ĐBQH: Nhiệm kỳ với nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam

Nhóm PV| 30/03/2021 10:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiệm kỳ 2016-2021 có tổng số vụ án tăng mạnh, tăng 34%, trong đó nhiều vụ án đã đi vào lịch sử nước ta bởi quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn) nêu một trong 5 nội dung nổi bật của các cơ quan tư pháp.

Sáng nay 30/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

ky-10.jpg

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dù còn nhiều áp lực

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của các cơ quan tư pháp về những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, như đã thụ lý 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được 2,37 vụ việc (đạt 97,6%), so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng hơn 624.500 vụ việc. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu của Quốc hội.

Đặc biệt đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%; đã giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đạt tỷ lệ 97,3%, đã xét xử các vụ án hành chính đạt tỷ lệ 89,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.

Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật.

Đặc biệt, các vụ án về tham nhũng, kinh tế được tập trung giải quyết; tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng tăng mạnh, đạt gần 80.000 tỷ đồng…

Đại biểu Nguyễn Tạo - Lâm Đồng nhận xét: Các cơ quan tư pháp đã có nhiều đổi mới, cải cách trên nhiều phương diện, đạt nhiều mục tiêu đề ra cũng như chỉ tiêu Quốc hội giao; đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp mà Bộ chính trị đã đề ra trong nghị quyết 49.

Đại biểu khẳng định, nhiệm kỳ XIV, chính sách pháp luật được quan tâm xây dựng hoàn thiện và đồng bộ hơn, tạo ra cơ sở pháp lý và những chuyến biến tích của các cơ quan tư pháp; cơ sở vật chất được hoàn thiện, không còn tình trạng các cơ quan tư pháp phải đi thuê, đi mượn trụ sở như trước đây…

Việc công khai minh bạch trong hoạt động tố tụng cũng được triển khai mạnh mẽ, kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân. Những kết quả mà các cơ quan tư pháp làm được đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

nguyen-tao(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Tạo- Lâm Đồng

Tuy nhiên, theo đại biểu, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn đó là trong số vụ án hình sự được xét xử nghiêm minh, không có án oan; nhưng vẫn còn dư âm một số vụ án trong việc áp dụng các nguyên tắc điều tra, truy tố xét xử, các cơ quan tư pháp cần đánh giá đầy đủ hơn.

Đối với ngành Tòa án, chất lượng xét xử được cử tri rất quan tâm. Các vụ án dân sự quá trình giải quyết vẫn còn chậm, kéo dài cần có biện pháp khắc phục...

Đại biểu cũng cho rằng, ngành Tòa án hiện nay đang chịu nhiều áp lực, lượng án tăng hàng năm nhưng biên chế không tăng; số Thẩm phán có tăng thêm nhưng Thư ký bị giảm xuống, gây khó khăn trong hoạt động của các Tòa án. Do vậy, đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng cần quan tâm đến biên chế của các cơ quan tư pháp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đại biểu kiến nghị.

5 kết quả nổi bật của công tác tư pháp

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn) nêu 5 nội dung mà đại biểu cho là nổi bật của các cơ quan tư pháp.

Thứ nhất, nhiệm kỳ này, tổng số vụ án tăng mạnh, tăng 34%, trong đó nhiều vụ án đã đi vào lịch sử nước ta bởi quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng.

thuy-bc.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Bắc Cạn

Có nhiều vụ án số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng được các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều vụ án số bị cáo tham lên đến hàng trăm người như vụ án Ngân hàng đại dương 51 bị cáo, hay vụ án về đường dây đánh bạc nghìn tỷ lên đến 92 bị cáo.

Hay có những vụ án số người tham gia được triệu tập hàng trăm người… ví dụ như vụ án tại công ty liên kết Việt, vừa quan Hà Nội triệu tập 6000 bị hại; và còn rất nhiều vụ án khác nữa. Hầu hết các vụ án trong nhiệm kỳ đều đưa ra xét xử đúng thời hạn, đúng pháp luật, theo đại biểu.

Thứ 2 là hoạt động của các cơ quan tư pháp đều đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Điển hình như quy định quyền được đọc hồ sơ vụ án để tự bào chữa trong trong trường hợp không có người bào chữa- một quy định chưa từng có trong lịch sử tố tụng nước ta.

Mặc dù khi xây dựng các quy định các ý kiến rất lo ngại, tuy nhiên vừa qua các cơ quan tố tụng đã triển khai chặt chẽ và hiện nay đã đi vào nền nếp và đảm bảo quyền được hiến định của người bị buộc tội, đại biểu dẫn chứng.

Thứ ba là việc ghi âm ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can, biện pháp bắt buộc này đạt hiệu quả trong quá trình điều tra đồng thời cũng là chứng cứ quan trọng để bảo vệ những người tiến hành tố tụng.

Cùng với đó, việc tranh tụng tại Tòa án thực hiện ngày càng rõ nét, mạnh mẽ hơn hơn; tranh tụng chính là biện pháp để đảm bảo công bằng, công minh và thực hiện theo luật. Thời gian qua, người dân cảm nhận ngày càng rõ hơn về các phiên tòa tranh tụng của nước ta; là tín đáng mừng của nền tư pháp. Vừa qua TANDTC cũng đã có hướng dẫn về vấn đề này, tất cả các Tòa án đã không hạn chế thời gian tranh tụng, tạo mọi điều kiện để bên buộc, bên gỡ thực hiện quyền của mình, đại biểu dẫn chứng.

Thứ tư là đã tiệm cận được quy định tiến bộ của các nền tư pháp trên thế giới. Trong nhiệm kỳ, cả ba cơ quan tố tụng đều tiếp thu kinh nhiệm của nhiều nước. Trong đó đáng chú ý, TANDTC đã đưa vào vận hành hệ thống điện tử, nhận đơn qua mạng; tiết kiệm được thời gian, chi phí xã hội, hạn chế được sự tiếp của cán bộ tố tụng với đương sự.

Cùng với đó, TANDTC đã công khai các bản án trên mạng internet, giúp cho người dân tiếp cận và có thể tham gia đóng góp ý kiến nếu cần thiết. Việc công khai bản án trên mạng, chất lượng các bản án chắc chắn sẽ ngày càng được nâng cao.

Thứ 5 là các cơ quan tư pháp cũng đã thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình giải quyết vụ án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng. Nên những vụ án phức tạp đã được đưa ra giải quyết sớm.

Những thành tựu đã khẳng định nỗ lực rất lớn của các cơ quan tư pháp. Để phát huy kết quả đó trong nhiệm kỳ này, theo đại biểu , Chính phủ và các cơ quan tư pháp cần có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được nêu.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến- Hà Nội cũng cho biết ông khá ấn tượng với kết quả nhiệm kỳ qua, Tòa án đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, và đặc biệt việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội.

Theo đó, việc công khai bản án trên cổng thông tin điện tử được dư luận đánh giá cao. Các phiên tòa được tranh tụng. Việc tổ chức phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp cũng được Tòa án chú trọng. Các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp được chỉ đạo đổi mới theo hướng công tác xét xử phải tuân thủ pháp luật, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng….

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Nhiệm kỳ với nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam