ĐBQH đóng góp ý kiến thiết thực cho Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Tống Toàn - Mai Thoa| 12/11/2014 12:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như đã thông tin, tại Kỳ họp thứ 7, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Dự thảo lần này vẫn còn nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến đóng góp...

ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh): Thẩm quyền của mỗi cơ quan Tòa án, mỗi cấp Tòa án do Quốc hội quyết định

Khoản 1 và 2 của Điều 4 Dự thảo Luật đều quy định hai nội dung về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thành lập, tổ chức Tòa án và thẩm quyền quy định phạm vi xét xử của mỗi cấp Tòa án. Tôi cho rằng: Mỗi cơ quan Tòa án, mỗi cấp Tòa án khi thành lập đều gắn với thẩm quyền nhất định, khi thực hiện quyền tư pháp mỗi Tòa án đều nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mỗi cấp Tòa án, dù cấp thấp nhất như cấp huyện thì trên mỗi bản án đều nhân danh Nhà nước thực hiện thẩm quyền xét xử. Thẩm quyền xét xử theo vụ việc hay theo lãnh thổ đều là quyền tài phán thể hiện chủ quyền quốc gia của mỗi cơ quan Tòa án được giao trọng trách đảm nhiệm.

Để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội sắp được thông qua, tôi kiến nghị quy định thẩm quyền của mỗi cơ quan Tòa án, mỗi cấp Tòa án do Quốc hội quyết định. Vì thế, nên sửa đổi Điều 4 của Dự thảo như sau: “Khoản 1, việc thành lập, giải thể TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND cấp cao và việc quy định phạm vi, thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án TANDTC”. “Khoản 2, việc thành lập, giải thể Tòa án quân sự khu vực, Tòa án quân sự quân khu hoặc tương đương và việc quy định về phạm vi, thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án TANDTC sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”.

ĐBQH đóng góp ý kiến thiết thực cho Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

ĐB Đinh Xuân Thảo

Đồng thời, tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 49 về cơ cấu tổ chức Tòa án quân sự quy định tại khoản 2 như sau: Căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức của quân đội, Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án quân sự quân khu hoặc tương đương Tòa án quân sự quân khu và quy định về phạm vi, thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án theo đề nghị của Chánh án TANDTC sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tôi kiến nghị sửa đổi cụm từ "Ủy ban Thường vụ Quốc hội" thành cụm từ "Quốc hội" tại điểm b, khoản 1, Điều 30 và điểm a, khoản 1, Điều 38.

Tiếp đó, khoản 1, Điều 4 Dự thảo Luật quy định: TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có thể có các Tòa chuyên trách: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính. Đây là một chế định mới quy định về cơ cấu tổ chức TAND cấp huyện. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là một sự thay đổi, nhưng không phù hợp bởi: Hiện nay, TAND cấp huyện được tăng cường và củng cố về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ cán bộ Thẩm phán thẩm quyền giải quyết các loại vụ việc về cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ được giao. Cơ cấu tổ chức của TAND cấp huyện đáp ứng được yêu cầu xã hội, giải quyết các vụ việc theo quy định của Dự thảo, TAND cấp huyện không có các Tòa Lao động và Tòa Kinh tế. Nhưng thực tế, khi tăng thẩm quyền cho các TAND cấp huyện theo Nghị quyết số 742 năm 2014, Nghị quyết số 1036 năm 2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TAND cấp huyện vẫn giải quyết tốt các vụ án về kinh tế theo Điều 33 Luật Tố tụng dân sự và Điều 170 Luật Hình sự. Vậy theo Dự thảo, khi có vụ án kinh tế và lao động thì Tòa chuyên trách nào của cấp huyện sẽ giải quyết? Để phù hợp, TANDTC chỉ cần đào tạo những Thẩm phán có nghiệp vụ chuyên sâu về các lĩnh vực và biên chế về các TAND cấp huyện xét xử các vụ việc theo chuyên trách là phù hợp và hiệu quả. Vì vậy, tôi kiến nghị cơ cấu tổ chức TAND cấp huyện giữ nguyên như hiện tại và sửa đổi, bổ sung khoản này của Dự thảo.

ĐB Đinh Xuân Thảo (TP. Hà Nội): Phải cụ thể việc quản lý Tòa án về tổ chức phải theo nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước

Điều 2 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND là phù hợp và thể hiện rõ hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Đặc biệt, tôi rất đồng tình tại khoản 2 khi bổ sung thêm một đoạn là: "Căn cứ vào kết luận tranh tụng để ra bản án quyết định về việc có tội hay không có tội", đây là một nội dung cụ thể hóa quy định, một nguyên tắc quan trọng trong Hiến pháp. Khoản 7 quy định về thẩm quyền của Tòa án, liên quan đến việc bảo vệ Hiến pháp, tức là khi phát hiện các văn bản trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh thì có quyền kiến nghị, tôi hoàn toàn đồng tình.

Về cơ chế quản lý Tòa án về tổ chức, được quy định ở Điều 18, tôi đồng ý như dự thảo là giao cho TANDTC quản lý Tòa án về tổ chức như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, phải quy định rõ cơ chế quản lý về tổ chức nhân sự nó phải khác với quy định về tổ chức xét xử. Theo dự thảo, quy định về tổ chức xét xử là Tòa án độc lập theo thẩm quyền xét xử quy định tại Điều 5 là chính xác, là phù hợp. Nhưng, quy định tổ chức quản lý nhân sự chưa được rõ. Tôi đề nghị cụ thể việc quản lý Tòa án về tổ chức phải theo nguyên tắc quản lý hành chính Nhà nước, tức là theo Luật Cán bộ, công chức. Đó là thẩm quyền của TANDTC, nói chính xác hơn là của Chánh án TANDTC, thông qua các Văn phòng của các Tòa án từ tối cao đến cấp huyện để thực hiện trong công tác này. Do đó, đề nghị bổ sung khoản 1 Điều 18 như sau: "TANDTC quản lý các TAND về tổ chức theo nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước".

ĐBQH đóng góp ý kiến thiết thực cho Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

ĐB Trương Trọng Nghĩa

Trong Luật Tổ chức Quốc hội có một điều và Luật Tổ chức Chính phủ (Dự thảo) có một chương quy định về quan hệ phối hợp công tác nhưng trong Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) không có quy định về quan hệ, phối hợp, công tác giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tại hai Luật tổ chức này quy định một chương bảo đảm hoạt động của TAND và của VKSND, trong đó có quy định việc quyết định biên chế của TAND, VKSND thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi đó, trong Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội không quy định nội dung này...

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh): Thẩm phán tối cao mang tính đặc thù và mang tính chủ thể đặc biệt nên cần quy định tuổi nghỉ hưu cụ thể trong luật

Hiến pháp năm 2013 khẳng định Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thực hiện quyền tư pháp. Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập khi xét xử. Theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp thì lấy Tòa án là trung tâm, trọng tâm là công tác xét xử. Hiện nay nhân dân cũng như đại biểu Quốc hội đều yêu cầu tính độc lập của Thẩm phán ngày càng cao.

Để công tác xét xử ngày càng tốt thì nguyên tắc quan trọng nhất phải đảm bảo thực hiện đó là nguyên tắc độc lập của Thẩm phán. Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) này theo tôi cần phải xoay quanh nguyên tắc đảm bảo sự độc lập của Thẩm phán, phải lấy Thẩm phán là trung tâm để thiết kế, xây dựng luật này, cũng giống như Luật Tổ chức Quốc hội thì đại biểu Quốc hội phải là trung tâm.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ghi tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TAND không ghi trong luật này mà thực hiện thống nhất theo quy định của Bộ luật Lao động và hướng dẫn của Chính phủ đối với khoản 4, Điều 187 Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, ĐBQH và nhân dân đều thống nhất, Thẩm phán TANDTC là đặc thù, là một chủ thể đặc biệt chính vì nghề nghiệp, yêu cầu của xã hội cần thiết phải kéo dài tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán.

Đối với Thẩm phán TANDTC, không phải riêng nước ta mà trên thế giới đều có những chế định đặc thù dành cho chủ thể này. Do đó, trong luật, chúng ta phải cụ thể hóa tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán tối cao, như vậy mới mang tính đặc thù và mang tính chủ thể đặc biệt, nếu giống như công chức khác thì không có gì là đặc biệt, không có gì là khác. Hơn nữa, nếu quy định như thế này, không quy định tuổi thì năm nay tôi 55 tuổi, tôi được bổ nhiệm Thẩm phán tối cao lần đầu 5 năm thì tôi còn đủ tuổi để nhiệm kỳ sau đủ 10 năm để tôi lên Thẩm phán tối cao. Năm nay tôi 50 tuổi, tôi được bổ nhiệm lên Thẩm phán tối cao thì 55 tuổi hết lần đầu, qua lần thứ hai tôi vẫn còn tuổi làm việc đến 60 chẳng hạn thì tôi có được bổ nhiệm Thẩm phán tối cao không khi không đủ nhiệm kỳ là 10 năm, vấn đề đó đặt ra cần có lời giải. Thẩm phán tối cao thực tế chỉ có 15 đến 17 người, trong khi đất nước chúng ta là 90 triệu dân. Tôi nghĩ không vấn đề gì là khó, trong khi đó xã hội đồng tình, các đại biểu cũng đồng tình và Đảng cũng đồng ý thì tại sao không đưa vào luật mà cứ phải bằng quy định văn bản khác?

Khoản 3, Điều 63 của Dự thảo Luật có quy định số lượng Thẩm phán cấp cao, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp và tỷ lệ các ngạch, bậc của mỗi Thẩm phán do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, quy định. Điều này có nghĩa là số lượng Thẩm phán nói chung được quy định cụ thể; chỉ khi có Thẩm phán về hưu, đột quỵ, chuyển công tác mới thiếu số lượng thì chúng tôi mới được bổ sung thêm. Nếu đã phân định số lượng cụ thể rồi thì dù tôi ở Thẩm phán trung cấp bao nhiêu năm, tôi cũng không lên được cấp cao khi mà cấp cao đã đủ số lượng. Hoặc tôi là Thẩm phán sơ cấp khi Thẩm phán trung cấp đã đủ số lượng rồi thì đợi đến khi họ về hưu hoặc là như thế này khác, thiếu thì mới được bổ sung. Như vậy, khi tuổi bình quân của Thẩm phán bây giờ khoảng 40, 50 thì tôi phải chờ 10 năm đến 20 năm nữa tôi mới được chuyển ngạch một lần, khi họ về hưu, điều này cũng bất cập.

Trước đây, tôi đã nói không nên phân sơ cấp, trung cấp, cao cấp; bởi vì bác sỹ ra trường công tác ở bệnh viện tuyến huyện hoặc chữa ở bệnh viện Trung ương thì đều gọi là bác sỹ; kỹ sư ra trường thì gọi là kỹ sư. Luật sư bào chữa từ tổ dân phố lên bào chữa ở Tòa án tối cao vẫn gọi là luật sư, người ta chỉ hưởng ngạch, bậc, lương khác nhau hoặc phụ cấp nghề nghiệp khác nhau, phụ cấp cấp huyện khác với phụ cấp cấp tỉnh, phụ cấp cấp tỉnh khác với Trung ương.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh): Tòa án không thể xét xử theo "mâm cỗ dọn sẵn" của cơ quan điều tra và công tố...

Tôi nhất trí một điều là nhiệm vụ của quyền tư pháp là bảo đảm công lý, do đó quyền tư pháp phải vươn ra và trùm lên một phần của giai đoạn điều tra. Vì Tòa án không thể xét xử theo "mâm cỗ dọn sẵn" của Cơ quan điều tra và công tố. Đôi khi, trong quá trình làm cỗ như thế không biết do vô tình hay cố ý, nhưng lại là điều quan trọng nhất cho Tòa án khi phán quyết về công lý.

Khoản 2, Điều 3 quy định Tòa có quyền trả hồ sơ, chúng tôi rất băn khoăn và rất nhiều bị can, bị cáo lo lắng về quyền này. Chúng tôi đề nghị không nên áp dụng khái niệm trả hồ sơ, nếu thấy không đủ yếu tố buộc tội thì có quyền bác quyết định khởi tố hoặc bác cáo trạng và tuyên vô tội. Trong giai đoạn điều tra thì bác quyết định khởi tố hoặc trong giai đoạn xét xử thì bác cáo trạng và tuyên vô tội hoặc nêu những yêu cầu cung cấp bổ sung chứng cứ. Tôi đề nghị cung cấp bổ sung chứng cứ thì Tòa án chủ trì việc xác minh thu thập chứng cứ với sự cộng tác của VKS. Luật không nên quy định trả về để bổ sung, như thế nó lại kéo dài và chuyển qua một giai đoạn khác, quay đi, quay lại 2, 3 vòng, trong lúc đó vụ án vẫn đang tiến hành; có thể tạm ngưng để bổ sung chứng cứ.

Khi xét xử, yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên và những người khác trình bày các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa và HĐXX khởi tố vụ án hình sự, nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm hoặc phát hiện có dấu hiệu oan sai. Tất nhiên khi khởi tố phải có đủ tình tiết thì Tòa án vẫn có quyền khởi tố khi có dấu hiệu oan sai. Hai cái này nó cân bằng, hợp lý và tôi tin rằng cũng đáp ứng được nhiệm vụ của quyền tư pháp.

Về việc thi hành bản án, chúng tôi vẫn giữ quan điểm là nhiệm vụ của quyền tư pháp không chỉ là xét xử và ban bố một quyết định về công lý, mà còn có trách nhiệm bảo đảm về phán quyết công lý của mình được thực hiện, tức là công lý phải được thực thi. Còn chuyện cưỡng chế thi hành bản án có thể giao cho bên hành pháp, nhưng trách nhiệm của cơ quan tư pháp không thể chấm dứt sau khi ban bố xong. Do đó, chúng tôi đề nghị phải có một quy định cụ thể về vấn đề này. Ở đây ra quyết định thi hành bản án hình sự, nhưng đối với dân sự, tôi đề nghị phải có một quyết định và cũng trao cho Tòa án một thẩm quyền nào đấy. Tức là chấp nhận theo dõi việc thi hành phán quyết của mình nếu thấy trong quá trình đó có vấn đề và không bảo đảm thì Tòa án phải có một quyền lực nhất định để can thiệp, để có những yêu cầu nhất định.

ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hoá): Cần quy định theo hướng TAND phải kiểm soát, kiểm tra toàn bộ quá trình của các giai đoạn tố tụng

Để cụ thể hóa quy định tại khoản 3, Điều 2 Hiến pháp về kiểm soát quyền lực; khoản 1, Điều 102 Hiến pháp về thực hiện quyền tư pháp. Vì thế, Điều 2, điểm 3, Mục c Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định về thực hiện quyền tư pháp của TAND. TAND thực hiện nhiệm vụ theo hiến định là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân thì Tòa án phải được giao nhiệm vụ và có quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp như yêu cầu đã được xác định, đặt ra trong Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 và Kết luận 79, Kết luận 92 của Bộ Chính trị. Theo đó, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cần quy định theo hướng trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền TAND phải kiểm soát, kiểm tra toàn bộ quá trình của các giai đoạn tố tụng, điều tra, truy tố xét xử, để đảm bảo tính khách quan, tính đúng đắn trong quá trình hoạt động tố tụng. Từ đó, TAND ra phán quyết một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật để tránh oan sai.

TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc thực thi pháp luật, chịu trách nhiệm trước công lý về những quyết định của Tòa án đối với bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên. Vì vậy, TAND phải có quyền tự kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, để từ đó phát hiện, khắc phục những sai sót mà cơ quan điều tra, VKS truy tố trước đó. Ví dụ, Tòa án tự kiểm tra nơi xảy ra vụ án, kiểm tra vật chứng, nhân chứng, kiểm tra các dấu vết v.v...

Giao thẩm quyền này cho TAND là điều kiện để TAND với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đưa ra phán quyết đúng đắn, khách quan, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm, thể hiện vai trò của Tòa án là trung tâm của hoạt động tư pháp. Việc giao thẩm quyền này còn góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập lâu nay trong việc án tại hồ sơ, chỉ xét xử hồ sơ mà cơ quan điều tra truy tố xây dựng lên, hoặc nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong thực tiễn, nhiều vụ cơ quan điều tra truy tố không điều tra bổ sung, thậm chí đình chỉ vụ án, TAND không có cơ sở để kiểm sát hoạt động tư pháp. Vì thế, Điều 2, điểm 3, Mục c được sửa đổi như sau: "Trả hồ sơ, yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung, hoặc yêu cầu VKS bổ sung tài liệu, chứng cứ, hoặc chủ trì, phối hợp VKS để xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ nếu xét thấy cần thiết".

Khoản 4, Điều 63, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định: "TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án quân sự, quân khu hoặc tương đương có Thẩm phán, quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, khoản 1 điều này". Như vậy, có ba ngạch Thẩm phán là cao cấp, trung cấp và sơ cấp. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hiện hành và Điều 37 Dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi) thì TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm những vụ việc theo quy định của pháp luật, xét xử phúc thẩm những vụ việc mà bản án quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị, kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật. Dự thảo chưa quy định rõ Thẩm phán sơ cấp ở cấp tỉnh thì thẩm quyền xét xử như thế nào, bởi vậy Thẩm phán sơ cấp ở cấp tỉnh có thể xử phúc thẩm đối với bản án cấp huyện do Thẩm phán trung cấp ở cấp huyện xét xử sơ thẩm được hay không. Đề nghị Ban soạn thảo cần điều chỉnh cụ thể, rõ ràng hơn đối với khoản 4, Điều 63 của Dự thảo Luật, trong khoản này chỉ quy định các điểm b, điểm c, khoản 1 điều này là đủ, tức là cấp tỉnh chỉ có Thẩm phán cao cấp và trung cấp chứ không có sơ cấp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH đóng góp ý kiến thiết thực cho Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)