ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Nên quy định hai ngạch Thẩm phán

Tống Toàn (ghi)| 22/07/2014 23:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nói về Dự thảo Luật Tổ chức TAND được trình ra Quốc hội, ông Nguyễn Doãn Khánh thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với Dự thảo Luật. Ngoài ra, ông Khánh cũng tham gia góp ý về một số nội dung của Dự thảo Luật.

Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, tại khoản 2, Điều 2 quy định chức năng, nhiệm vụ của TAND khi thực hiện quyền tư pháp nên bổ sung thêm một nội dung, đó là tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong quá trình xét xử khi HĐXX phát hiện thấy có đủ cơ sở có sự bỏ lọt, bỏ sót tội phạm. Đây cũng là nhiệm vụ được quy định trong Luật Tố tụng hình sự cần được chính thức hóa trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Về tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Tòa án các cấp được quy định tại các Chương II, III, IV, ông Khánh đồng tình với việc tổ chức Tòa án bốn cấp; việc tổ chức các Tòa án cấp cao, Tòa án sơ thẩm khu vực theo quản hạt tư pháp mà không theo đơn vị hành chính. Tuy nhiên, việc tổ chức Tòa án bốn cấp như trên cũng tạo ra những sự thay đổi như Dự thảo Luật quy định, đó là hình thành thêm một cấp Tòa án, đó là Tòa án cấp cao.

ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Nên quy định hai ngạch Thẩm phán

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh

Thêm nữa, theo ông Khánh, việc thay đổi đó sẽ khiến địa vị pháp lý của Tòa án sơ thẩm khu vực cũng có sự thay đổi theo chiều hướng tăng lên, số lượng Thẩm phán bố trí trong các Tòa, đặc biệt là TANDTC và Tòa án cấp cao theo xu hướng tinh gọn, tức là giảm số lượng đi. Từ những thay đổi đó đặt ra vấn đề là cần phải có sự điều chỉnh về mặt chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là thẩm quyền xét xử của các cấp Tòa án. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để có thể tiến hành việc phân cấp về xét xử đối với các cấp Tòa án, ông Khánh nhấn mạnh. Theo đó, ông Khánh cho rằng, cần xác định rõ nhiệm vụ chủ yếu của mỗi cấp Tòa án. Bởi lẽ, các cấp Tòa án được phân định nhiệm vụ chủ yếu như: Tòa án sơ thẩm khu vực là thực hiện xét xử cơ bản các vụ án, vụ việc. Vì vậy, cần tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án khu vực, nhất là xét xử vấn đề liên quan đến án hình sự. Nhiệm vụ chủ yếu của Tòa án tỉnh, thành phố là thực hiện xét xử phúc thẩm các vụ án, vụ việc được Tòa án sơ thẩm xét xử có kháng cáo, kháng nghị và chỉ xét xử sơ thẩm đối với một số vụ án, loại án chưa phân cấp cho Tòa án sơ thẩm. Còn nhiệm vụ của Tòa án cấp cao là thực hiện xét xử giám đốc thẩm, chủ yếu là giám đốc thẩm đối với các bản án quyết định do Tòa án tỉnh, thành phố sơ thẩm có kháng nghị và chỉ xét xử phúc thẩm đối với các vụ án, vụ việc mà Tòa án tỉnh, thành phố xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị.

Đối với TANDTC, ông Khánh đề nghị cần tập trung vào những nhiệm vụ chính của TANDTC là tổng kết công tác xét xử. Ông đồng tình với việc bổ sung nhiệm vụ cho TANDTC việc nghiên cứu và phát triển án lệ, xét xử tái thẩm và chỉ giám đốc thẩm đối với những bản án, các quyết định của Tòa án cấp cao có kháng nghị.

Với những nhiệm vụ nặng nề như trên, cần thiết phải điều chỉnh phân cấp xét xử cho các cấp Tòa án. Vì lẽ đó, ông Khánh đồng tình với việc điều chỉnh rút quyền xét xử giám đốc thẩm của TAND cấp tỉnh, thành phố để tập trung quyền này cho Tòa án cấp cao. Ông cũng đề nghị rút thẩm quyền tái thẩm của Tòa án cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương để tập trung quyền tái thẩm cho TANDTC. Bởi lẽ, theo ông Khánh, trong thời gian vừa qua, số lượng án tái thẩm diễn ra cũng không nhiều.

Bên cạnh đó, ông Khánh cho rằng, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định về thẩm quyền Tòa án trong thực hiện giải quyết các vụ án phá sản. Vấn đề này đã được quy định trong Luật Phá sản nhưng chưa đề cập trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Về việc thành lập Tòa giản lược với tính chất là một Tòa chuyên trách trong Tòa án sơ thẩm khu vực, ông Khánh đề nghị cần được nghiên cứu thêm vấn đề này. Tại cuộc hội thảo khoa học về đổi mới tổ chức hoạt động TAND theo yêu cầu cải cách tư pháp ngày 27/3/2014, có sự tham gia của các chuyên gia và cố vấn pháp luật UNDP thì Tòa giản lược là mô hình phát triển khá phổ biến ở Mỹ và nhiều nước của khu vực Đông Nam Á như Singgapo, Indonesia, Thái Lan. Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng, có hai nội dung ở đây cần nghiên cứu và xác định rõ bản chất của Tòa sơ thẩm: Một là nhiệm vụ của Tòa giản lược là giải quyết các vụ việc nhỏ, chủ yếu là các tranh chấp dân sự có giá trị nhỏ. Hai là phiên tòa chỉ có một Thẩm phán và các bên tranh chấp được tiến hành theo thủ tục giản lược, tức là thủ tục rút gọn tối đa về mặt tố tụng. Đây là mô hình phổ biến về cách thức tổ chức cũng như nhiệm vụ của các Tòa giản lược được tổ chức theo mô hình trên ở  nước Mỹ, cũng như ở các nước Đông Nam Á.

Mặt khác, Hiến pháp và luật tố tụng nước ta cũng đã quy định về tổ chức phiên tòa với thủ tục rút gọn, thực chất là Tòa giản lược do các Tòa chuyên trách thực hiện mà không cần phải thành lập ra một Tòa án chuyên để xét xử theo thủ tục rút gọn. Do đó, ông Khánh đề nghị không nên tổ chức Tòa giản lược chuyên trách trong Tòa án sơ thẩm khu vực như Dự thảo Luật.

Nói về ngạch Thẩm phán, ông Khánh cho rằng, tại khoản 1, Điều 50 của Dự thảo luật quy định Thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của luật này, được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử. Như vậy, ở đây không có các Thẩm phán làm nhiệm vụ khác ngoài nhiệm vụ xét xử. Vì vậy, theo quy định ở điều trên thì TANDTC sẽ không có các loại, các ngạch, bậc Thẩm phán khác nhau mà chỉ duy nhất có Thẩm phán TANDTC. Bởi vì nó liên quan đến việc thành lập Hội đồng Thẩm phán TANDTC với số lượng thành viên đã nêu trên và ở các Tòa án khác: Tòa án cấp cao, Tòa án quân sự cao cấp, do thẩm quyền xét xử và hình thành các Ủy ban Thẩm phán thì việc bố trí các ngạch Thẩm phán khác nhau trong cùng một cấp Tòa không có tính khả thi. Vì vậy, ông Khánh đề nghị chọn phương án 1, tức là quy định ngạch Thẩm phán chỉ có hai ngạch là Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán. Trong mỗi ngạch Thẩm phán sẽ được phân thành các bậc Thẩm phán và việc quy định bậc Thẩm phán do Chánh án TANDTC quy định. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Nên quy định hai ngạch Thẩm phán