như trong chiến tranh để vận chuyển vật liệu làm đường.
Thế mà khi bắt tay vào thực hiện, với những người lính dày dạn trận mạc một thời như sống lại kỷ niệm xẻ dọc Trường Sơn năm xưa, còn với các chàng kỹ sư trẻ, dù thực tế khác cả trăm, ngàn lần khi học từ sách vở song họ thực sự nếm trải được chút hương vị mà từ trước đến nay chỉ nghe kể và xem qua phim ảnh chiếu trên truyền hình. Những điều tai nghe mắt thấy, tay trực tiếp làm ấy đã giúp họ hiểu hơn con đường binh nghiệp mà mình lựa chọn với vô vàn khó khăn, thử thách, đẫm mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu đang chờ đợi phía trước.
Làm cầu, đường bên đồn “bảy hai sốt”
Đặc thù của việc thi công cầu, đường trên vùng biên giới còn vô vàn trở ngại mà rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải đối mặt, đó là sốt rét rừng. Nằm ở nơi rừng thiêng nước độc, ăn nước khe suối, ngủ lán trại dọc đường nên mặc dù đã rất cẩn thận áp dụng biện pháp phòng ngừa vậy mà dăm bữa nửa tháng ở nhiều công trường lại có người lăn đùng ra sốt rét. Nhân công đã thiếu, giá ngày công cao, lại gặp sốt rét, vừa mất nhân lực lại mất thêm cả người chăm sóc, vận chuyển anh em đến các trung tâm y tế điều trị.
Điển hình trong đó là gói thầu do Xí nghiệp 9, Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) thi công nằm trên đường vào Đồn Biên phòng 721, thuộc dự án Ngã ba sông Sê San – Bắc sông Ia H’lốp, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, nơi đây người dân vẫn hay gọi vui là đồn “bảy hai sốt”.
Chính cái tên đó mà ngay từ đầu vào tuyến thi công, lãnh đạo xí nghiệp đã gặp gỡ và được sự giúp đỡ tận tình của chỉ huy, quân y Đồn Biên phòng 721 về các biện pháp phòng dịch sốt rét. Mặc dù vậy, sau 2 năm thi công dự án, chỉ tính riêng xí nghiệp đã có 84 lượt bộ đội, công nhân bị sốt rét phải vào điều trị tại Đồn Biên phòng 721 và Viện quân y 213, Quân đoàn 3 (số liệu chúng tôi ghi nhận được trên hóa đơn thanh toán tiền viện phí và nhật ký thi công công trình).
Theo dân gian, sốt rét mỗi người thường chỉ bị một lần, nhưng những người lính thợ Xí nghiệp 9 rất nhiều người bị hai ba lần, thậm chí đến 5 lần như kỹ sư Nguyễn Xuân Thịnh - cán bộ kỹ thuật và anh Đặng Danh Viện – cán bộ phụ trách máy thi công công trường. Trong chuyến công tác, chúng tôi có dịp gặp Nguyễn Xuân Thịnh, nhìn vóc dáng “đô con”, cao gần 1,8m, nặng gần 80kg như anh Thịnh, ít người nghĩ anh có thể bị sốt rét quật ngã đến 5 lần. Chính điều đó cho thấy sự khắc nghiệt của khí hậu địa bàn vùng biên giới nơi đây. Tuy thế, sau 5 lần bị sốt rét vật lên vật xuống anh Thịnh vẫn quyết tâm xin vào công trường nằm vùng để chỉ đạo thi công.
Giữa mùa mưa Tây Nguyên, trở lại tuyến đường do lính thợ Xí nghiệp 9 thi công, chiếc xe bon bon trên đường, qua cầu Ia Krel ra tận vùng biên giới giáp với nước bạn Cam-pu-chia. Con đường trải rộng, dọc dài vùng biên giới, bất chợt trời đổ mưa như trút nước, song cũng chỉ mất chừng hơn chục phút, cả đoàn công tác đã ngược ra Quốc lộ 19 sang gói thầu khác để triển khai giao ban tuyến. Trong tiếng mưa rơi, nước xối xả, tạt vù vù vào kính xe, Trung tá Vũ Tiến Đức, Giám đốc Xí nghiệp 9 nói: “Đường xong, cầu thông nên vào tuyến trên vùng biên giới như đi giữa đồng bằng, cũng con đường này trước kia các anh vào, mưa thế này, ngủ lại công trường là chắc”. Quả đúng vậy, chúng tôi cũng không ít lần ngủ trong tuyến từ những cơn mưa như thế, nên càng hiểu thêm gian khổ, hy sinh của người lính mở đường để thêm trân trọng các anh khi đang ngày đêm lăn lộn công trường xây dựng con đường “trù phương lược” trên tuyến biên cương Tổ quốc.
Lập trạm giao liên để làm cầu, đường
Thiếu tá Trịnh Phú Tâm – Đội trưởng Đội xây dựng số 7, Công ty 470 (Tổng công ty Trường Sơn) không thể quên những ngày ăn dầm nằm dề trong nhiều năm để thi công đường cùng với 2 chiếc cầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước.
Với 35km đường tuần tra, trong đó có 25km mở đường vào Đồn Biên phòng 779 Phước Long, tỉnh Bình Phước và sau này 10km đường vào Đồn Biên phòng 775 Bù Cháp đến Đồn Biên phòng 769 Đắk Đang, tỉnh Đắk Nông anh đều được lãnh đạo công ty tin tưởng giao làm chỉ huy trưởng công trường.
Trong cơn mưa chiều giữa công trường trên tuyến đường tuần tra Bình Phước, anh Tâm kể với chúng tôi những câu chuyện làm đường của gần 10 năm trước mà lúc ấy anh nghĩ mình đang sống như thời chiến. Từng chi tiết anh bóc tách về những tháng ngày lăn lộn trên các cung đường làm chúng tôi như đang được hòa mình cùng cánh lính thợ nơi đây. Anh nói, trong 6 tháng đầu tiên của năm 2004 đi mở đường, anh phải tổ chức lập các chốt như trạm giao liên, cứ 5km có một trạm 4 người ở bám trụ làm đường, tổng số toàn tuyến có 5 trạm như thế.
Hàng ngày, anh và bộ đội phải thay nhau gánh, vác xăng dầu, thực phẩm đến trạm, sau đó từ trạm này lại chuyển tiếp đến các trạm tiếp theo, cả đi và về là 10km. Mở thông tuyến rồi cũng chưa hết lo âu khi độ dốc của đường rất dài, từ đầu dốc xuống cuối dốc đến hơn 2km, 3 lần xe chở xăng dầu bị lật do độ dốc lớn, đường trơn song may mắn không bị thiệt hại về người.
Những đêm dài không ngủ, với bộn bề những thứ phải lo toan về tiến độ, về sự thất thường của thời tiết, về biện pháp thi công, đến đời sống của anh em bộ đội,... Thế nhưng, vượt qua những khó khăn ấy, không lâu sau, 2 chiếc cầu cùng 35km đường bê tông phẳng lỳ được hoàn thành trong niềm vui vô bờ của những người lính thợ.
Giờ đây, đi trên con đường bê tông thẳng tắp, lên xuống ấy nhìn quả rất đẹp song mỗi mét đường mở ra đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của bộ đội khi đã có 2 người lính của công ty mãi mãi nằm xuống cùng con đường. Cùng với đó là những cơn sốt rét rừng, của đói khát khi không chuyển kịp lương thực vào công trường, của những lo âu canh cánh, hiểm nguy luôn rình rập giữa vùng biên ải xa xôi... là thử thách góp phần tôi luyện lên bản lĩnh, ý chí và cả sự quyết tâm cho những người lính thợ Trường Sơn hôm nay.
“Cầu bộ đội” trong lòng đồng bào giẻ triêng
Với anh Nguyễn Trọng Nguyện – Đội trưởng Đội Xây dựng số 13, Công ty Hương Giang (Quân đoàn 2) cũng có chung cảm xúc ấy khi từ ngày còn vác dao, mang cọc đi khảo sát thiết kế, xác định tuyến, đến nay đội của anh đã hoàn thành hơn một dự án. Trong đó có cây cầu Đắk Long trên địa bàn xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum dài 42m, rộng 5,5m.
Cây cầu vừa hoàn thành, trưởng bản cùng các vị cao niên mang gà, vịt đến liên hoan với anh em trên công trường và cũng chỉ được gần một tuần sau đó thì trận mưa to đã cuốn phăng cả cây cầu treo cũ cách cầu mới vài chục mét. Vì lẽ đó mà đồng bào Giẻ Triêng nơi đây rất phấn khởi, nhớ ơn tấm lòng bộ đội. Bởi thế, nên ngoài tên gọi cầu Đắk Long còn có tên gọi khác là “Cầu bộ đội” – cây cầu trong lòng đồng bào Giẻ Triêng.
Cứ vào mỗi dịp lễ, tết đồng bào lại mang quà khi thì con gà, khi thì buồng chuối, lúc bó rau rừng tặng công trường của công ty nằm ngay gần cầu đang thi công dự án tiếp theo.
Vất vả là thế, song mỗi ki-lô-mét đường hoàn thành với người lính mở đường là niềm vui khôn xiết bởi không chỉ giúp bộ đội biên phòng tuần tra thuận lợi mà còn là cơ hội để đồng bào vùng biên ải xa xôi, hẻo lánh được tiếp cận với cuộc sống mới tốt hơn. Trước kia, đi nương đi rẫy toàn đi bộ, thì khi có cầu, đường đồng bào đã dành dụm mua được xe máy, công nông đi lại và lên nương, sản phẩm làm ra bán được giá cao hơn để cải thiện cuộc sống hàng ngày.
Cùng với những ki-lô-mét đường nối dài trên tuyến, những chiếc cầu nối đôi bờ sông, suối trên địa bàn Tây Nguyên như nối nhịp bờ vui, để từ đây cuộc sống mới của người dân ngày càng khởi sắc góp phần đưa chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước trở thành hiện thực ở những nơi xa xôi nhất của Tổ quốc.
Đổi thay ở một vùng biên ải
Hệ thống đường tuần tra lên Đồn Biên phòng Pò Mã nói riêng, của khu vực tỉnh Lạng Sơn nói chung có nhiều tuyến đã thi công xong và bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác sử dụng. Giờ đây, trên dọc cung đường tuần tra đã xuất hiện những ngôi nhà của người dân bám đường, bám biên giới và dần hình thành những khu dân cư mới.
Có đường đã làm đổi thay cả một vùng biên, mà nói như anh Nông Văn Lợi, người dân tộc Tày ở xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định thì: “Con đường mở ra hướng thoát nghèo cho các hộ dân biên giới. Giao thông không còn cách trở nữa, người dân chúng tôi yên tâm định canh, định cư phát triển kinh tế gia đình. Cảm ơn bộ đội nhiều lắm!”.
Từ điểm cao 820 nhìn xuống phía dưới thung lũng là những làn khói lam từ mái nhà ở các bản làng chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Những đồi sắn nằm xen lẫn với hàng trăm héc-ta rừng thông xanh mướt đang cho thu hoạch nhựa. Hệ thống điện lưới như những sợi tơ trời bắt đầu được giăng lên dọc theo con đường mới. Khung cảnh một vùng biên ải trù phú đang dần trở thành hiện thực.
Con đường hoàn thành đã tạo điều kiện cho lực lượng biên phòng tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới hiệu quả. Qua tuần tra đã phát hiện, ngăn chặn một số hộ dân trồng cây thuốc phiện; bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển trái phép hàng chục ki-lô-gam pháo nổ và chất ma túy, ngăn chặn hiệu quả nhiều vụ buôn bán lâm sản trái phép qua địa bàn.
Con đường tuần tra đang dần hình thành nối liền tuyến biên ải của Tổ quốc, đã và đang góp phần tích cực thực hiện chiến lược bảo vệ an ninh tuyến biên giới, giúp người dân trên nhiều vùng biên từng bước xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Biến nhiều vùng biên ải hẻo lánh trở thành điểm sáng về phong trào phát triển kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ mốc biên giới.
Giờ đây, sau gần 10 năm triển khai thi công Đường tuần tra biên giới, vượt lên thiếu thốn nơi rừng sâu núi thẳm, những người lính thợ như bước vào một trận đánh lớn, không quản ngại gian khổ, ngày đêm mở mới, thi công cầu, đường. Thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi ấy là hàng nghìn ki-lô-mét đường bê tông đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc củng cố quốc phòng, an ninh, thúc đẩy kinh tế phát triển, mở mang văn hoá, xã hội ở những nơi xa xôi hẻo lánh trên trên tuyến biên cương của Tổ quốc nơi tuyến đường đi qua.