ĐBQH: Không thể có chuyện nộp thuế một vài triệu lại mua được nhà, xe

Nhóm PV| 13/06/2018 14:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sáng 13/6, kiểm soát tài sản cán bộ, xử lý tài sản kê khai không trung thực và mở rộng phạm vi chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước là các nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm.

Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành cả ngày 13/6 để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 4. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội cho ý kiến một lần nữa trước khi thông qua vào Kỳ họp thứ 6. 

Mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, các đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), Bế Minh Đức (Cao Bằng), Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước là cần thiết, phù hợp xu thế quốc tế cũng như yêu cầu phòng, chống tham nhũng đặt ra trong tình hình hiện nay; đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, hối lộ, nhận hối lộ... đối với người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; đồng thời phù hợp với các công ước Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên.

“Việc lành mạnh hóa nhóm chủ thể này còn giúp phát triển bền vững, ổn định nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công,” đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) nhìn nhận.

Đại biểu này cũng đề nghị cùng với việc mở rộng sang khu vực ngoài nhà nước, cần đánh giá tác động, tính khả thi, đồng thời các quy định chặt chẽ, phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, vừa không gây khó khăn đến hoạt động của các chủ thể này.

Nêu ra các lý do tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự luật ra khu vực tư, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích, thực tiễn hiện nay cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư diễn ra nghiêm trọng, phức tạp và làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2010-2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển thực hiện cho thấy, tham nhũng là một trong 5 yếu tố ảnh hưởng nhất đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Để được tiếp cận nhanh nguồn vốn tín dụng, một số doanh nghiệp đã trích phần trăm "lại quả" cho cán bộ tín dụng, thường dưới 5% giá trị hợp đồng.

“Tham nhũng trong khu vực tư không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư mà còn ảnh hưởng đến khu vực công. Trong một số trường hợp, khu vực tư chính là nơi rửa tiền, sân sau của những hành vi tham nhũng trong khu vực công. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không hiệu quả nếu bỏ qua khu vực công,” đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.

Đại biểu cũng cho rằng tham nhũng trong khu vực tư ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, đến người tiêu dùng sản phẩm và làm do dự các nhà đầu tư nước ngoài, bởi, các nhà đầu tư nước ngoài không thể dự đoán được trước những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong quá trình kinh doanh, gián tiếp làm chậm sự phát triển của nền kinh tế.

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị thận trọng trong việc mở rộng phạm vi điều chỉnh dự luật bởi phòng, chống tham nhũng trong khu vực công hiện còn chưa làm tốt sẽ khó có nguồn lực, công sức để thực hiện ở khu vực tư.

“Dự luật chỉ bước đầu mở rộng phạm vi ở khu vực tư, giới hạn ở các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng bởi huy động vốn của nhân dân nên cần có sự kiểm soát chứ không phải cả khu vực tư. Nếu nói không rõ, doanh nghiệp, nhân dân và cử tri thấy rằng mình đang đánh lạc hướng, trong khi khu vực công là khu vực cần phải phòng, chống tham nhũng một cách triệt để và hữu hiệu,” đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) tranh luận. 

Băn khoăn việc áp thuế 45% tài sản giải trình không hợp lý

Kiểm soát tài sản cán bộ, xử lý tài sản kê khai không trung thực cũng là các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Điều 59 dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đưa ra 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý là áp thuế suất 45%, hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch. Cả 2 phương án này đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan chức năng chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.

Chính phủ lựa chọn phương án áp thuế 45%, xem tài sản này là khoản thu nhập vãng lai. Nếu xác định tài sản này bất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ thu nốt 55% còn lại.

Nhiều đại biểu đánh giá cách xử lý này cơ bản phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể hiện nay, thể hiện thái độ mạnh mẽ của Nhà nước với tài sản không rõ ràng khi người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan chức năng không có căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quy định pháp luật.

ĐBQH: Không thể có chuyện nộp thuế một vài triệu lại mua được nhà, xe

Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng)

Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng), quá trình xây dựng luật cần cân nhắc yếu tố tâm lý, tập quán văn hóa vì nhiều người không muốn công khai các tài sản thừa kế, cho tặng. Việc không quy định rõ thế nào là “giải trình không hợp lý” có thể khiến kết quả đánh giá phụ thuộc vào cảm tính của cơ quan kiểm soát, từ đó dẫn đến tranh luận, khiếu nại do bất đồng quan điểm.

Cùng quan điểm, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng không thể suy luận tài sản không kê khai đầy đủ là thu nhập bất hợp pháp vì ngoài lương, cá bộ công chức có thể có những khoản thu nhập hợp pháp khác nhưng không kê khai vì lý do nào đó.

Tranh luận lại quan điểm này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) lại cho rằng các khoản thu nhập ngoài lương hiện nay như thừa kế, cho tặng, trúng số xố đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Để minh bạch tài sản cán bộ công chức, ông Hiếu kiến nghị bổ sung kế thêm điều khoản buộc phải kê khai thuế hàng năm để so sánh với tài sản đã kê.

"Không thể có chuyện nộp thuế thu nhập cá nhân một năm chỉ một vài triệu mà lại mua được nhà, được xe", ông Hiếu nhấn mạnh.

Đại Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì nhìn nhận phương án áp thuế 45% đối với tài sản không kê khai trung thực, không giải trình hợp lý là chưa đúng với các quy định pháp luật hiện hành. Theo ông Phương, luật hình sự quy định hành vi trốn thuế từ 100 triệu sẽ bị xử lý hình sự. Trong các hình thức xử lý hành vi này chỉ có xử lý hình sự, cảnh cáo, buộc thôi việc, không có hình thức nộp thuế 45%.

Ông đề nghị quy định chỉ xử lý tài sản khi luật này có thời hiệu, không thể hồi tố tài sản hình thành trước khi có luật.

Lập cơ quan kiểm soát tài sản thuộc UBTVQH

Bày tỏ đồng tình với dự thảo luật trong việc giao cơ quan thanh tra tập trung kiểm soát tài sản, nhưng đại biểu Đỗ Văn Bình (đoàn Hải Phòng) băn khoăn với bộ máy, nhân lực hiện nay thì liệu có thực sự hiệu quả.

Còn đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hoá) đề nghị, trong bối cảnh tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, Đảng và Nhà nước ta thể hiện quyết tâm cao và đang tìm kiếm những giải pháp đột phá thì việc nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức là cần thiết.

"Đây có thể coi là khoản đầu tư xứng đáng cho hoạt động phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay và tương lai", bà Xuân nêu ý kiến.

Đồng tình với phân tích của đại biểu Cao Thị Xuân, ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh, hiện có lực lượng phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra, Viện kiểm sát và Công an. Nếu thành lập cơ quan mới thì có thể lấy lực lượng từ những đơn vị này sẽ đảm bảo vừa có chuyên môn, kinh nghiệm và đặc biệt là không làm tăng biên chế.

"Tôi đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập và cơ quan này trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", ông Nguyễn Văn Pha kiến nghị.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Không thể có chuyện nộp thuế một vài triệu lại mua được nhà, xe