ĐBQH chuyên trách cho ý kiến Luật Cư trú (sửa đổi): Nên có quy định chuyển tiếp khi bỏ sổ hộ khẩu giấy

Quốc Huy| 05/09/2020 09:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 4/9/2020, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Nên có một số quy định cấm

Trình  bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Một trong các vấn đề được nhiều người quan tâm đó là các quy định cấm liên quan đến quyền cư trú của công dân; bỏ sổ hộ khẩu giấy…

Qua khảo sát, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm các cơ quan, tổ chức yêu cầu công dân phải trình giấy tờ xác nhận về cư trú; cấm các cơ quan, đơn vị ban hành các quy định dựa vào thông tin đăng ký thường trú, tạm trú để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cản trở việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thiết yếu của người dân.

ĐBQH chuyên trách cho ý kiến Luật Cư trú (sửa đổi): Nên có quy định chuyển tiếp khi bỏ sổ hộ khẩu giấy

Toàn cảnh hội nghị

UBTVQH nhận thấy, Luật Cư trú chỉ điều chỉnh các nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, việc đăng ký, quản lý cư trú. Trong dự thảo Luật không có quy định nào yêu cầu công dân phải trình giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính mà chỉ quy định công dân có quyền được cấp giấy tờ xác nhận về cư trú trong trường hợp bản thân có yêu cầu.

Thực tiễn vừa qua cho thấy, việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu công dân phải xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú để làm cơ sở thực hiện các thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự vẫn còn tương đối phổ biến. Do đó, dự thảo Luật đã quy định cấm hành vi lạm dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân (khoản 2 Điều 8).

Về trách nhiệm của chủ hộ, hộ gia đình về cư trú (Điều 11), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, dự thảo Luật quy định rõ hơn trách nhiệm của chủ hộ và các thành viên của hộ gia đình trong việc thực hiện quy định của pháp luật về cư trú.

Có ý kiến cho rằng, quy định việc “thống nhất đề cử” chủ hộ trong thực tiễn rất khó xác định; quy định trường hợp gia đình không có người từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc có người đủ 18 tuổi nhưng không có năng lực hành vi dân sự thì chủ hộ là người được các thành viên gia đình thống nhất đề cử là khó thực hiện, chưa thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 11 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội.

UBTVQH cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc không nên quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương như luật hiện hành. Việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Trong thực tế, việc thực hiện quy định nói trên của Luật Cư trú thời gian qua cho thấy chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn.

Cần có quy định chuyển tiếp khi bỏ sổ hộ khẩu

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, việc nới lỏng điều kiện về đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương có thể dẫn đến hệ quả trước mắt là số người đăng ký thường trú tại khu vực nội đô sẽ tăng lên so với giai đoạn trước đó, nhưng phần lớn số tăng thêm này là do những người đang đăng ký tạm trú hoặc chưa đăng ký nhưng đã thực tế cư trú tại nội đô chuyển sang diện đăng ký thường trú. Về lâu dài, số dân tăng cơ học hàng năm tại các thành phố trực thuộc trung ương nhiều hay ít chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các yếu tố như cơ hội việc làm, thu nhập, điều kiện sống, học tập, làm việc tại các đô thị này.

Thảo luận về nội dung  này, ĐB Phạm Văn Tuân (đoàn Thái Bình) cho rằng, các quy định hiện hành về nhập hộ khẩu vào thành phố lớn đang gây khó khăn cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn. Chủ trương giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân theo phương thức thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là phù hợp với xu thế hiện đại. Cần lưu ý những xáo trộn, phiền toái đối với người dân khi luật có hiệu lực do các quy định giữa các lĩnh vực, các ngành còn chồng chéo.

Còn theo ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), hiện nay mặc dù có quy định hạn chế cho đăng ký thường trú vào các TP lớn nhưng số lượng người dân đến tạm trú rất lớn, nhiều người đến ở lâu dài nhưng không có hộ khẩu. Vì vậy, chỉ cần quy định công dân có điều kiện về chỗ ở hợp pháp thì có quyền đăng ký thường trú để thuận tiện cho cuộc sống của người dân.

Liên quan đến chính sách mới tại dự thảo luật là bỏ sổ hộ khẩu giấy, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị trong Luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân.

Theo ĐB Phạm Văn Hòa, Bộ Công an bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/7/2021, nhưng hiện nay theo thống kê có đến 27 loại giấy tờ về hộ khẩu liên quan đến nhiều ngành, vậy trong thời gian ngắn như vậy việc sửa đổi các quy định có kịp hay không?

Vì vậy, ĐB đề đề nghị phải có thời gian lưu hành đồng thời sổ hộ khẩu và căn cước công dân, ít nhất đến cuối năm 2022 để các ngành, các lĩnh vực có liên quan nếu chưa thay đổi kịp thì người dân vẫn có quyền giao dịch bằng sổ cũ, tránh gây phiền hà cho người dân.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH chuyên trách cho ý kiến Luật Cư trú (sửa đổi): Nên có quy định chuyển tiếp khi bỏ sổ hộ khẩu giấy